“Làm nóng” du lịch y tế Việt Nam

Ngọc Hà 07/04/2018 06:10

Du lịch y tế đang mang lại nguồn thu khổng lồ cho các nước trên thế giới. Tuy nhiên, lĩnh vực này lại chưa được khai thác đúng tiềm năng tại Việt Nam.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổng lợi nhuận toàn cầu từ du lịch y tế đạt khoảng 60 tỷ USD mỗi năm, tăng trưởng hàng năm khoảng 20%.

p/Hàng năm, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCMp/đón khoảng 1.000 lượt du khách nước ngoài đến khám răng miệng. Ảnh: Hữu Đức

Hàng năm, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM đón khoảng 1.000 lượt du khách nước ngoài đến khám răng miệng. Ảnh: Hữu Đức

“Nổi sóng” ở Châu Á

Theo Cty Kiểm toán Deloitte, doanh thu du lịch y tế Châu Á đạt mức tăng trưởng hàng năm từ 20– 30%. Đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng này phải kể đến các quốc gia như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Ấn Độ và Philippines.

Ngay từ những năm 2006, Thái Lan đã đón 1,2 triệu khách du lịch sử dụng dịch vụ y tế của quốc gia này. Những vị khách này đóng góp khoảng 1,1 tỷ USD, tương đương 9% doanh thu của ngành du lịch Thái Lan. Bên cạnh Thái Lan, Hàn Quốc cũng được đánh giá là một trong những nước có ngành du lịch y tế phát triển.

Tuy nhiên, nếu so với Thái Lan hay Singapore, số khách du lịch y tế đến Hàn Quốc thấp hơn. Vì vậy, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thu hút hơn 1 triệu khách du lịch đến Hàn Quốc khám chữa bệnh vào năm 2020.

Sân chơi ở Việt Nam

Đến nay, du lịch y tế ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hấp dẫn là do còn quá ít thông tin về các dịch vụ du lịch y tế. Ngoài ra, chưa có nhiều hãng lữ hành tổ chức các tour chăm sóc sức khỏe.

Theo một số doanh nghiệp du lịch, hiện khó tổ chức tour khám chữa bệnh hay phẫu thuật thẩm mỹ như Thái Lan, Hàn Quốc, hay Singapore. Tuy nhiên, khách du lịch cũng có nhu cầu đi du lịch kết hợp dịch vụ nha khoa và y học dân tộc. Để thu hút được thêm du khách, các cơ sở y tế cần nâng cao tiêu chuẩn để được cấp các chứng nhận quốc tế.

Ông Phan Đình Huê - Giám đốc Cty Du lịch Vòng Tròn Việt cho biết: “Các cơ sở y tế nên xác định rõ phân khúc khách hàng tiềm năng, muốn thu hút khách từ nước nào thì nên có chứng nhận của nước đó thì khách mới tin tưởng để sử dụng dịch vụ”.

Sở dĩ TP.HCM đã trở thành địa phương đi đầu trong hoạt động thu hút du lịch y tế là do Sở Du lịch và Sở Y tế đã ký thoả thuận hợp tác. Bên cạnh đó là xây dựng và tạo ra các tour du lịch khám chữa bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, đưa ra các tiêu chí đánh giá và chọn lọc các bệnh viện, phòng khám tham gia hệ thống du lịch y tế.

Ngoài ra, nhiều đại diện bệnh viện cũng đề xuất nên chú trọng đến dịch vụ dành cho khách trong nước. Bởi nhu cầu này của người dân là khá lớn, và người Việt cũng được đánh giá là “chịu chi” cho chăm sóc sức khoẻ nếu nhìn lại con số 2 tỷ USD mỗi năm mang ra nước ngoài chữa bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Làm nóng” du lịch y tế Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO