Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2014.
Đây là một trong những nội dung được dư luận quan tâm với kỳ vọng tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã sửa đổi, bổ sung 51 điều, sửa đổi thuật ngữ tại 14 điều và hủy bỏ 1 điều trên tổng số 168 điều của Luật Xây dựng 2014.
Đơn giản hóa thủ tục
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, tại dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo đã chủ động rà soát, sửa đổi các quy định tại Luật Xây dựng 2014 để đảm bảo đồng bộ với pháp luật liên quan như: Sửa đổi, bổ sung về phân loại dự án theo nguồn vốn để phù hợp với Luật Đầu tư công và các pháp luật có liên quan; sửa đổi, bổ sung về đối tượng có yêu cầu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi phù hợp với Luật Đầu tư công 2019 và Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (đang được nghiên cứu sửa đổi); sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (đang soạn thảo), Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp…
Có thể bạn quan tâm
15:26, 13/08/2019
21:21, 20/08/2016
18:28, 11/07/2015
00:00, 03/10/2014
00:00, 25/11/2013
Đối với các nội dung có liên quan đến pháp luật về xây dựng cần sửa đổi tại dự án Luật khác, Bộ Xây dựng đã rà soát và có văn bản trao đổi với các Bộ đang chủ trì soạn thảo các dự án Luật để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đối với nhóm chính sách, ông Hùng cho biết, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung về nguyên tắc trong hoạt động đầu tư xây dựng; hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng; quy định về phân loại, phân cấp công trình xây dựng, dự án đầu tư xây dựng.
Cụ thể như: Rút gọn nội dung thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng, giảm thời gian thẩm định dự án; giảm đối tượng phải thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng; quy định về nguyên tắc thực hiện song song các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường trong quá trình thẩm định dự án, thiết kế.
Quy định về cấp phép xây dựng được sửa đổi, bổ sung theo hướng rà soát các đối tượng được miễn phép xây dựng, đơn giản hóa thủ tục cấp phép và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng. Theo nội dung Dự thảo Luật, điều kiện, hồ sơ thủ tục xin giấy phép xây dựng được bảo đảm đơn giản, thuận tiện, thời gian cấp phép xây dựng được đề xuất giảm từ 30 ngày xuống còn 20 ngày.
Tương tự, quy định về các cấp độ quy hoạch được sửa đổi theo hướng bổ sung các trường hợp được lập quy hoạch phân khu của khu chức năng không cần lập quy hoạch chung khu chức năng, trường hợp được lập quy hoạch chi tiết trên cơ sở quy hoạch chung để giảm thủ tục hành chính song vẫn đảm bảo tính thống nhất của các đồ án quy hoạch theo cấp độ…
Phù hợp thực tế
PGS.TS Trần Chủng - Nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) ủng hộ việc quản lý của Nhà nước phải thông qua cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định dự án, thông qua thẩm định thiết kế cơ sở, để kiểm soát đầu vào của mọi dự án đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng, đảm bảo các yêu cầu về an ninh Quốc gia, đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững, an toàn cộng đồng, an toàn sinh mạng và đảm bảo người tàn tật được tiếp cận.
Về phía doanh nghiệp, ông Ngô Anh Trí - Trưởng Ban phát triển dự án Tập đoàn Geleximco đánh giá, Luật Xây dựng sửa đổi đã rút ngắn được thời gian trong quá trình thực hiện dự án từ triển khai, phê duyệt, cấp phép... Đặc biệt trong sửa đổi lần này có ghép phần thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép thi công lại với nhau.
"Trên quan điểm của doanh nghiệp tư nhân nếu ghép được các bước lại với nhau hoặc cho phép làm song song giúp doanh nghiệp rút ngắn được thời gian" - ông Trí bày tỏ.
Đại diện Công ty Tư vấn SCQC TP.HCM kỳ vọng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng có nhiều sự điều chỉnh phù hợp thực tế, có lợi hơn cho các đơn vị tư vấn, đầu tư như cho phép tư vấn tham gia kể cả dự án công, đồng nghĩa việc giảm bớt khối lượng công tác của quản lý nhà nước, giảm biên chế, giảm chi phí của nhà nước, đảm bảo vai trò của nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.
Bên cạnh đó việc song hành 03 bước khi thẩm định dự án, phê duyệt phòng cháy chữa cháy và môi trường cũng là bước tiến, tránh cho các nhà đầu tư phải chuyển hồ sơ nhiều lần.