TP. HCM lại bàn về cách quản lý vỉa hè, một trong những đề xuất đó là “muốn kinh doanh thì phải có giấy phép và trả phí”. Đây là cách “rất cũ” nhưng lại có vẻ hợp lý khi nhìn sang các nước láng giềng.
Không cần phải nhìn đâu xa, người láng giềng Thái Lan là một ví dụ điển hình cho việc quản lý vỉa hè hiệu quả. Trước khi có kết quả như ngày nay, Thái Lan cũng giống Việt Nam khi mua bán hàng rong trên vỉa hè là một nét văn hóa đã đi sâu vào đời sống của người dân và hấp dẫn đối với khách du lịch nước ngoài.
Giới chức Thái Lan đã tiến hành hàng loạt chiến dịch nhằm lấy lại hình ảnh sạch đẹp của quốc gia này và một trong những chiến dịch đó là dẹp bỏ hoạt động bán hàng rong trên đường phố. Chiến dịch hạn chế bán hàng vào giờ cao điểm và di dời hơn 3.000 quầy buôn bán trên vỉa hè tới những khu phố dành riêng cho hoạt động này.
Tại Bangkok, những người bán hàng rong phải đăng ký với cơ quan quản lý đô thị Bangkok để có thể buôn bán một cách hợp pháp. Những người đăng ký kinh doanh sẽ phải đóng một khoản tiền hàng tháng. Ngoài ra, Bangkok cũng thiết lập các khu vực công cộng làm nơi tập trung những người bán hàng rong. Ước tính, toàn thành phố Bangkok có khoảng vài trăm khu bán hàng rong ngoài trời và nằm rải rác trên 50 quận.
Nhiều tuyến đường bị cấm bán hàng rong trong giờ cao điểm, các xe bán hàng rong không được phép hoạt động từ 15h-17h để nhường đường cho người đi bộ.
Hay như ở Singapore, ngay từ thập niên 90 của thế kỷ trước, tất cả người bán hàng rong của Singapore đều đã có nơi buôn bán, được cấp giấy phép. Họ còn được dự các khóa học về vệ sinh cá nhân, vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng. Singapore cũng thực hiện chế độ quản lý nghiêm, áp dụng hình phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm luật kinh doanh, lấn chiếm lề đường hoặc không có giấy phép đăng ký kinh doanh.
Ở đảo quốc sư tử này, hàng quán vỉa hè, các khu ẩm thực đường phố, bán hàng lưu niệm vẫn tồn tại, song được quy hoạch và quản lý chặt chẽ. Các phố ẩm thực hoạt động theo khung giờ cố định. Vào giờ giới nghiêm, khu vực dành cho người đi bộ cấm xe cộ lưu thông. Đây có thể coi là hình mẫu về quy hoạch hoạt động buôn bán vỉa hè bài bản.
Còn nếu nhìn ra xa hơn, tại nhiều quốc gia Châu Âu, quy định về bán hàng rong trên phố hay mở nhà hàng, quán cà phê trên lề đường cũng được quy định nghiêm ngặt để vừa đảm bảo an toàn giao thông và không gây mất mỹ quan đô thị.
Một trong những quốc gia nổi tiếng với văn hóa cà phê vỉa hè là Pháp. Giới chức nước này cho phép các hộ kinh doanh quán cà phê được kê bàn ghế bên ngoài lề đường nhưng phải tuân theo quy định bàn ghế nằm gọn trong mái hiên khoảng 3 – 6 mét. Người dân và du khách vẫn vừa có thể nhâm nhi tách cà phê vừa có thể ngắm đường phố và nó đã trở thành một nét đẹp văn hóa tinh túy của người Paris.
Và ngay cả ở Quảng trường thời đại New York, Mỹ, một thành phố sầm uất bậc nhất của Mỹ, nhưng ít ai nghĩ rằng nó vẫn tồn tại những chiếc xe đẩy bán hotdog với giá chỉ 2USD. Nhưng để có được giấy phép và một chỗ đậu hợp pháp thì chủ nhân của những chiếc xe đẩy này phải tốn một chi phí không hề nhỏ, nó có thể lên đến hơn 200.000USD.
Nhìn từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy “kinh tế vỉa hè” ở Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng có rất nhiều điểm tương đồng và hoàn toàn có thể áp dụng được. Điều mà người dân quan tâm là các cơ quan chức năng của Thành phố cần có những quy hoạch chi tiết, cụ thể phù hợp với đặc điểm tình hình của từng quận, huyện để vừa có thể hài hòa được lợi ích của người dân vừa có thể đảm bảo được mỹ quan đô thị và mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Có thể bạn quan tâm