Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng và sức sáng tạo của phụ nữ.
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025 (Đề án 939) do Chính phủ phê duyệt, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng và sức sáng tạo của phụ nữ.
Một trong những hoạt động nổi bật trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 939 là hàng năm Hội LHPN tỉnh tổ chức thành công “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” với các chủ đề cụ thể, thiết thực. Thông qua đó khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, sức sáng tạo của phụ nữ, đồng thời kết nối giữa các doanh nghiệp do nữ làm chủ, các tác giả có ý tưởng, dự án khởi nghiệp khả thi với các sở, ban, ngành, đơn vị, nhà tài trợ để các bên có thêm thông tin, tìm kiếm, tiếp cận, hỗ trợ nguồn lực hỗ cho phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
Trong 8 năm triển khai, đã có hơn 550 ý tưởng, dự án tham gia “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” cấp tỉnh, trong đó có 78 ý tưởng vào vòng chung kết và đoạt các giải của Hội thi “Ý tưởng khởi nghiệp”, giới thiệu 44 ý tưởng, dự án dự thi cấp Trung ương, trong đó có 7 ý tưởng đoạt giải. Bên cạnh đó, trong “Ngày phụ nữ khởi nghiệp", Hội đã tổ chức hoạt động trưng bày gian hàng sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ và của địa phương để giao lưu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Những năm qua, Đề án 939 đã góp phần nâng cao đời sống và tạo công ăn việc làm cho phụ nữ, nhất là ở vùng nông thôn, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ nghèo và dân tộc thiểu số, từ đó tạo ra cơ hội bình đẳng giới trong kinh tế. Đồng thời, giúp phụ nữ cải thiện kỹ năng kinh doanh, xây dựng được thương hiệu sản phẩm, các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Đề án 939 vẫn còn một số khó khăn và thách thức. Trong đó, việc tổ chức “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” và Hội thi “Ý tưởng khởi nghiệp” hàng năm còn khiêm tốn so với tiềm năng và sự sáng tạo của phụ nữ, đa số các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của phụ nữ còn mang tính chất hộ gia đình, tính cạnh tranh thị trường chưa cao, nên một số ý tưởng, dự án dự thi đạt giải nhưng trên thực tế không duy trì phát triển được. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt là phụ nữ yếu thế, phụ nữ khuyết tật tham gia chưa nhiều...
Hiện Hội LHPN lên kế hoạch tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ Hội cũng như tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên về khởi nghiệp, từ đó khuyến khích họ mạnh dạn hơn trong việc hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, trong đó chú trọng đến phụ nữ yếu thế.
Qua đó, tạo điều kiện cho ý tưởng khởi nghiệp phát triển, cần thiết lập quỹ hỗ trợ hay chương trình ươm tạo cho các ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng nhằm giúp hội viên có nguồn lực và hỗ trợ kỹ thuật cần thiết trong giai đoạn đầu.
Đặc biệt, phát triển các nguồn kinh phí ổn định, cần tìm kiếm các nguồn vốn từ Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ và tư nhân để đảm bảo có đủ nguồn lực triển khai hiệu quả các hoạt động của Đề án…