Gạo ST25 do Kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự lai tạo, phát triển vừa được công nhận là "Gạo ngon nhất thế giới 2019" tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Philippines.
Kết quả này là cả quá trình nghiên cứu miệt mài, khảo nghiệm và ứng dụng thực tế của nhóm nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng gồm: Kỹ sư Hồ Quang Cua, Tiến sĩ Trần Tấn Phương và Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương. Họ là những con người nhiều đam mê và giàu tâm huyết .
Để tạo ra được những giống lúa thơm mới như ST 25, kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự đã dày công nghiên cứu, thu thập rất nhiều giống lúa từ khắp các vùng miền trong nước và trên thế giới, phải thực hiện phép lai giữa rất nhiều giống lúa bố mẹ để tạo ra nhiều dòng lúa phức tạp về kiểu gen, sau cùng sẽ sử dụng phép lai hồi giao cải tiến với dòng ST tân tiến nhất để tạo ra sản phẩm cuối cùng.
Có thể bạn quan tâm
Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, những giống lúa thơm ST được lai tạo cho năng suất cao, có tính chống chịu ngoại cảnh khá tốt so với những giống lúa đang phổ biến. Ngoài là những giống lúa thơm đặc sản, các giống lúa ST24, ST25 còn được coi là những giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long; sinh trưởng tốt tại vùng đất mặn, phèn. Đặc biệt rất thích hợp cho vùng luân canh lúa-tôm. Đến nay, lúa thơm ST đã có mặt không chỉ ở Sóc Trăng mà còn có mặt ở nhiều tỉnh ven biển khác của khu vực ĐBSCL.
Tại lễ vinh danh nhóm nghiên cứu lai tạo giống lúa ST25, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng trân trọng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua, Tiến sĩ Trần Tấn Phương và Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương đã nghiên cứu, lai tạo thành công giống lúa ST25 vừa giành giải nhất cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới tại Hội chợ Thương mại thế giới lần thứ 11 ở Philippines. Theo ông Chuyện, trong điều kiện nông nghiệp vẫn là thế mạnh cần được phát huy, chúng ta được quyền tự hào vì đã có các dòng giống lúa mang thương hiệu ST.
Việc hàng năm Sóc Trăng đạt sản lượng lúa trên 2 triệu tấn, có trên 50% là lúa đặc sản cho giá trị cao cũng có công rất lớn của nhóm nghiên cứu lai tạo lúa ST của Kỹ sư Hồ Quang Cua. “Sắp tới, tỉnh tập trung hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục pháp lý để sớm công nhận giống lúa ST25 là giống cấp Quốc gia. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương tăng cường kiểm soát giống giả, giống kém chất lượng, lúa đội lốt chất lượng cao”, ông Chuyện nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện cũng đề nghị ngành nông nghiệp cần nhanh chóng tập trung quy hoạch vùng lúa đặc sản, ưu tiên phát triển các vùng sản xuất lúa ST tập trung, nhất là vùng trồng lúa ST25, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, tiếp tục giữ vững thương hiệu, xây dựng những mô hình sản xuất bền vững. “Tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhóm nghiên cứu lai tạo thành công những giống lúa ST mới ngon hơn, có giá trị hơn trong thời gian tới” - ông Trần Văn Chuyện khẳng định.
Việc ST 25 được công nhận là gạo ngon nhất thế giới có ý nghĩa rất lớn với công tác lai tạo giống, mở ra cơ hội cho ngành lúa gạo của nước ta. Hiện hồ sơ về giống lúa ST 25 đã được gửi ra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự đang mong muốn giống lúa này sớm được công nhận để có thể cung ứng cho bà con sản xuất trên quy mô rộng hơn.
Ông Huỳnh Ngọc Vân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, năm 2019, diện tích sản xuất lúa đặc sản trên địa bàn tỉnh đạt 177.000 ha, tăng 1,4 lần so với năm 2015 và tăng 2,7 lần so với năm 2012. Sản lượng lúa đặc sản ước đạt khoảng trên 1 triệu tấn và tăng trên 20% so với mục tiêu của Đề án phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2012-2020. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ sản xuất và xúc tiến thương mại đối với gạo ST24, ST25 để đưa gạo thơm Sóc Trăng ngày càng vươn xa”, ông Vân cho hay.
Ông Hồ Quang Cua tốt nghiệp kỹ sư trồng trọt Trường Đại học Cần Thơ năm 1978. Sau khi lấy bằng kỹ sư, ông trở về quê nhà làm việc tại Phòng NN-PTNT huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Năm 1997, ông giữ chức Phó giám đốc Sở NN-PTTN tỉnh Sóc Trăng. Kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm nghiên cứu của ông đã nhận được 7 Huân chương lao động của Chủ tịch nước, 2 giải thưởng Bông lúa vàng của Bộ NN-PTNT, đoạt hạng nhất trong tất cả các cuộc thi trong nước, được Tổ chức lương nông quốc tế (FAO) chứng nhận thành tựu. Năm 2011 Kỹ sư Hồ Quang Cua được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động hạng Nhất và năm 2012 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.