Theo dữ liệu của VietnamWorks, mức lương đăng tuyển cao nhất thuộc về các vị trí dành cho kỹ sư có chuyên môn về trí tuệ nhân tạo (AI), với mức lương 2.000 USD/tháng.
Cụ thể, trong nửa đầu năm nay, mức lương đăng tuyển cao nhất thuộc về các vị trí dành cho kỹ sư có chuyên môn về trí tuệ nhân tạo (AI), với mức lương 2.000 USD/tháng (tương đương hơn 46 triệu đồng/tháng). Cũng theo báo cáo này, các lĩnh vực công nghệ dữ liệu bao gồm AI (Artificial Intelligience – trí tuệ nhân tạo), Data Science (khoa học dữ liệu) và Big Data (dữ liệu lớn) đã phát triển mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay với số lượng đăng tuyển và số lượt ứng tuyển tăng cao.
Trong đó, AI dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong nhu cầu tuyển dụng nửa đầu 2019, tăng 46% so với năm 2017. Data Science có số lượng đăng tuyển tăng 121% và lượng ứng tuyển tăng đột biến đến 137% trong trong nửa đầu năm nay so với 2017. Con số này cho Big Data lần lượt là 135% và 56%. Đối với Blockchain, dù tăng đột biến trong số lượng đăng tuyển năm 2018, nhu cầu tuyển dụng đang có xu hướng giảm ở nửa đầu 2019.
Đáng chú ý, thống kê VietnamWorks cho thấy, song hành cùng số lượng đăng tuyển và ứng tuyển, mức lương các lĩnh vực công nghệ dữ liệu cũng tăng trong nửa đầu năm 2019. Và mức lương đăng tuyển cao nhất hiện thuộc về các vị trí dành cho kỹ sư có chuyên môn về AI, với mức 2.000 USD/tháng.
Theo ông Vũ Hoàn Long, Chủ tịch HĐQT CTCP phát triển phần mềm trí tuệ cho biết: “Nhân sự trong lĩnh vực AI hiện nay rất khan hiếm, hiện nay hầu như Việt Nam tuyển người làm để viết đc AI là rất khó, tuyển được người đã khó nhân sự ngành này lại hay nhảy việc, đây là bài toán quản trị con người”.
Rõ ràng với các doanh nghiệp nhỏ, hiện rất khó cạnh tranh thu hút nhân lực có chất lượng. Khi một đơn vị mạnh hơn, điều kiện kinh tế tốt sẵn sàng câu nhân sự AI từ doanh nghiệp nhỏ. “Nếu như không có sự liên kết mạnh giữa nhân sự AI và công ty thì gần như sẽ mất hết nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, đào tạo được một nhân lực rất tốn kém và tốn thời gian của doanh nghiệp. Hiện nay nhiều trường đã đưa vào đào tạo ICT, tuy nhiên để đào tạo được một người tự viết được phần mềm AI là cả một vấn đề.”- ông Vũ Hoàn Long tâm sự.
Theo tính toán, năm 2019 - 2020, thị trường Việt Nam thiếu 350.000 - 400.000 nhân lực CNTT. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng sẽ tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), lưu trữ đám mây, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và blockchain. Các lĩnh vực quan trọng khác như Internet vạn vật (IoT), thương mại điện tử, quy trình kinh doanh và gia công phần mềm CNTT…
Đây thực sự là một thách thức làm đau đầu các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong thời điểm hiện tại, thời điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam đang khởi phát phong trào chuyển đổi số, dịch chuyển nền sản xuất về Việt Nam.
Năm 2018, trong 235 trường đại học trên cả nước, có 131 trường đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực CNTT với tổng số chỉ tiêu hơn 47.000 sinh viên, 213 trường cao đẳng trên cả nước có đào tạo CNTT. Hiện nay, ngành CNTT có số lượng chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất trong các ngành tuyển sinh đại học.
PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nhu cầu nhân lực CNTT những năm qua tăng 47%/năm, nhưng nguồn cung cấp chỉ tăng 8%/năm. Chất lượng đào tạo nhân lực CNTT cũng chưa đáp ứng được nhu cầu, với tỷ lệ 72% sinh viên thiếu kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm...