Kinh tế

Kỳ vọng vào dự án xử lý nước thải công nghệ Hà Lan tại Hải Dương

Hải Ngân 27/05/2025 15:00

Dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải được kỳ vọng góp phần tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững, xanh, hiện đại của Hải Dương trong tương lai.

25.jpg
Cuộc làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Hải Dương với đoàn công tác của Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam về triển khai Dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Hải Dương)

Đó là nội dung được đưa ra tại cuộc làm việc mới đây giữa lãnh đạo tỉnh Hải Dương với đoàn công tác của Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam về triển khai Dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải.

Theo đó, dự án Xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải có tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là 1.498 tỷ đồng. Trong đó, vốn đối ứng ngân sách tỉnh Hải Dương là 959,6 tỷ đồng, vốn viện trợ không hoàn lại của Hà Lan là 538,6 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là thu gom 75% nước thải sinh hoạt và 100% nước thải cơ sở tiểu thủ công nghiệp trong vùng. Nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả. Dự án bảo đảm tiếp cận công bằng cho mọi nhóm dân cư, kể cả hộ nghèo và đối tượng dễ tổn thương. Dự kiến dự án được bàn giao, đưa vào sử dụng trong tháng 6/2028.

Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai tại 5 đô thị phục vụ 5 khu vực đô thị là TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, các huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng, Nam Sách. Dự án xây dựng mới khoảng 166km tuyến cống thoát nước thải, gần 9 km tuyến ống áp lực, 9 trạm bơm thoát nước, 5 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất là 21.000 m³/ngày đêm. Bên cạnh đó, dự án áp dụng công nghệ bể bùn hạt hiếu khí (AGS), một công nghệ tiên tiến có ưu điểm về tiết kiệm diện tích, chi phí vận hành thấp và phù hợp với xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý nước thải.

Tại cuộc làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Hải Dương với đoàn công tác của Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam về triển khai dự án này, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, ngay sau khi nhận được Công hàm số HAN/2025/072 ngày 12/5/2025 của Đại sứ quán Hà Lan đề nghị cung cấp hồ sơ dự án, UBND tỉnh Hải Dương đã khẩn trương hoàn thiện và chính thức gửi kế hoạch dự án, dự thảo Thỏa thuận tài trợ và văn bản xác nhận điều kiện tham gia đấu thầu của đơn vị lập báo cáo nghiên cứu khả thi đến Đại sứ quán Hà Lan.

Khi nhận được thỏa thuận tài trợ, tỉnh Hải Dương sẽ tổng hợp ý kiến các bộ, ngành liên quan để hoàn chỉnh báo cáo tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và ủy quyền UBND tỉnh ký kết thỏa thuận tài trợ theo quy định. Đồng thời, cam kết sẽ thực hiện đầy đủ, trách nhiệm những công việc thuộc thẩm quyền của tỉnh được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền.

Thực tế, những năm qua, Hà Lan được biết đến là đối tác tin cậy của Việt Nam trong lĩnh vực nước và môi trường. Nhiều dự án sử dụng vốn tài trợ của Chính phủ Hà Lan đã và đang được triển khai trên cả nước nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng góp phần thay đổi tích cực cho kinh tế - xã hội.

Tại Hải Dương, hiện có 4 dự án của Vương quốc Hà Lan đầu tư vào tỉnh với tổng vốn đầu tư 36,8 triệu USD. Đặc biệt, năm 2007, Chính phủ Hà Lan đã viện trợ không hoàn lại cho tỉnh Hải Dương thực hiện đầu tư xây dựng Nhà máy nước Cẩm Thượng theo Chương trình ORET với tổng số tiền hơn 8,5 triệu EURO. Đến nay, dự án đã đi vào hoạt động với chất lượng nguồn nước khai thác và nước sau xử lý luôn đạt chuẩn theo quy định, phục vụ tốt cho nhu cầu sử dụng nước sạch của TP Hải Dương.

Theo ông Willem Timmerman - Bí thư thứ nhất phụ trách lĩnh vực nước và khí hậu, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, thời gian qua, phía Hà Lan luôn đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong các hoạt động chuyển đổi xanh, phát triển đất nước, trong đó có dự án được triển khai tại Hải Dương.

Đối với dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại Hải Dương, ông Willem Timmerman đánh giá cao quyết tâm của tỉnh Hải Dương thông qua việc xây dựng lộ trình thực hiện dự án.

27.png
Việc được đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các địa phương trên sẽ góp phần cải thiện môi trường, nâng tỷ lệ thu gom xử lý nước thải toàn tỉnh Hải Dương lên trên 30%

Còn theo bà Mai Linh Scholten - Quản lý đầu tư, Chương trình đầu tư công, Tổ chức Invest International, cuối tháng 6, Uỷ ban Quỹ đầu tư sẽ họp, đánh giá và đưa ra quyết định tài trợ cho dự án và giữa tháng 6 sẽ gửi dự thảo bản thoả thuận tài trợ cho tỉnh Hải Dương.

Được biết, theo Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hải Dương, Chí Linh sẽ lên đô thị loại II trước năm 2030, Kinh Môn lên đô thị loại III trước năm 2025. Các thị trấn Nam Sách, Gia Lộc, Lai Cách (Cẩm Giàng) sẽ lên đô thị loại IV trước năm 2030. Việc được đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các địa phương trên sẽ góp phần cải thiện môi trường, nâng tỷ lệ thu gom xử lý nước thải toàn tỉnh Hải Dương lên trên 30%.

Theo ông Lưu Văn Bản - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương, dự án đã nằm trong kế hoạch đầu tư công của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 và được chuyển tiếp trong giai đoạn 2026 – 2030, đã được bố trí nguồn kinh phí thực hiện.

Cũng theo ông Bản, mặc dù tỉnh Hải Dương đang trong quá trình sáp nhập với Hải Phòng, chấm dứt hoạt động của cấp huyện, nhưng sẽ không làm ảnh hưởng đến việc triển khai dự án. Tỉnh Hải Dương tin tưởng với sự đồng hành, hỗ trợ hiệu quả từ Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan, Tổ chức Invest International và sự nỗ lực của chính quyền cùng người dân tỉnh Hải Dương, dự án sẽ được triển khai bảo đảm tiến độ. Qua đó, góp phần tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững, xanh và hiện đại của địa phương trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kỳ vọng vào dự án xử lý nước thải công nghệ Hà Lan tại Hải Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO