Tín dụng - Ngân hàng

Lãi suất còn để ngỏ

Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Chuyên gia tài chính 03/11/2024 11:24

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để ngỏ việc điều hành lãi suất trong thời gian tới, khiến mối quan tâm và kỳ vọng về lãi suất sẽ còn giảm tiếp tục được đặt ra.

Từ đầu năm đến nay, NHNN tiếp tục giữ nguyên lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp.

nhnn.jpg
Từ đầu năm đến nay, NHNN tiếp tục giữ nguyên lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp.

Theo Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, từ đầu năm đến nay, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ với quan điểm để ngỏ câu chuyện lãi suất điều hành, duy trì hay giảm lãi suất.

Lạm phát vẫn còn rủi ro

Xem xét các yếu tố chia phối “bộ ba bất khả thi”, trước hết, có thể thấy lạm phát hiện tại đang có vẻ thuận lợi cho kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm, đặc biệt là lãi vay.

Theo Tổng cục Thống kê (GSO), trong 9 tháng năm 2024, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,24% so với tháng trước. Từ bên ngoài có sự “hạ nhiệt” của lạm phát thế giới đã giúp cho Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát; còn từ trong nước, việc thực hiện theo đúng chỉ tiêu được giao với các biện pháp quyết liệt được triển khai, chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả cũng góp phần kiểm soát lạm phát.

Đáng chú ý là từ tháng 7/2024, việc thực hiện tăng lương theo thông thường có thể kéo tăng lạm phát. Song trên thực tế, GSO cho biết, tính từ tháng 6 đến nay, mức tăng CPI có xu hướng giảm dần, từ mức tăng 4,34% của tháng 6/2024 xuống còn tăng 2,63% vào tháng 9/2024. Như vậy, tác động tăng lương không làm tăng lạm phát như kỳ vọng là một yếu tố hết sức tích cực cho thấy khả năng “cân đối” lực tác động từ các chính sách hỗ trợ khác.

Điều này cũng gợi ý về kỳ vọng giảm lực tác động khi Tập đoàn Điện lực (EVN) vừa tăng giá điện thêm một nấc mới, bên cạnh đó là sự thay đổi của một số biểu giá dịch vụ trong rổ hàng hóa tính CPI. Dù vậy, các yếu tố này không thể không tác động (chỉ kỳ vọng giảm tác động) đến lạm phát, khi điều chỉnh cả giá và lương.

Song, rủi ro đối với lạm phát vẫn còn khi biến động từ thị trường quốc tế (bầu cử, xung đột địa chính trị có thể gây đứt gãy chuỗi cung ứng, tăng giá hàng hóa nguyên liệu, tăng giá năng lượng, giá vàng...). Trong nước, có những rủi ro ngoài tầm kiểm soát và dự báo về thiên tai, thời tiết làm tăng giá lương thực, thực phẩm (bão Yagi, bão Trami và các cơn bão ở miền Trung trong quý cuối năm nay…), bên cạnh các yếu tố tăng giá mùa vụ. Việc thận trọng với lạm phát là phù hợp, thay cho chấp nhận rủi ro nới lỏng tiền tệ hơn nữa để sau đó tác động lên lạm phát và đi xử lý kéo giảm.

lai suat 2
Lãi suất huy động của một số nhóm ngân hàng. Nguồn: NHNN, NHTM, VCBS

Tỷ giá: Kỳ vọng và bất lợi

Nhiều báo cáo của các định chế quốc tế đã chỉ ra rằng, với định hướng chính sách thuế và bảo hộ mậu dịch, nếu ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, sẽ có những tác động đáng kể đến lạm phát, đồng USD và qua đó tác động đến tỷ giá USD/VND.

Tỷ giá USD/VND tăng từ đầu tháng 10 và có thể sẽ duy trì ở mức cao cho đến tháng 11 tới khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, bất chấp NHNN đã cùng lúc có động thái can thiệp trên thị trường ngoại tệ mới đây hay sẽ tiếp tục.

Trong động thái bán dự trữ ngoại tệ để can thiệp tỷ giá của NHNN mới đây - tương tự như cách họ đã làm cách đây vài tháng, chúng ta lại thấy rằng từ phía Kho bạc Nhà nước, cũng đã có động thái chào mua ngoại tệ - được cho là để đảm bảo thanh toán một đợt trái phiếu Chính phủ vay bằng ngoại tệ đến hạn. Lượng chào mua, hay lượng bán giao ngay tuy có sự chênh lệch, song điều này cũng là chỉ báo cho thấy, khi cầu ngoại tệ cao thì khả năng tỷ giá vẫn còn cao.

Dẫu vậy, kỳ vọng tỷ giá hạ nhiệt và ổn định trong/dưới biên độ 5% vẫn được chỉ ra, trên cơ sở dự báo thặng dư thương mại mang đến nguồn cung ngoại tệ dồi dào vào kỳ cuối năm nay. Cùng với đó là FDI tích cực, kiều hối cũng sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm nay. Đặc biệt, kỳ vọng FED tiếp tục hạ lãi suất mang đến dư địa cho tỷ giá hạ nhiệt.

Có thể nói, với những rủi ro có thể dẫn đến nguy cơ lạm phát tăng cao, thậm chí có thể vượt chỉ tiêu mà Quốc hội giao, việc cơ quan điều hành thận trọng trong việc đề ra động thái điều hành lãi suất điều hành là cần thiết.

Lưu ý là hiện tại lãi suất cũng đang ở mức thấp, tuy nhiên với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng cao, tất yếu cung tiền mạnh theo tăng trưởng tín dụng và theo mùa cuối năm, lại đi cùng tỷ giá USD/VND cao, thì việc duy trì được nền lãi suất như hiện tại đã là nới lỏng hiệu quả. Đây nên được xem là mặt bằng giá vốn đảm bảo tiếp tục mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, song hành cùng cải thiện điều hành tiếp cận vốn thay cho khuyến khích mở rộng quá mức. Theo đó, người đi vay cũng nên chủ động tiếp cận vốn khi có nhu cầu và kế hoạch sử dụng vốn phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lãi suất còn để ngỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO