Các bị cáo và luật sư bào chữa trong vụ án “buôn lậu” gỗ trắc lớn nhất Miền Trung vừa phản ánh với DĐDN: HĐXX phúc thẩm đã bỏ qua các chứng cứ có lợi cho bị cáo.
Như DĐDN đã đưa tin sau gần 4 tuần xét xử và nghị án, ngày 26/7, HĐXX phúc thẩm vụ án “buôn lậu” gỗ trắc xảy ra tại TP.Đà Nẵng đã tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm, tăng hình phạt cho các bị cáo theo kháng nghị của VKS Cấp cao tại Đà Nẵng. Ngay sau khi Tòa tuyên án, trong phòng xử án đã vang lên tiếng kêu oan của bị cáo. Tiếp tục phản ánh những khuất tất từ vụ án này, để rộng đường dư luận: Báo DĐDN xin đưa ý kiến của các bị cáo và luật sư cho rằng HĐXX đã bỏ qua các chứng cứ có lợi cho các bị cáo.
Căn cứ số liệu sai để kết tội
Căn cứ để HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Đà Nẵng buộc tội các bị cáo được chủ tọa Phạm Việt Cường nêu tại phiên tòa ngày 26/7 như sau: “Kết luận giám định số 783 ngày 26/11/2012 Viện sinh thái tài nguyên và sinh vật kết luận tổng khối lượng lô gỗ là 614,672 m3, trong đó có 590,843m3 gỗ trắc và 23,828m3 gỗ giáng hương.
Như vậy, đã có đủ cơ sở để kết luận Trương Huy Liệu và Trần Thị Dung là đại diện của Công ty Ngọc Hưng không khai báo số lượng hàng hóa là 78,872m3, trong đó 23,828m3 là gỗ giáng hương, 55,04m3 gỗ trắc. Khi làm thủ tục xuất khẩu và nhập khẩu đã không đúng với khối lượng gỗ đã ký tại hợp đồng kinh tế số 35 ngày 5/12/2011. Và với hành vi không khai báo khối lượng lớn, trên 100 triệu đồng thì hành vi này của Trương Huy Liệu và Trần Thị Dung đã cấu thành tội buôn lậu được quy định tại điều 153 của Bộ luật hình sự 1999”.
Tại phiên tòa, các luật sư và phần tự bào chữa của các bị cáo cũng đã nêu quan điểm và viện dẫn căn cứ pháp lý chứng minh kết luận giám định 783 của Viện sinh thái tài nguyên sinh vật sai cả nội dung lẫn hình thức như: Hội đồng giám định không đủ năng lực pháp lý để giám định; phương pháp giám định thô sơ chỉ nhìn bằng mắt mà không hề lấy mẫu giám định; phương pháp đo tính không đúng vì cho cân hầu hết lô gỗ để quy khối lượng theo tỷ lệ 1.000kg=1 khối (1 khối gỗ nặng bằng 1 khối nước) là không đúng vì gỗ trắc chìm trong nước, tức phải nặng hơn khối lượng riêng của nước. Cách tính mà dân buôn gỗ sử dụng phải là 1.300kg gỗ trắc mới quy ra 1 khối gỗ trắc. Rất tiếc các ý kiến đó không được HĐXX xem xét.
Trở lại kết luận 783/STTNSV: trong mục phương pháp tính khối lượng (thuộc chức năng của kiểm lâm vùng II) được tính theo công thức: cân gỗ và nhân với 0,93 cho m3 gỗ hương và nhân với 1.09 cho m3 gỗ trắc để quy ra khối lượng. Thế nhưng, trả lời HĐXX trước tòa, đại diện kiểm lâm vùng II cho biết phương pháp quy đổi là cân 1000kg quy ra 1 khối, như vậy đã có sự mâu thuẫn, khác biệt trong cách tính khối lượng của hai cơ quan để cho ra kết luận 783.
Hơn thế nữa, đây là một tình tiết có lợi cho các bị cáo chưa được HĐXX xem xét: Tại điểm c, Điều 2 quy chế “quản lý đóng búa bài cây, búa kiểm lâm” ban hành kèm theo Quyết định số 44 ngày 1/6/2006 của Bộ NNPTNT: “Sai số cho phép về khối lượng được xác định cho từng lóng gỗ, tấm gỗ, hộp gỗ: đối với gỗ tròn là ±10%, gỗ xẻ là ± 5%”.
Như vậy, theo quy định này thì doanh nghiệp được phép khai báo hàng hóa trong phạm vi sai số ±10% đối với gỗ tròn và ±5% đối với gỗ xẻ.
