Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng triển khai mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số đồng bộ, với mục tiêu, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số thật sự hiệu quả gắn với chuyển đổi xanh, tạo ra những giá trị mới trong quá trình hội nhập và phát triển.
Quan điểm xuyên suốt của tỉnh Lâm Đồng ngay từ đầu trong triển khai chuyển đổi số là “lấy người dân làm trung tâm”. Đó chính là xã hội số, từ đó thúc đẩy 2 trụ cột còn lại là chính quyền số và kinh tế số phát triển bền vững.
Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được tỉnh tổ chức thành phong trào thi đua sâu rộng và hiệu quả. Với quan điểm nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số, Lâm Đồng đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều nền tảng số khác nhau, để từng bước chuyển các hoạt động của cơ quan chính quyền, người dân và doanh nghiệp lên môi trường số, góp phần thúc đẩy phát triển 3 trụ cột chính là “Chính quyền số - Xã hội số và Kinh tế số”.
Năm 2023, tỉnh Lâm Đồng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn. Đó là, Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố; khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chiến lược chuyển đổi số trên những lĩnh vực như: báo chí, thông tin cơ sở, nông nghiệp, đô thị...; xây dựng và tạo lập cơ sở dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng…
Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ; 100% các sở ban ngành, huyện, thành phố đã thực hiện chuyển giao tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. 100% xã, phường, thị trấn đã được phủ sóng mạng băng rộng cáp quang, mạng di động 3G, 4G. Tỉnh đã triển khai thí điểm 12 điểm phát sóng 5G.
Lâm Đồng đã thiết lập hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) đồng bộ, thống nhất sử dụng chung. 100% cơ quan hành chính Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở có hạ tầng đảm bảo công tác quản lý và điều hành qua môi trường mạng; duy trì ổn định Hệ thống mạng CAMPUS Trung tâm hành chính tỉnh tập trung hoạt động ổn định. Các nền tảng số đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như: địa chỉ số; bản đồ số (cơ sở dữ liệu đất đai); tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP); họp trực tuyến thế hệ mới cho cơ quan Nhà nước; dạy học trực tuyến; hóa đơn điện tử; truy xuất nguồn gốc nông sản...
Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) của tỉnh đã chính thức khai trương ngày 12/10/2023, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh. Tỉnh Lâm Đồng hiện có 10 trung tâm IOC tại các huyện, thành phố và 03 trung tâm tại các sở ngành.
Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp và du lịch góp phần tạo đột phá thực hiện chuyển đổi kép xanh và công nghệ số đối với 2 lĩnh vực kinh tế lợi thế của tỉnh Lâm Đồng. Toàn tỉnh có 12 sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) đã được Bộ Công Thương xác nhận. Đây là một kênh thông tin để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thương hiệu tới mọi khách hàng trong và ngoài nước và thị trường tiềm năng. Theo xếp hạng của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023, Lâm Đồng xếp hạng 13/58 tỉnh về chỉ số phát triển TMĐT và tăng 7 bậc so với năm 2022, đứng đầu trong 5 tỉnh Tây Nguyên.
Tỉnh Lâm Đồng cũng tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến; ưu tiên các nhiệm vụ, mục tiêu chuyển đổi số, hàng đầu là đối với lĩnh vực y tế, giáo dục để phục vụ từng người dân. Đồng thời, chú trọng nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương và xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc phối hợp trong kết nối, tích hợp với các cơ sở dữ liệu quốc gia do bộ, ngành triển khai, đưa về kho dữ liệu và chia sẻ cho các cơ quan, đơn vị dùng chung để phân tích, dự báo, phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công...
Cùng với việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 01/CT -TTG ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương; tập trung phát triển kinh tế số trên các ngành, lĩnh vực mà tỉnh Lâm Đồng có tiềm năng, lợi thế để phát triển, bao gồm: nông nghiệp, du lịch và logistics.
Lâm Đồng cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh biết để sử dụng các nền tảng số chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên Cổng Thông tin điện tử https://smedx.vn; xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng cụ miễn phí, hỗ trợ doanh nghiệp tự đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp tại địa chỉ https://dbi.gov.vn. Đồng thời, xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, trong đó hỗ trợ ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng.