Làm thế nào để xây dựng danh tiếng?

Diendandoanhnghiep.vn Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, doanh nghiệp ở bất cứ quy mô, lĩnh vực nào cũng cần xây dựng danh tiếng, nếu muốn hướng tới phát triển bền vững.

Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, doanh nghiệp ở bất cứ quy mô, lĩnh vực nào cũng cần xây dựng danh tiếng, nếu muốn hướng tới phát triển bền vững. Thế nhưng, trong hơn 10 năm làm công việc tư vấn chiến lược, thắc mắc mà ông thường xuyên phải giải đáp là: “Doanh nghiệp tôi còn nhỏ, thì việc xây dựng danh tiếng có ý nghĩa gì?”. Ông Quang cho rằng điều đó chứng tỏ một bộ phận lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam vẫn chưa có cái nhìn đúng đắn về vai trò của danh tiếng, từ đó dẫn đến sự thiếu bài bản, thiếu chuyên nghiệp trong việc xây dựng và quản lý danh tiếng.

Quan điểm đúng về xây dựng danh tiếng

Ông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc điều hành Elite PR School, đánh giá danh tiếng là cách mọi người xung quanh nghĩ và cảm nhận về doanh nghiệp của bạn. Nó được tạo dựng và tích lũy dần từ cách hành xử của doanh nghiệp với các đối tượng liên quan bao gồm khách hàng tiềm năng, nhân viên nội bộ, nhân viên tiềm năng, các đối tác, nhà đầu tư, cộng đồng xã hội…

Quá trình xây dựng danh tiếng và xây dựng thương hiệu, tuy có nhiều điểm liên quan, nhưng không hề đồng nhất. Đối tượng của việc xây dựng thương hiệu thường là khách hàng tiềm năng, với mục đích chính là tăng nhận diện thương hiệu, tăng gắn kết khách hàng, hướng đến đích đến là bán được sản phẩm, dịch vụ. Trong khi đó, quá trình xây dựng và quản lý danh tiếng lại tác động đến rất nhiều nhóm đối tượng khác nhau, cả bên trong và bên ngoài tổ chức, hướng đến việc tạo lập các mối quan hệ, xác lập vị thế trên thị trường, từ đó hỗ trợ các công việc khác của doanh nghiệp (tuyển dụng, kinh doanh, thu hút đầu tư…). Bắt nguồn từ những điểm khác nhau này, việc quản lý danh tiếng đòi hỏi nhiều công sức và thời gian hơn vì cùng lúc phải nghiên cứu hành vi, tâm lý của nhiều nhóm đối tượng để có được cách ứng xử phù hợp.

Chính bởi tốn nhiều thời gian, công sức, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thường tập trung hơn vào việc tăng doanh số, đầu tư tái phát triển hơn là xây dựng và quản lý danh tiếng. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ, bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần xây dựng danh tiếng, chỉ khác nhau ở quy mô và mức độ. Việc giữ quan điểm cho rằng doanh nghiệp nhỏ chưa cần xây dựng danh tiếng, có thể không gây ảnh hưởng ngay lập tức, nhưng sẽ có tác động tiêu cực đến chiến lược phát triển dài hạn của công ty. Theo ông Quang, việc không coi trọng vai trò của danh tiếng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang tự kìm hãm sự phát triển của chính mình và sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng thị trường kinh doanh sau này.

Một danh tiếng tốt sẽ…

Vì được tạo dựng dựa trên mối quan hệ với nhiều nhóm đối tượng khác nhau, việc doanh nghiệp xây dựng được danh tiếng tốt sẽ có vai trò quan trọng cho sự phát triển toàn diện, bền vững của công ty.

1 Tự bảo vệ mình trước khủng hoảng

Bà Đặng Thanh Vân, Giám đốc điều hành đơn vị tư vấn thương hiệu Thanhs, cho rằng nếu doanh nghiệp không chú ý đến việc xây dựng danh tiếng tốt, họ sẽ nhanh chóng bị khách hàng và cộng đồng quay lưng khi xảy ra khủng hoảng, thậm trí có thể nhanh chóng bị xóa sổ trên thị trường. Ngược lại, với các doanh nghiệp đã xây dựng được danh tiếng tốt, họ sẽ dễ dàng kêu gọi sự đồng cảm, ủng hộ, bênh vực từ khách hàng và các đối tượng liên quan.

2 Thu hút nguồn nhân lực

Theo nghiên cứu của TalentLyft, phần mềm hỗ trợ tuyển dụng, 75% ứng viên thường tìm hiểu về danh tiếng công ty trước khi nộp hồ sơ ứng tuyển, 69% ứng viên không nhận việc ở một công ty có danh tiếng xấu kể cả khi họ phải thất nghiệp. Chính vì vậy, việc tạo dựng được danh tiếng tốt sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng thu hút đối tượng nhân viên tiềm năng.

3 Thu hút các đối tác đầu tư

Doanh nghiệp có uy tín tốt về mặt tài chính (doanh số ổn định, sòng phẳng trong các khoản nợ…) hoặc có sự phát triển cao hơn bề mặt chung về kỹ thuật, công nghệ, sẽ dễ dàng thu hút nhiều đối tác đầu tư, từ đó tăng giá trị cổ phiếu, ông Quang cho biết.

4 Thuận tiện trong các công tác hành chính

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam thường gặp khó khăn hoặc tốn nhiều thời gian trong các thủ tục hành chính như đăng ký kinh doanh, đăng ký bản quyền, đóng thuế… Danh tiếng tốt sẽ là “thẻ xanh”, giúp các thủ tục hành chính diễn ra thuận lợi, nhanh chóng hơn.

