Để đánh thức tiềm năng, lợi thế, tỉnh Lai Châu xác định thu hút mọi nguồn vốn đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của tỉnh.
Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích tương đối lớn so với cả nước, nhưng dân số lại ít; cơ sở hạ tầng nghèo nàn… Đổi lại, mảnh đất ấy được thiên phú địa hình hùng vĩ xen với nhiều hang động cùng hệ thống thảm thực vật phong phú, khí hậu trong lành, quanh năm mát mẻ, hệ thống sông suối có độ dốc lớn, diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn chiếm 91,8%... Hơn thế, tỉnh Lai Châu hội tụ hơn 20 dân tộc anh em với những bản sắc văn hóa độc đáo. Đây là cơ hội rất tốt để các nhà đầu tư tận dụng phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng; xây dựng phát triển các công trình thủy điện và phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp… Cùng với đó, cặp cửa khẩu song phương Ma Lù Thàng (Việt Nam) - Kim Thủy Hà (Trung Quốc) đã chính thức lên cửa khẩu quốc tế từ đầu tháng 5/2020. Đây là cơ hội để Lai Châu thu hút thêm các doanh nghiệp đầu tư kho bãi, trao đổi, xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, kết nối giao thương giữa các địa phương của Việt Nam với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc.
Trong năm 2019, tỉnh tiếp tục ban hành một số chính sách như: Nghị quyết số 12/2019 của HĐND tỉnh về quy định chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; Nghị quyết số 13/2019 của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào tỉnh giai đoạn 2021-2025… Với những nổ lực không mệt mỏi, thu hút đầu tư trong 9 tháng đầu năm, tỉnh Lai Châu đã phê duyệt chủ trương đầu tư 25 dự án với vốn đăng ký 5.949 tỷ đồng, tăng 06 dự án so với cùng kỳ năm trước; điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư 17 dự án. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 243 dự án với tổng vốn đầu tư 122.210 tỷ đồng. Đặc biệt, đã có nhiều nhà đầu tư lớn đến nghiên cứu, tìm hiểu, khảo sát đầu tư tại Lai Châu như: Tập đoàn FLC, Sun Group, tập đoàn Phú Thái, tập đoàn Bitexco, tập đoàn Quế Lâm, Công ty TNHH Misubishi Corporation Việt Nam...
9 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 4.246,62 tỷ đồng, tăng 13,58% so với cùng kỳ năm trước; Tổng giá trị xuất nhập khẩu trên địa bàn ước đạt 47,36 triệu USD, tăng 14,21% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách địa phương ước đạt 7.292,9 tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 1.205,3 tỷ đồng.
Trong những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Ban hành Bộ chỉ số đánh giá DDCI tỉnh Lai Châu năm 2020; Ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh, ứng phó với dịch COVID-19…
Đến nay, Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động năm thứ 2 với 100% thủ tục hành chính của 15/15 cơ quan chuyên môn được thực hiện tại Trung tâm, góp phần nâng cao sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính. Các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được đẩy mạnh triển khai; Trong 9 tháng đầu năm, có 5.105 lượt đánh giá sự hài lòng trên phần mềm, trong đó có 4.883 lượt đánh giá rất hài lòng, đạt 95,7%.
Đáng chú ý, việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp nhanh gọn, trung bình 1, 2 ngày, giảm 60% thời gian so với quy định của Luật Doanh nghiệp; tỷ lệ hồ sơ được xử lý đúng hạn đạt 100%; thời gian thực hiện khởi sự doanh nghiệp còn 5 ngày.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo Hỗ trợ đầu tư và Phát triển doanh nghiệp. Tỉnh còn thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai các dự án đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện các dự án.
Ông Nguyễn Văn Huân, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoàng Liên Sơn:
Lãnh đạo tỉnh, nhất là các sở ban ngành của địa phương rất quyết tâm cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư đến với tỉnh. Ngành du lịch đã khởi khắc hơn, lượng khách đến với Lai Châu đông hơn. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn thiếu và yếu về lao động lĩnh vực du lịch chuyên nghiệp; thủ tục hành chính vẫn cần tiếp tục được cải thiện, giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp.
Ông Lê Viết Quỳnh, Trưởng phòng pháp lý dự án phụ trách khu vực Lai Châu (tập đoàn FLC):
Lai Châu là một tỉnh mới tái lập tỉnh, thành phố Lai Châu là một thành phố trẻ nên rất được chú trọng về quy hoạch để phát triển đồng bộ không chỉ về kinh tế mà còn về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Khi FLC lên tìm hiểu đầu tư được tỉnh nồng nhiệt chào đón, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tìm hiểu. Tỉnh cũng theo sát, đồng hành cùng nhà đầu tư, vướng mắc đến đâu giải quyết dứt điểm đến đó.
Bên cạnh đó, do đặc thù là một tỉnh miền núi phía Bắc nên có những hạn chế về địa hình, di chuyển. Dân cư còn thưa thớt, phân tán. Hạ tầng kỹ thuật hiện nay chưa đồng bộ (địa phương đang từng bước nâng cấp về điện, đường).
Có thể bạn quan tâm