Ngày 21/8, phiên tòa xét xử sơ thẩm lần thứ tư vụ án “buôn lậu” gỗ trắc đã kết thúc phần tranh tụng, dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 23/8, thế nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ.
Có hàng chục vấn đề liên quan đến vụ án này đã tranh luận qua nhiều vòng, nhưng chưa giải quyết được. Trong đó vấn đề mấu chốt là căn cứ để xác định có đủ cơ sở khởi tố vụ án hay không vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Chưa đủ căn cứ để khởi tố vụ án
Theo đại diện Cục điều tra chống buôn lậu-Tổng cục Hải quan: Căn cứ khởi tố vụ án là dựa vào kết luận giám định 151/STTNSV ngày 12/03/2012, kết luận có 21,5m3 gỗ hương, trị giá trên 100 triệu đồng trong lô hàng của Cty Ngọc Hưng không khai báo, nên đủ cơ sở để khởi tối vụ án buôn lậu theo điều 153 BLHS. Tuy nhiên, khi các luật sư bào chữa chất vấn: Kết quả giám định 151/STTNSV và 783/STTNSV cùng một đơn vị, một người ký nhưng hai kết quả khác nhau đã được xác định là trái pháp luật nhưng vì sao vẫn lấy làm căn cứ để khởi tố thì đại diện Cục điều tra chống buôn lậu không trả lời được. Chủ tọa phiên tòa đề nghị VKS trả lời vấn đề này vì trách nhiệm truy tố là của Viện. Đại diện VKS cho rằng: “dù không có tư cách giám định tư pháp theo luật định nhưng Viện Sinh thái Tài nguyên sinh vật có đội ngũ cán bộ có chuyên môn và đạo đức, từng giám định cho nhiều vụ án nên kết quả tin cậy được. Tuy nhiên, vị đại diện VKS không giải thích được tại sao Viện sinh thái Tài nguyên sinh vật giám định lô gỗ ngày 12/3/2012 ra khối lượng 453,104m3, đến ngày 26/11/2012 lại giám định ra 614,672m3.
Có thể bạn quan tâm
17:05, 20/08/2018
08:08, 18/08/2018
20:50, 15/08/2018
Ngày 13/01/2012, đã tiến hành lấy mẫu giám định nhưng đến ngày 16/01/2012, ông Thế mới ký quyết định thành lập Hội đồng giám định và ngày 17/01/2012, Viện sinh thái Tài nguyên sinh vật mới ban hành kết luận cho rằng trong 16 mẫu vật giám định thì có 9 mẫu là gỗ giáng hương với 21,505 m3. Luật sư Thành “truy” việc lấy mẫu trước khi thành lập Hội đồng là sai luật, trình tự lấy mẫu và tổ chức giám định chủng loại gỗ như thế không đúng trình tự thủ tục pháp lý. Đó là chưa nói đến bằng cách nào mà chỉ lấy 16 mẫu trong hơn 500 m3 gỗ (khối gỗ chất bằng căn nhà) mà biết được trong đó có 21,505 m3 gỗ hương. Do đó, không thể lấy kết quả giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật làm căn cứ để truy tố được.
Luật sư Đỗ Ngọc Quang, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng: quá trình thu giữ lô gỗ và tổ chức giám định để khởi tố vụ án, điều tra và cáo buộc cũng đầy sai sót. Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật được trưng cầu giám định 3 lần, nhưng đều không có tư cách giám định tư pháp.
"Từ kết quả giám định không hợp pháp, Cục điều tra Chống buôn lậu - Tổng Cục Hải quan, VKSNDTC đã khởi tố, truy tố vụ án đã dẫn tới Công ty Ngọc Hưng không được xét hoàn thuế khi xuất khẩu sang nước thứ 3 và số tiền thuế hơn 1,8 tỷ đồng này được quy trách nhiệm làm thiệt hại cho ngân sách Nhà nước để buộc tội cho 3 cán bộ Hải quan “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" - LS Quang cho biết.
Thiếu nhiều yếu tố cấu thành tội buôn lậu
Các luật sư và bị cáo dẫn nhiều văn bản pháp quy chứng minh: Với mặt hàng gỗ nhập khẩu từ Lào, luật pháp nước ta chỉ điều chỉnh khi đã qua cửa khẩu, đi vào lãnh thổ Việt Nam. Trách nhiệm của Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu lô gỗ là phải khai báo Hải quan, nộp thuế và Công ty Ngọc Hưng đã làm đầy đủ trách nhiệm. Thế nhưng, cáo buộc lại dựa vào một số tài liệu như con dấu, chữ ký (trong hợp đồng mua bán gỗ) của doanh nghiệp Lào (hoạt động trên đất Lào) để cho là không trung thực và buộc tội “buôn lậu” cho ông Liệu, bà Dung. Tương tự là doanh nghiệp Trung Quốc có hợp đồng mua gỗ xuất khẩu của Công ty Ngọc Hưng, cáo buộc cũng dựa vào những căn cứ ở Trung Quốc để cho rằng Công ty Ngọc Hưng gian dối.
Luật sư Đỗ Ngọc Quang, bào chữa cho ông Trương Huy Liệu đã phải nói tại tòa: “Sự quy kết đối với hành vi làm giả các bộ hồ sơ, tài liệu và sử dụng các bộ hồ sơ này nhập khẩu gỗ từ Lào về Việt Nam và xuất khẩu lô gỗ này đi Trung Quốc không được quy định trong bất kỳ tội danh nào của Bộ luật Hình sự nước ta”.
Vụ án được dư luận rất quan tâm vì có nhiều tình tiết dẫn đến oan sai và việc chỉ đạo bán vật chứng của vụ án của cựu Trung tướng Công an Phan Văn Vĩnh- người đã bị bắt vì liên đến đường dây đánh bạc ngàn tỷ. Vụ án này sẽ được giải quyết dễ dàng hơn nếu vật chứng còn lưu giữ.
Chính việc vội vàng bán vật chứng trong khi kết quả giám định lô hàng này không đúng quy định pháp luật đã khiến cho việc xác định lại khối lượng, chủng loại của lô gỗ - yếu tố mấu chốt của vụ án này không thể thực hiện được, chính là nguyên nhân khiến vụ án phải qua 4 phiên tòa tranh tụng nảy lửa, kéo dài đến gần 7 năm mà công lý vẫn chưa sáng tỏ.