Nếu theo phương pháp tính thể tích được Viện sinh thái tài nguyên sinh vật nêu trong kết luận giám định 783 thì tỷ lệ quy đổi 1: 1.09 (gỗ trắc), 0,93 (gỗ hương) thì tổng khối lượng gỗ chỉ là 567,679 m3, so sánh với khối lượng gỗ doanh nghiệp đã kê khai Hải quan (535,799 m3) thì chỉ chênh lệch 31 m3, nếu áp dụng quy định cho phép sai số ±10% đối với gỗ tròn và ±5% đối với gỗ xẻ thì mức sai số trong kê khai không đáng kể. Còn nếu tính đúng thì phải là đo đường kính, chu vi, dài rộng để tính; những mảnh gỗ cong chữ s, gốc rể, cành ngọn…không đo được thì tính bằng Ste rời quy đổi 1ste bằng 0,5-0,7 m3 gỗ tròn (QĐ 59/2005/QĐ-BNN của Bộ NN&PTNT) thì khối lượng từ bằng đến thấp hơn khối lượng doanh nghiệp đã kê khai, bằng chứng là giám định 151/STTNSV của Viện sinh thái tài nguyên sinh vật trước đó đã xác định khối lượng lô gỗ chỉ là 453,104 m3.
Thêm cú “bồi” cho doanh nghiệp
Trao đổi với PV DĐDN, ông Võ Thái Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ Quảng Trị, Ủy viên BCH Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết: “Việc mua bán làm ăn lớn cốt yếu là giữ “chữ tín” với nhau.
Trường hợp Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu gỗ từ nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào đã diễn ra suôn sẻ nhiều năm nên việc phải lật tung 13 xe xem xét từng thanh gỗ để xem nó có đúng chủng loại theo đơn hàng không là một điều không thể. Thời điểm đó gỗ nhập từ Lào, xuất khẩu sang nước thứ 3 thuế suất bằng 0% nên nói doanh nghiệp khai thiếu khối lượng để trốn thuế là vô lý. Thế nhưng hồ sơ vụ án này cho biết: Công ty Ngọc Hưng kê khai đầu vào và đầu ra đều với khối lượng 535,800 m3 gỗ trắc. Vậy nếu doanh nghiệp cho thêm gỗ vào để có khối lượng 614,672 m3 như kết luận giám định 783 thì khi xuất khẩu ra doanh nghiệp dại gì không khai thêm, vì không khai thêm thì hóa ra mang đi cho không người ta hơn 78 m3 gỗ sao? Cơ quan điều tra cũng kết luận Công ty Ngọc Hưng không bỏ thêm vào lô gỗ đã nhập khẩu trước đó. Công ty cung cấp gỗ bên Lào cũng không dại đến mức lấy tiền Công ty Ngọc Hưng 535,8 m3 gỗ nhưng giao đến 614,672 m3 gỗ, như vậy hơn 78m3 gỗ tăng thêm từ đâu ra, việc này chỉ được giải thích là số liệu giám định 783/STTNSV sai”, ông Hiệp phân tích.
Còn theo ông Lê Văn Tới, nguyên Cục trưởng Hải quan Quảng Trị: Hành vi buôn lậu trốn thuế thường gặp là đối tượng buôn lậu lén lút đưa hàng cấm nhập, hoặc hàng có giá trị cao vào lô hàng giá trị thấp để hòng chui qua cửa khẩu nhằm hưởng lợi chênh lệch.
"Đối với vụ án Công ty Ngọc Hưng “buôn lậu” gỗ trắc thì đi ngược lại, các cơ quan tố tụng cho rằng Công ty Ngọc Hưng trộn gỗ giáng hương vào lô gỗ trắc để buôn lậu là không hợp lý bởi vì gỗ hương có giá trị và mức nộp thuế thấp hơn gỗ trắc như vậy doanh nghiệp “buôn lậu” gỗ hương để làm gì? Nếu thật sự có gỗ hương trong lô gỗ trắc thì Công ty Ngọc Hưng mới chính là nạn nhân của gian lận thương mại vì bị đối tác bên Lào lừa bán lấy tiền gỗ trắc mà giao gỗ hương. Càng thiệt thòi cho Công ty Ngọc Hưng hơn là bị thêm cú bồi tại quốc gia mình: lô gỗ bị bắt giữ, chủ doanh nghiệp phải đi tù, vụ án kéo dài hơn 9 năm, công việc kinh doanh bế tắc”, ông Tới cho biết quan điểm của mình về vụ án này.