Nghiên cứu - Trao đổi

Kỳ vọng những bước chuyển trong Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2025

Bích Ngọc 02/01/2025 11:30

Nguyên tắc “từ bỏ tư duy không quản được thì cấm” sẽ có mặt trong Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh,...

nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.

hanh chinh cong
Cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách công tác quản lý cần mở rộng và đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp.

Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) với báo chí về những nét chính của Dự thảo Nghị quyết mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ mới đây.

Theo bà Thảo, lâu nay, cứ mỗi lần làm việc về cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách công tác quản lý chuyên ngành, chúng tôi thường nhận được phản biện “cắt rồi, đơn giản rồi, thì quản lý Nhà nước thế nào”.

Hệ quả là có những nhiệm vụ, yêu cầu trong Nghị quyết nhiều năm vẫn chưa thực hiện được, nhiều rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh dù đã được chỉ ra, nhưng chưa được tháo gỡ. Thậm chí, có tình trạng chuyển sang các dạng thức khác, khiến nhiều cải cách trở nên hình thức…

“Nhưng với tư duy mới, được xác định ngay trong Nghị quyết, tôi tin việc thực thi sẽ có bước thay đổi lớn”, bà Thảo tin tưởng.

Cũng theo bà Thảo, có thể hình dung khá rõ những bước thay đổi này qua 4 quan điểm chính mà Dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh.

Một là, mở rộng và đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp theo đúng quy định của Hiến pháp 2013. Kịp thời tạo lập và hoàn thiện thể chế, chính sách để tháo bỏ rào cản đối với doanh nghiệp, khơi thông đầu tư tư nhân; đồng thời khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới, phù hợp và thích ứng linh hoạt với xu thế phát triển.

Hai là, nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, pháp luật; thực hiện nghiêm yêu cầu về chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng thực thi văn bản pháp luật; giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo đúng thời hạn và không được đặt thêm các yêu cầu, điều kiện đối với doanh nghiệp.

Ba là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; theo dõi, chấn chỉnh công tác thực thi, giải quyết thủ tục hành chính.

Bốn là, duy trì và nhân rộng các kinh nghiệm chính sách tốt, tiên tiến về quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhìn nhận, góp ý về nội dung Dự thảo Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2025 mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, Dự thảo Nghị quyết đề ra các nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, rõ ràng, theo tinh thần cải cách, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là yêu cầu liên quan đến đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm.

Hiện nay, Bộ Y tế đang chủ trì xây dựng đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, trong đó có đề xuất ý tưởng thay đổi cơ chế quản lý từ “hậu kiểm” sang “tiền kiểm” đối với quản lý thực phẩm. Chỉ đạo này từ Dự thảo Nghị quyết sẽ đảm bảo cơ chế quản lý hiệu quả hiện nay tiếp tục được chuyển hóa trong các sửa đổi trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm thời gian tới. Cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh và ủng hộ tinh thần quyết liệt và tiến bộ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kỳ vọng những bước chuyển trong Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO