Ngày 11/7, phiên tòa phúc thẩm kỳ án “buôn lậu” gỗ trắc lớn nhất Miền Trung đã bước sang ngày làm việc thứ 7 với phần tranh luận.
Tại phiên tòa các luật sư bào chữa cho các bị cáo đã nêu ra rất nhiều vấn đề việc dẫn luật và đưa ra nhiều chứng cứ thuyết phục để làm sáng tỏ vụ án.
Mở đầu phần tranh luận, đại diện VKS nêu lên quan điểm: vì kết luận giám định 151/STTNSV ngày 12/3/2012 Cục điều tra chống buôn lậu- Tổng cục Hải quan trưng cầu Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật giám định chứ không phải do Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C44) trưng cầu nên không được lấy làm căn cứ đề khởi tố vụ án mà chỉ nhằm xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời VKS cho rằng giám định 783/STTNSV ngày 26/11/2012 với tổng khối lượng 614,672m3, trong đó có 23,828 m3 gỗ hương mới là căn cứ để khởi tố vụ án buôn lậu gỗ trắc xảy ra tại Công ty Ngọc Hưng.
Tiếp tục tranh luận về khối lượng gỗ vì sao cùng cơ quan giám định (Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật) nhưng kết quả giám định 783 khối lượng gỗ tăng hơn 161 m3 so với giám định 151.
Đại diện Kiểm lâm vùng II được Viện sinh thái tài nguyên sinh vật mời xác định khối lượng cho biết: phương pháp tính khối lượng thực hiện theo Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 chủ yếu là cân để xác định trọng lượng rồi quy đổi sang thể tích theo tỉ lệ 1/1 (1.000kg bằng 1 m3).
Bị cáo Trương Huy Liệu phản bác: “bị cáo đã làm nghề gỗ lâu năm nhưng chưa thấy văn bản nào cho phép dùng phương pháp cân là chủ yếu để tính khối lượng gỗ. Công ty Ngọc Hưng mua, bán lô gỗ trước thời điểm BNN&PTNT ban hành Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 nên doanh nghiệp đã căn cứ quy định tại Điều 6 Quyết định số 59/2005/QĐ-BNN ngày 10/10/2005 và quy định tại Điều 2 Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN ngày 01/6/2006 của BNN&PTNT để xác định khối lượng.
Theo đó, đối với gỗ tròn (tận dụng gốc, cành, ngọn) thì Công ty Ngọc Hưng đo và tính bằng đơn vị khối lượng là ste rồi quy đổi cứ 1 ste bằng 0,7m3 . Do Kiểm lâm vùng II áp dụng phương pháp tính khối lượng không đúng quy định pháp luật nên bị cáo không đồng ý với kết luận 783”, bị cáo Liệu nói.
Liên quan đến kết luận 783, luật sư Nguyễn Trường Thành, Đoàn luật sư Cần Thơ đưa ra 3 luận cứ bác toàn bộ kết luận này. Thứ nhất: Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật chỉ có chức năng xác định chủng loại động, thực vật, động vật nhưng không có chức năng đo, cân tính khối lượng thể tích. Chính vì điều này mà sau khi Viện nhận được công văn của C44 trưng cầu giám định lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng thì đã phải mời thêm Kiểm lâm vùng II cùng thực hiện. Điều này pháp luật không cho phép vì Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật không phải là cơ quan tố tụng nên không được phép mời đơn vị khác tham gia.
Trong trường hợp này Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật phải từ chối nhận giám định vì theo khoản 3, Điều 28, Pháp lệnh giám định tư pháp: “Tổ chức giám định tư pháp, tổ chức chuyên môn, người giám định tư pháp phải từ chối nhận trưng cầu giám định nếu không có đủ trang thiết bị, phương tiện để thực hiện giám định, nội dung yêu cầu giám định không thuộc chuyên môn hoặc vượt quá khả năng chuyên môn của mình”.
Để minh họa cho dễ hiểu, luật sư Thành nêu ví dụ: “hôm nay tôi có mặt tại phiên tòa này là do thân chủ mời, nếu tôi muốn có thêm một cộng sự thì tôi có quyền giới thiệu nhưng mời hay không phải do thân chủ tôi quyết định và mời.”
Tại phiên tòa này, đại diện Cơ quan kiểm lâm vùng II cũng đã xác nhận sự có mặt tham gia giám định là do Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật mời và chỉ chịu trách nhiệm với cơ quan này mà không chịu trách nhiệm trước pháp luật, như vậy thì làm sao lấy kết quả đó để truy tố cá nhân doanh nghiệp ra tòa. Luật quy định chặt chẽ như vậy tại sao chúng ta không làm nếu xét thấy không có căn cứ, kính trình HĐXX bác kết luận 783.
Đối đáp lại, đại diện kiểm lâm vùng II cũng thừa nhận chỉ đo đạc, cân đếm còn tính khối lượng là do C44 thực hiện để phục vụ cho công tác điều tra chứ không phải để đưa vào kết quả giám định 783/STTNSV (?).
Thứ hai: Cơ quan tố tụng vi phạm nghiêm trọng về phong tỏa vật chứng: Tại biên bản lấy mẫu chứng nhận hàng biên bản không số BB/HC13 ngày 13/01/2012 tại Cảng Tiên Sa Đà Nẵng của Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Trung đã tiến hành lấy mẫu giám định ghi nhận: Tổng số lấy mẫu 85 mẫu được giao cho các đơn vị sau đây giữ doanh nghiệp Ngọc Hưng 12 mẫu; Chi cục hải quan Cảng Đà Nẵng 12 mẫu, đưa đi giám định 16 mẫu; Cục điều tra chống buôn lậu Tổng Cục hải quan giữ 45 mẫu.
Thẩm vấn tại tòa: đại diện Công ty Ngọc Hưng cho biết không được giao 12 mẫu để giữ, Chi cục Hải quan Cảng Đà Nẵng có nhận nhưng không biết để đâu, Cơ quan giám định có nhận nhưng không hoàn trả cho cơ quan trưng cầu giám định; Cục điều tra chống buôn lậu không biết mẫu hiện tại nằm ở đâu.
Hồ sơ không có tài liệu sau khi khởi tố vụ án của Cục điều tra chống buôn lậu và khởi tố bị can của C44 có ra quyết định thu giữ 85 mẫu vật dùng để giám định chủng loại gỗ hay không? Tại phiên tòa này chúng ta có thấy mẫu vật chứng nào không, nó đang ở đâu? Luật sư Thành hỏi.
“Theo Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật cho biết: để cho ra kết luận 783, Viện chỉ giám định bằng mắt thường tại hiện trường. Thật là vô lý: để xử lý hành chính thì lấy mẫu vật đi giám định nhưng khi giám định để truy tố các cá nhân, doanh nghiệp ra tòa thì giám định bằng mắt thường, vậy kết luận 783 có đang tin cậy hay không?”, luật sư Thành băn khoăn.
Thứ 3: vấn đề tuy rất nhỏ nhưng có thể chứng minh được mức độ tin cậy của kết luận giám định.
Trong biên bản số 29/STTNSV ngày 17/01/2012 xác định có 9 mẫu gỗ hương được đánh ký hiệu AA/10-206082… AA/10-206076, xin Cơ quan kiểm lâm và Viện sinh thái tài nguyên sinh vật cho biết 9 mẫu vật này được lấy ra từ container nào?
“Trong Container GESU 6243717 được xác định toàn bộ là gỗ trắc nhưng trong biên bản giám định ký ngày 13/01/2012 thì có 3 mẫu gỗ giáng hương trong container này như vậy chẳng lẻ có những thanh gỗ một đầu gỗ trắc, một đầu gỗ hương”, bị cáo Nhi hỏi.
Đối đáp về vấn đề này đại diện kiểm lâm vùng II, và Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật không trả lời được.
Đề nghị cơ quan tố tụng chứng minh nguồn gốc lô gỗ
Về việc xác định nguồn gốc lô gỗ: luật sư Lê Thị Xuân Mai, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng cho rằng: VKS nhiều lần phát biểu khẳng định lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng được nhập khẩu từ Lào nhưng lại không công nhận đơn vị cung cấp lô gỗ này là Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào theo hồ sơ khai báo Hải quan, như thế thì lô hàng này từ đâu, VKS phải chứng minh thì mới thuyết phục.