3 nguyên tắc “vàng”

Xây dựng và phát triển danh tiếng là một quá trình dài hơi, bền bỉ. Trong suốt quá trình ấy, bất cứ doanh nghiệp nào, dù lớn dù nhỏ, cũng cần tôn trọng một vài nguyên tắc nhất định để đảm bảo sự phát triển bền vững.

1. Luôn dựa trên những giá trị cốt lõi

Nhiều người cho rằng, việc xây dựng danh tiếng cho doanh nghiệp đơn giản là đặt các bài PR trên báo chí, hoặc thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR) rầm rộ. Thế nhưng, theo bà Vân, những hoạt động ấy chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu như được thực hiện theo chiến lược bài bản dựa trên tầm nhìn, sứ mệnh và những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Đó chính là kim chỉ nam tạo nên sự đồng nhất cho mọi hoạt động, mọi thông điệp.

2. Luôn giữ lời hứa

Luôn giữ lời hứa với mọi đối tượng là nguyên tắc ứng xử quan trọng nhất để tạo dựng danh tiếng. Với nội bộ công ty, việc giữ lời hứa được thể hiện bằng những quy định rõ ràng trong điều lệ, chính sách và cách tương tác với nhân viên. Điều đó cần được chính thức hóa trong sổ tay nhân viên hoặc trong những văn bản quy định về văn hóa doanh nghiệp, nội quy công ty. Với khách hàng, cần giữ lời hứa bằng chính chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Với nhà đầu tư và các đối tác kinh doanh, cách thức làm việc nghiêm túc, cầu thị và các thỏa thuận, giao dịch sòng phẳng chính là cách doanh nghiệp giữ lời hứa và đảm bảo danh tiếng của mình.
Quan điểm mới của Elite PR School cho rằng, mọi đối tượng trong mạng lưới quan hệ của doanh nghiệp đều là một “đại sứ thương hiệu”, góp phần tạo nên danh tiếng của tổ chức đó. Việc giữ lời hứa với mọi đối tượng chính là cách đơn giản, bền vững và hiệu quả nhất để các “đại sứ thương hiệu” ấy lan tỏa những điều tốt đẹp về tổ chức với những người xung quanh.

3. Chủ động xây dựng danh tiếng

Theo thống kê của Repfixers (Mỹ), đơn vị tư vấn chiến lược danh tiếng online, 70% người dùng có xu hướng truy cập những bài báo nói về doanh nghiệp, trước khi vào website chính thức. Vì vậy, trong kỷ nguyên thông tin như hiện nay, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng và bảo vệ danh tiếng bằng các tài sản truyền thông trên nền tảng số ví dụ như các bài PR, giới thiệu về doanh nghiệp. Việc này sẽ giúp cho các đối tượng mong muốn tìm hiểu về doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn thông tin đầy đủ và mang ý nghĩa tích cực hơn.

NeoTarget, đơn vị tư vấn quản trị doanh nghiệp, đã chỉ ra các yếu tố để đánh giá về danh tiếng doanh nghiệp. Các yếu tố này được đặt trong mô hình 3P (Performance – Hoạt động doanh nghiệp, Planet – Cộng đồng, People – Con người) - mô hình đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

* Hoạt động doanh nghiệp
* Giá trị sản phẩm, dịch vụ: Chất lượng, sự đổi mới và mức độ đáng tin cậy của sản phẩm, dịch vụ
* Giá trị doanh nghiệp: Sứ mệnh, tầm nhìn, và các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp; giành được sự yêu thích và tôn trọng của các đối tượng liên quan
* Tình trạng tài chính: Doanh số, lợi nhuân, mối quan hệ với nhà đầu tư và những rủi ro tiềm ẩn
* Cộng đồng
* Trách nhiệm xã hội: Thực hiện đúng nghĩa vụ và trách nhiệm với cộng đồng, người lao động và môi trường sống
* Con người
* Yếu tố con người: Đội ngũ nhân sự có chất lượng tốt
* Công tác quản trị: Môi trường làm việc lành mạnh, hệ thống quản trị chuyên nghiệp, bài bản. 

Đặng Thanh Vân - là sáng lập viên và Chủ tịch hội đồng quản trị CTCP Thương hiệu và Quản trị Thanhs. Bà có 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn xây dựng thương hiệu và thực hiện truyền thông dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Bà Vân lấy bằng Thạc sỹ Kinh tế tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nguyễn Đình Thành - tốt nghiệp thạc sỹ Quản trị Văn hóa tại đại học Paris Dauphine (Pháp). Ông từng làm việc tại các tổ chức/công ty: NEM NEW, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội L’ESPACE, Sofitel Legend Metropole Hà Nội, Sovico Holdings, Le Bros. Ngoài ra, ông còn là đồng sáng lập Elite PR School, Giám đốc tư vấn tại Sunshine Holding, chuyên gia tư vấn CSCI Indochina Group.

Võ Văn Quang - là chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn thương hiệu, có trên 25 năm kinh nghiệm marketing quốc tế và tại Việt Nam. Ông là tác giả của mô hình 7P Marketing và 10 mô hình Brand Marketing, đã tham gia huấn luyện marketing chiến lược cho các doanh nghiệp lớn như Ford Motor, LG, Mobifone, Vinaphone, Acecook, Fujifilm, FPT...

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Làm thế nào để xây dựng danh tiếng? tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713591225 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713591225 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10