Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng kinh tế số chiếm 30% GRDP của tỉnh, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt ít nhất 20%, năng suất lao động hằng năm tăng bình quân 8%.
Để đạt được mục tiêu trở thành 1 trong 20 địa phương dẫn đầu chuyển đổi số vào năm 2025, Lâm Đồng đã có những bước hoạch định cho chuyển đổi số toàn diện.
>>> Lâm Đồng: Điểm sáng trong phát triển kinh tế
Tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Đà Lạt là thành phố đầu tiên trên cả nước đưa Trung tâm Điều hành Thông minh (IOC) vào hoạt động. Từ Trung tâm IOC, lãnh đạo thành phố Đà Lạt có thể quản lý và giám sát từ tổng thể đến chi tiết từng tình huống diễn ra trên địa bàn thành phố với 12 phường và 4 xã trực thuộc một cách trực quan và liên tục nhờ hệ thống camera độ phân giải cao được lắp đặt trên các trục đường chính của thành phố Đà Lạt. Tính đến thời điểm này đã có gần 300 camera được tích hợp vào Trung tâm IOC Đà Lạt. Mới đây, huyện Lạc Dương cũng ra mắt Trung tâm Giám sát và điều hành thông minh với nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số.
Hiện tại, Lâm Đồng đã chính thức vận hành các ứng dụng trực tuyến tại TP Đà Lạt, huyện Đạ Tẻh và đang vận hành thử tại các huyện Lâm Hà, Đơn Dương… hướng tới một hệ sinh thái hành chính công phục vụ người dân và doanh nghiệp toàn diện.
Chẳng hạn, ứng dụng “Đạ Tẻh trực tuyến” của UBND huyện Đạ Tẻh với các tính năng giúp người dân, doanh nghiệp tra cứu nhanh các thủ tục hành chính, là kênh để phản ánh trực tiếp đến cơ quan chức năng các vấn đề bằng hình ảnh hiện trường thuộc các lĩnh vực đời sống xã hội. Đây cũng là phần mềm hỗ trợ các cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước, cầu nối giữa người dân với chính quyền… góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền huyện Đạ Tẻh với người dân và doanh nghiệp.
Có thể thấy, từ việc triển khai các trung tâm Điều hành thông minh cho đến các Ứng dụng trực tuyến hành chính công, một hệ sinh thái số đang được hình thành gồm 2 nền tảng “Công dân số” và “Chính quyền số” giúp địa phương nhanh chóng nâng cao hiệu quả quá trình chuyển đổi số. Đặc biệt, điều này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh (dichvucong.lamdong.gov.vn) hiện cung cấp 1.935 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, có 186 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 301 dịch vụ công trực tuyến 4; tích hợp 148 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử của Lâm Đồng được xây dựng thống nhất, liên thông 4 cấp từ cấp xã lên cấp huyện, tỉnh, Trung ương.
Sau nhiều năm xây dựng, mô hình “Hạ tầng dùng chung và cơ sở dữ liệu tập trung” ở tỉnh Lâm Đồng được đánh giá là mô hình phù hợp hiện nay.
Từ đó, mô hình này trở thành quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình đầu tư và phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của tỉnh. Qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các giải pháp dùng chung, cơ sở dữ liệu dùng chung cũng như tiết kiệm được tài lực và vật lực, sớm phát huy tính hiệu quả.
Nghị quyết về Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: Xác định người dân là trung tâm chuyển đổi số. Tăng cường công khai, minh bạch, khuyến khích sự tham gia và giám sát của người dân, cộng đồng trong hoạch định và thực thi chính sách. Giảm thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công theo phương thức số, thuận tiện, dễ sử dụng.
Xác định tiến trình chuyển đổi số sẽ luôn lấy người dân làm trung tâm, là đối tượng thụ hưởng chính, tỉnh cũng đặt ra yêu cầu sẽ phải xây dựng được đội ngũ “công dân số” với việc phấn đấu toàn bộ người dân có điện thoại thông minh; đảm bảo các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được gắn mã địa chỉ bưu chính (Vpostcode); triển khai hiệu quả ứng dụng Công dân số trên nền tảng thiết bị di động và cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực môi trường, đô thị, xây dựng, chiếu sáng, giáo dục, y tế, giao thông... tích hợp trên ứng dụng Công dân số...
Tỉnh Lâm Đồng cũng đã triển khai thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiệu quả sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống; giúp người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, xuất phát từ nhu cầu tự nhiên và tạo ra giá trị thiết thực.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng, chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, đô thị thông minh, bản chất vẫn là dựa trên phương châm “Lấy người dân làm trung tâm; doanh nghiệp làm động lực; Nhà nước kiến tạo”. Mục đích chính của việc phát triển chính quyền số, mở rộng các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh là đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao; ứng dụng CNTT, công nghệ số để hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề được người dân quan tâm, như: giao thông, y tế, giáo dục, du lịch, môi trường,... tiếp tục nâng cao sự hài lòng của người dân, thu hút mạnh mẽ sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Có thể bạn quan tâm