Làm thế nào để thương hiệu bay xa?

Thu Duyên 15/04/2019 11:31

"Chúng ta nói về “đối thủ”, và “thương trường như chiến trường”, nghe thương đau quá. Thay vì vậy, theo tôi, chúng ta hãy chuyển khái niệm đó thành “đối tác” hay “liên minh thương hiệu” sẽ tốt hơn".

Chuyên gia thương hiệu Danny Võ chia sẻ một góc nhìn khá mới mẻ tại Diễn đàn thương hiệu Việt Nam vừa diễn ra vào chiều chủ nhật ngày 14/4 tại Hà Nội. Chương trình thu hút được đông đảo các doanh nhân và chuyên gia thương hiệu nổi tiếng tham dự chia sẻ.

Theo Danny Võ, nhắc đến một đất nước, người ta thường nhớ ngay đến các thương hiệu của nước đó. Sự liên minh giữa các thương hiệu trong một nước đang trở thành xu hướng với mục tiêu đặt thương hiệu quốc gia lên đầu. Nếu đã tự tin vào thương hiệu của mình rồi, không có bất cứ lý do gì khiến các doanh nhân, doanh nghiệp Việt phải sợ hãi. Ông Võ cho biết, rất nhiều doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp về thủ công mỹ nghệ luôn sợ hãi về việc sản phẩm của mình làm ra bị các đối thủ sao chép. Họ có xu hướng co mình lại trong vỏ bọc, không dám sáng tạo, bứt phá. Trước thực trạng này, ông cho rằng, các doanh nghiệp nên tự hào vì sản phẩm, dịch vụ của mình phải tốt phải đẹp như thế nào mới khiến người khác sao chép như vậy và hãy cứ tự tin tiến về phía trước và tạo nên những sản phẩm đột phá hơn nữa. Điểm mấu chốt là doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, biến các “đối thủ” thành “đối tác” của mình, cùng hợp tác với nhau tạo ra các giá trị riêng có. Mặt khác, các tổ chức Hội bảo vệ tác quyền cũng cần phải thấy trách nhiệm của mình nếu để thực trạng này diễn ra.

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho rằng, các chương trình và chính sách của nước ta cần phải cải tiến nhiều hơn nữa. Chúng ta cần phả tập hợp các hội nghệ nhân trong tất cả các ngành nghề. Tay nghề của người Việt rất tốt, nên cần học hỏi lại các di sản, các bí quyết về nghề nghiệp của các làng nghề xưa. Bao nhiêu đó thôi đã có thể tạo nên cộng đồng kinh tế rất tốt, chưa kể chúng ta có thể kết hợp tay nghề đó với công nghệ cao hiện nay. Ông Quang cho biết thêm, chúng ta phải nhìn nhận thương hiệu rất đa dạng, có rất nhiều loại thương hiệu như: thương hiệu quốc gia, thương hiệu di sản, thương hiệu cá nhân, thắng cảnh, thương hiệu các doanh nghiệp tiêu biểu, thương hiệu trong ngành ẩm thực và đặc biệt là du lịch. Các sản phẩm, làng nghề địa phương cần lấy kênh du lịch là một kênh quảng bá và bán sản phẩm xuất khẩu tại chỗ.

Theo CEO Phạm Quốc Khánh: Hiện, chúng ta đang sống trong thời đại kỷ nguyên số bùng nổ mạng xã hội và truyền thông. Tất cả các thương hiệu, chúng ta có thể xây dựng mười năm, hai mươi năm nhưng chỉ vì một tin không tốt trên mạng facebook là doanh nghiệp cũng dễ dàng gặp khó khăn. Các doanh nghiệp dường như chưa có tư thế sẵn sàng đối phó với khủng hoảng vì họ chưa xây dựng được đội ngũ tinh hoa, am hiểu về kỹ thuật công nghệ truyền thông như hiện nay. Khủng hoảng lớn nhất hiện nay là khủng hoảng bên ngoài, khủng hoảng về truyền thông. Với loại khủng hoảng này, yêu cầu chúng ta phải xây dựng được chiến lược, bài bản. Chúng ta cần xác định được nguyên nhân khủng hoảng xuất phát từ đâu và cần có các chuyên gia đầu ngành chia sẻ kinh nghiệm. Chúng ta không vội vàng đưa mình vào thế đối đầu, quan trọng là phải xây dựng được nền tảng vững chắc từ bên trong để thay đổi cách nhìn của mọi người.

Trước câu hỏi, “thương hiệu đang cần thị trường hay thị trường cần thương hiệu”, theo CEO Đàm Quốc Hiệp, đó là hai yếu tố tác động qua lại với nhau. Sản phẩm mới rất cần thị trường để khẳng định chỗ đứng của mình, thông qua đó để thể hiện mình và để lớn lên. Nhưng khi sản phẩm đã được khẳng định trên thị trường, nó lại cần được khẳng định giá trị của mình là “thương hiệu”. Khách hàng lúc đó sẽ không chỉ là mua sản phẩm nữa, mà sẽ mua thương hiệu đó. Để trở thành thương hiệu toàn cầu cần phải tổng hòa nhiều giá trị khác nhau.

“Nhiều lúc tôi có cảm giác báo chí khen thì thâm thúy, chê thì vùi dập. Báo chí hãy trung thực và hướng thiện, hãy khen chê đúng và giúp doanh nghiệp lớn lên. Bởi doanh nghiệp là thương hiệu, là tài sản của quốc gia”, TS Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại diễn đàn. Các doanh nghiệp Việt Nam đang vươn lên rất mạnh mẽ nên hãy cứ tự tin mà hành động. Để xử lý khủng hoảng được tốt nhất, mỗi doanh nghiệp nên có ban truyền thông để tư vấn, tuyên truyền, tránh thiếu thông tin và nhiễu thông tin.

Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông Việt Nam

Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông Việt Nam chia sẻ

Chương trình Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam còn có sự tham gia chia sẻ của nhiều chuyên gia thương hiệu và nhiều doanh nhân nổi tiếng khác. Đây là những chia sẻ hết sức hữu ích về chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu đối với doanh nghiệp, mang đến những thông điệp ý nghĩa, thiết thực về Thương hiệu, những tư vấn bổ ích dành cho doanh nghiệp trên bước đường xây dựng và phát triển thương hiệu trong thời đại kỷ nguyên số.

Tốp 50 thương hiệu uy tín

Tốp 50 thương hiệu uy tín, chất lượng năm 2018

Nhân dịp này, Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam lần thứ nhất, đã bình chọn và trao giải cho Top 10 và Top 50 thương hiệu Uy tín, Chất lượng năm 2018.

Có thể bạn quan tâm

  • Diễn đàn kinh tế khu vực Duyên hải phía Bắc 2019: Hiện thực hóa lợi thế khu vực

    Diễn đàn kinh tế khu vực Duyên hải phía Bắc 2019: Hiện thực hóa lợi thế khu vực

    06:01, 01/04/2019

  • Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019: Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững

    Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019: Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững

    08:54, 18/01/2019

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 

    14:47, 11/01/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Làm thế nào để thương hiệu bay xa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO