Từ số vốn vay 30 triệu ban đầu, chị Hường đã đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt. Sau 12 năm, gia đình chị đã có 12 con trâu, đàn lợn 10 con, 5ha keo, mía trắng và ô tô tải chở hàng hóa.
>>Khởi nghiệp nông nghiệp: Biến đồi hoang thành trang trại tiền tỷ
Đến xóm Um (xã Thạch Yên, huyện Cao Phong, Hòa Bình) nhắc đến chị Bùi Thị Hường, SN 1990) không ai là không biết. Bởi chị là người chịu thương, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu chính đáng.
Sinh ra ở miền quê nghèo, nên từ nhỏ chị đã siêng năng, chăm chỉ giúp đỡ gia đình. Năm 2010, chị kết hôn với anh Bùi Văn Ái là người cùng xóm. Kinh tế hai bên gia đình khó khăn nên anh chị phải tự lực cánh sinh với 2 bàn tay trắng vừa lo sinh hoạt, chi tiêu. Cuối năm 2010, vợ chồng chị sinh con đầu lòng, khó khăn chồng chất, anh chị đã phải xoay đủ mọi nghề bươn trải cuộc sống, từ làm ruộng đến việc làm thuê những lúc nông nhàn.
Năm 2013, sau khi được tham gia các lớp tập huấn về khởi nghiệp và các lớp cung cấp kiến thức chăn nuôi, trồng trọt do Hội LHPN huyện, xã tổ chức, chị đã suy nghĩ và quyết định vươn lên phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình. Nắm bắt nhu cầu của người dân địa phương và vốn kiến thức đã được học tại các lớp tập huấn, chị bàn với chồng mạnh dạn vay 30 triệu đồng vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn từ Ngân hàng Chính sách xã hội qua vốn vay ủy thác của Hội LHPN xã để mua giống, đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn nái đẻ. Với kiến thức sẵn có cùng bản tính chịu thương, chịu khó, năm đầu tiên chị nuôi 4 con lợn nái, được hai lứa, mỗi lứa cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Nhận thấy chăn nuôi phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh gia đình, chị tiếp tục mua thêm 2 con trâu cái và mở rộng diện tích trồng thêm mía trắng, cây keo.
>>Khởi nghiệp nông nghiệp dễ hay khó?
>>Khởi nghiệp nông nghiệp: Làm giàu thành công từ nuôi chim trĩ và cá bống
Tính đến nay, tổng số đàn trâu của anh chị là 12 con, đàn lợn là 10 con gồm lợn nái và lợn giống. Ngoài ra, gia đình chị còn trồng được 2.000m cây mía trắng, 5 ha keo và đầu tư mua 1 ô tô tải chở hàng phục vụ nhu cầu của người dân tại địa phương và các xã xung quanh. Hàng năm, thu nhập bình quân của gia đình chị đạt trên 300 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 2 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.
Tuy bận rộn với việc phát triển kinh tế gia đình nhưng chị Hường luôn dành thời gian cho các hoạt động trong xóm, nhất là các hoạt động của Chi hội phụ nữ. Nhiều năm liền chị đạt danh hiệu phụ nữ xuất sắc. Với chị, được gặp gỡ giao lưu cùng chị em trong các buổi sinh hoạt luôn là niềm vui, là dịp để chị em cùng chia sẻ, tâm sự và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Chị đã giúp 6 chị em hội viên có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương phát triển kinh tế bằng hình thức cho vay không lấy lãi với tổng số tiền 65 triệu đồng, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế để chị em học tập và làm theo.
Nhờ có sự giúp đỡ của gia đình chị Hường nhiều hộ đã đẩy mạnh các mô hình chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế. Trong số hộ được giúp đỡ, đã có 2 hộ vươn lên thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi lợn nái được chị Hường đầu tư vốn, con giống và hướng dẫn trực tiếp cách chăn nuôi.
Những việc làm của chị Hường xuất phát từ sự cảm thông, chia sẻ, của người đã từng trải qua hoàn cảnh nghèo khó trong cuộc sống. Chị Hường mong muốn sẽ ngày càng giúp được nhiều chị em phụ nữ hoàn cảnh khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên để xây dựng cuộc sống gia đình no ấm, bình đẳng tiến bộ, hạnh phúc trên mảnh đất quê hương Thạch Yên.
https://phunuvietnam.vn/hoa-binh-chi-huong-lam-kinh-te-gioi-20220325222802289.htm
Có thể bạn quan tâm