Chính trị - Xã hội

Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneve và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024)

Kiều Phiên 02/09/2024 07:12

Cùng với 3 địa phương Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Tháp Cầu truyền hình trực tiếp "niềm tin và khát vọng" kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneve và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024).

Tối ngày 01/9, tại Khu Lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, đã diễn ra Chương trình Cầu truyền hình trực tiếp Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneve, 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc với chủ đề "Niềm tin và khát vọng" kết nối 3 điểm cầu: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hoá và tỉnh Đồng Tháp.

1(2).jpg
Điểm cầu tại Thanh Hóa, Cảng Lạch Hới (nay là phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn) - nơi đầu tiên của miền Bắc đón tiếp đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc

Đây là sự kiện chính trị quan trọng mang ý nghĩa lịch sử to lớn nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc; đồng thời thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam năm xưa đã không quản ngại hy sinh gian khổ ra Bắc học tập, công tác, xây dựng hậu phương miền Bắc vững chắc, chuẩn bị lực lượng tiến tới giải phóng miền Nam.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneve về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Tuy nhiên, trong điều khoản của Hiệp định Geneve đã lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời để lực lượng hai bên tập kết, không có giá trị ranh giới hay lãnh thổ. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã có quyết định mang tầm chiến lược là đưa một số lượng không nhỏ con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài.

Trong cuộc chuyển quân lịch sử này, tỉnh Thanh Hoá được Trung ương chọn là nơi đón tiếp, chăm sóc, nuôi dưỡng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam. Địa điểm đầu tiên tập kết là cảng Lạch Hới, xã Quảng Tiến, nay là phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn.

Thanh Hóa đã đón nhận 1.869 thương, bệnh binh, 47.346 cán bộ, 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ tập kết ra Bắc. Không kể lực lượng do Bộ Tư lệnh nhận, Thanh Hóa đã tiếp nhận ở Sầm Sơn 16.191 đồng bào và cán bộ bị giặc bắt và tù đày. Trong số này có 15.066 người thuộc miền Bắc vĩ tuyến và 1.125 người thuộc miền Nam vĩ tuyến.

Đợt tập kết này được coi là đợt chuyển quân mang trong đó những chủ trương, chính sách về quản lý, đãi ngộ, sử dụng và bồi dưỡng, đào tạo một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vừa góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam sau này.

5..jpg
Cán bộ, đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc đã được Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa tiếp đón bằng tình cảm ruột thịt thiêng liêng

Năm 1954, sau khi các chuyến tàu chuyển quân tập kết tại Lạch Hới, Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá đã khắc phục mọi khó khăn, tổ chức đón tiếp, tạo mọi điều kiện tốt nhất về nơi ăn, chốn ở, chăm sóc, nuôi dưỡng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam một cách chu đáo, an toàn bằng trách nhiệm cao nhất và tình cảm thiêng liêng Nam – Bắc một nhà.

Những năm tháng sống tại Thanh Hóa, hàng ngàn con em miền Nam luôn sát cánh cùng quân, dân Thanh Hóa, Nhân dân miền Bắc đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Nhiều người đã cùng với các lực lượng vũ trang Thanh Hóa tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều người đã trở thành cán bộ, lãnh đạo các cấp, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, các nhà khoa học đầu ngành, quản lý nhiều lĩnh vực, các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo nổi tiếng; nhiều doanh nhân tài ba, nhiều người trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động... góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.

Chương trình Cầu truyền hình được kết nối 3 địa phương: Thanh Hóa, Đồng Tháp và TP Hồ Chí Minh đã gợi lại ký ức của một giai đoạn lịch sử không thể nào quên của đất nước. Chương trình Cầu truyền hình gồm 3 phần: Phần I - Đi vinh quang - Ở anh dũng, là sự gặp gỡ các nhân chứng với những hồi ức về những lời nhắn gửi ngày chia tay...; phần II kể về ký ức một hành trình và sự đón tiếp nghĩa nặng tình sâu của đồng bào Thanh Hóa, thể hiện là một hậu phương lớn đón tiếp những người con miền Nam bằng cả trái tim; phần III là những thước phim về hành trình tiếp nối của những hạt giống đỏ cho ngày thống nhất và đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

4..jpg
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư tỉnh Ủy tỉnhThanh Hóa tặng hoa cho các nhân chứng lịch sử, những người con Thanh Hóa đón đồng bào miền Nam trên những chuyến tầu tập kết ra Bắc

Cùng với đó là các cuộc trò chuyện giao lưu với nhân chứng lịch sử, kết hợp với những ca khúc, các tác phẩm âm nhạc đi vào lòng người đã mang đến cho người xem, người nghe những cung bậc cảm xúc về những ngày tháng lịch sử nghĩa nặng tình sâu không thể nào quên của những người dân nước Việt Nam.

70 năm trôi qua, sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 vẫn còn nguyên giá trị lịch sử về tinh thần đoàn kết dân tộc, về ý chí quyết tâm, thống nhất của quân dân ta với chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một", Nhân dân hai miền Nam - Bắc luôn đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, dũng cảm trong xây dựng và chiến đấu ở mọi thời kỳ cách mạng của dân tộc, góp phần viết nên những trang sử oanh liệt trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneve và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO