Một vài năm gần đây, cụm từ “khởi nghiệp” (startup) được sử dụng thường xuyên trong rất nhiều khía cạnh cuộc sống, từ kinh doanh, hướng nghiệp cho đến nhân khẩu học.
Thực sự, khởi nghiệp là một xu hướng rất đáng được khích lệ và hỗ trợ từ nhiều cấp cơ quan, bởi số lượng doanh nghiệp mới thành lập, kinh doanh tốt, năng động và kêu gọi được vốn đầu tư sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn.
- Khởi nghiệp mang lại điều gì cho bản thân người tham gia?
Trước hết, đó là niềm vui! Tự làm việc cho chính mình, tự theo đuổi và phấn đấu cho ước mơ của mình. Đây là cảm giác cực kỳ tuyệt vời. Khi đó, không còn khái niệm “Thứ hai – Câu chuyện kinh dị ngắn nhất thế giới”. Không còn niềm háo hức mong chờ đến cuối tuần, bởi những thử thách cùng trải nghiệm mỗi ngày mà đời khởi nghiệp mang lại đã quá kỳ thú và đa dạng.
Tự theo đuổi và phấn đấu cho ước mơ của mình là chất xúc tác mạnh mẽ cho những người khởi nghiệp.
Thế hệ trẻ ngày nay, đặc biệt Gen Z, là những người người năng động và ưa chuộng con đường khởi nghiệp nhất. Kết quả khảo sát của Deloitte trên hơn 18,000 nhân viên văn phòng và sinh viên thuộc thế hệ X, Y, Z, cho thấy: các đáp viên trẻ (nhất là những người sinh năm 1997 đến 2002) đa số cho biết họ sẽ lựa chọn khởi nghiệp thay vì đi làm thuê.
Trên thế giới cũng có nhiều tấm gương khởi nghiệp thành công ở lứa tuổi dưới 30 và là hình mẫu của rất nhiều bạn trẻ Gen Z, như Evan Spiegel – CEO của Snap, Kylie Jenner với tài sản 1 tỷ đô nhờ vào công ty mỹ phẩm Kylie Cosmetics ăn nên làm ra,… Thành công của họ, thậm chí cuộc sống cá nhân của họ trở thành nguồn cảm hứng của nhiều người trẻ.
- Chiều ngược lại, người khởi nghiệp phải chấp nhận những gì?
Khó khăn, vất vả, những biến cố khó lường, sự cô độc, và cả thất bại. Nói một cách công bằng, những người có thể trụ lại để tận hưởng niềm vui sau khi nếm trải những cay đắng của khởi nghiệp chính là những người thành công, cả về mặt trải nghiệm và ý chí!
“Trầy da tróc vẩy” trên con đường tự lực cũng chính là một lý do khiến việc thành công khi khởi nghiệp nhiều ý nghĩa.
- Vậy, những người không chọn con đường khởi nghiệp thì sao?
Điều này không đồng nghĩa họ kém bản lĩnh hay “nhẹ gan” hơn những nhà khởi nghiệp.
Đơn giản là họ không có hứng thú đặc biệt với việc tự kinh doanh. Họ lựa chọn con đường trở thành nhân viên của một doanh nghiệp. Họ phấn đấu nỗ lực hoàn thành tốt các công việc được giao để giúp công ty phát triển. Nhiều khi, lựa chọn vai trò hỗ trợ giúp họ linh hoạt hơn và đem đến lợi ích cho nhiều doanh nghiệp hơn.
- Con đường làm thuê có đối lập với lựa chọn khởi nghiệp?
Câu trả lời chính xác là KHÔNG.
Những người lựa chọn con đường khởi nghiệp luôn hào hứng với các kế hoạch và hành động để biến ý tưởng kinh doanh thành hiện thực. Những người làm thuê cũng vậy! Nếu sáng lập viên là người đưa ra định hướng, mục tiêu, chiến lược ban đầu, thì nhân viên là nhân tố hỗ trợ để biến những điều trên thành hiện thực. Họ dựa vào tầm nhìn bao quát sẵn có để đưa ra những mục tiêu ngắn hạn hơn, cách giải quyết cụ thể và chi tiết hơn cho từng vấn đề.
Người khởi nghiệp và người làm thuê tưởng khác biệt nhưng lại có nhiều sự tương đồng.
Đời khởi nghiệp nhiều trắc trở, lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng ứng phó với các biến cố bất thường. Ai nói những người làm thuê thì không? Đợt COVID-19 tàn phá tất cả các nền kinh tế từ lớn đến nhỏ. Các nhân viên văn phòng đột nhiên nhận ra, hơn bao giờ hết, đây là thời điểm phải nhìn cùng một hướng với các nhà sáng lập, tường tận mô hình hoạt động của công ty và nỗ lực hết mình, linh hoạt tìm phương án giải quyết, để giữ con thuyền doanh nghiệp vẫn hoạt động.
Điểm chung dễ thấy nhất ở 2 lựa chọn này là gì? Đó chính là sự trân trọng và tận tâm đối với công việc mình đang làm. Với những người đang đi làm thuê, khi được giao nhiệm vụ, dù lớn hay nhỏ, quan trọng hay thứ yếu, chỉ cần đặt hết tâm trí và tình yêu vào đó, thì mỗi ngày đi làm sẽ là những trải nghiệm thú vị. Mỗi buổi sáng thức dậy không còn luẩn quẩn với câu hỏi tu từ “hóc búa”: “Phải dậy đi làm thật sao?”.
Có rất nhiều lời khuyên dành cho những người sắp hoặc đang khởi nghiệp, nhưng có ít hơn rất nhiều lời khuyên dành cho những người còn lại, về cách để luôn giữ lửa nhiệt huyết hay tạo niềm vui trong công việc.
Rõ ràng, không bao giờ có một lựa chọn cho tất cả. Những người đã chọn khởi nghiệp rất đáng được hoan nghênh. Nhưng những người chọn con đường hỗ trợ, cũng rất đáng được ủng hộ. Miễn là họ biết mình muốn gì và nỗ lực phấn đấu cho điều đó.
Một cộng đồng có chung tầm nhìn và mỗi cá nhân trong đó phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình là cách để cả tổ chức mạnh mẽ.
Suy cho cùng, không có anh hùng nào là đứng một mình. Một cộng đồng có chung một tầm nhìn và mỗi cá nhân trong đó phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình, là cách để tạo nên những điều lớn lao.
Dịch COVID-19 là dịp để tất cả chúng ta nhìn lại những lựa chọn nghề nghiệp của mình. Và dù là lựa chọn nào, thì việc phấn đấu hết mình và theo đuổi quyết định đó với tinh thần của một nhà khởi nghiệp sẽ luôn giúp bạn làm tốt nhất trong mọi hoàn cảnh.