Bị cáo Liệu xin được bào chữa: Nếu doanh nghiệp mua lô gỗ trắc từ trên trời rơi xuống (không phải khai thác từ rừng Việt Nam) thì doanh nghiệp cũng chỉ bị xử lý hành chính, không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, không để xảy ra hậu quả người đi tù, người mất mạng mà vụ án này đã gây ra. Huống chi Công ty Ngọc Hưng có hồ sơ nhập khẩu rỏ ràng. Theo số liệu từ Hải quan Quảng Trị cung cấp: trong ngày Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu lô hàng này còn 18 doanh nghiệp khác cùng nhập khẩu gỗ từ Lào với khối lượng lên đến hơn 6.000 m3 nhưng vì sao chỉ duy nhất Công ty Ngọc Hưng bị khởi tố vì lô gỗ này.
Liên quan đến kết luận của cơ quan điều tra cho rằng Công ty Ngọc Hưng làm giả hồ sơ xuất nhập khẩu vì cho rằng chữ ký con dấu không đồng nhất với một hợp đồng được thu thập năm 2016 để giám định cho hợp đồng mua hàng số 1505/NK/KD/BO33 của Công ty Ngọc Hưng với Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào.
Bị cáo Liệu cho biết: thời điểm đó Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào sử dụng có 2 con dấu, 2 chữ ký để bán gỗ cho doanh nghiệp Việt Nam. Cả hai con dấu, chữ ký đều được Chính phủ Lào cho phép. 2 con dấu, 2 chữ ký này được Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào ký bán cho hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam với hàng triệu m3 gỗ nên không thể nói chữ ký con dấu đó là giả.
“Đây là việc nội bộ của họ nên 9 năm nay bị cáo không muốn nói ra vì sợ ảnh hưởng tình hữu nghị hai bên. Hôm nay vì muốn cung cấp thêm chứng cứ để HĐXX giải oan cho bị cáo nên buộc phải nói ra”, bị cáo Liệu nói.
Về ý kiến tranh luận của VKS cho rằng: Công ty Ngọc Hưng làm giả hồ sơ xuất nhập khẩu, luật sư Trường Thành phản bác:
Theo kết quả trưng cần giám định con dấu, chữ ký phía bên Lào dựa trên 3 tài liệu cho 3 kết quả khác nhau thì không thể lấy đó làm cơ sở xác định.
Tại phiên tòa, luật sư Thành cũng cung cấp cho HĐXX 4 bảng hợp đồng kinh tế do Công ty Ngọc Hưng ký kết nhập khẩu gỗ từ Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào vào các ngày 23/8/2011, 31/8/2011, 5/8/2011, 20/02/2012, tất cả hợp đồng này không có gì khác so với hợp đồng của lô hàng bị bắt giữ. Trong khi đó tất cả 4 lô hàng trên đã được thông quan và xuất khẩu sang nước thứ 3 đúng quy định pháp luật như vậy không có cơ sở để cho rằng hợp đồng 1505/NK/KD/BO33 là giả.
“Tôi cũng có nhiều dịp đi công việc bên Lào và được biết một doanh nghiệp có nhiều con dấu và có từ 1- 4 thậm chí 5 người đại diện pháp luật là rất bình thường, miễn sao được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Không riêng gì Lào mà nhiều quốc gia khác cũng vậy, chúng ta ngồi đây bắt bẻ nhau thì tội cho doanh nghiệp quá”.
Về thanh toán quốc tế có nhiều phương thức theo yêu cầu của bên bán miễn sao không vi phạm chuyển tiền trái phép qua biên giới là được.
Về thuế: doanh nghiệp xuất, nhập khẩu phải tuân thủ đúng quy định là Luật thuế, khi cơ quan thuế công nhận là khoản thu thuế hợp pháp của lô hàng thì không có lý do gì không công nhận hàng hóa không hợp pháp”, luật sư Thành nêu quan điểm của mình.
Chiều nay phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án "buôn lậu" gỗ trắc lớn nhất Miền Trung đã kết thúc phần xét xử, dự kiến HĐXX sẽ tuyên án vào ngày 19/7.