Nhân viên phải trả cho công ty hơn 2.700USD vì phần mềm theo dõi thời gian chỉ ra nhân viên này khai man hơn 50 giờ làm việc.
>>Startup Trung Quốc ứng dụng AI vào webcam trong kỷ nguyên làm việc từ xa
Một toà án dân sự thuộc hệ thống tư pháp Canada mới đây đã phán quyết rằng, Karlee Besse, một nhân viên kế toán người Canada phải trả cho công ty cũ của mình 2.756 USD sau khi thông tin từ phần mềm quản lý thời gian cài đặt trên máy tính xách tay của cô tiết lộ rằng cô đã khai man trong hơn 50 giờ làm việc.
Besse làm việc từ xa cho Reach CPA, một công ty kế toán có trụ sở tại British Columbia, Canada. Tranh chấp bắt đầu vào năm ngoái khi Besse tuyên bố cô bị sa thải mà không có "lý do chính đáng".
Về phía mình, công ty lập luận rằng họ đã chấm dứt hợp đồng với cô một cách hợp pháp với lý do không trung thực khi làm việc. Cụ thể, Reach CPA cho biết họ đã thu thập bằng chứng bằng cách sử dụng TimeCamp, phần mềm theo dõi thời gian ghi lại những tệp nào được truy cập và trong bao lâu. Các bản ghi cho thấy có 50 giờ chênh lệch giữa thời gian Besse báo cáo là thời gian làm việc và những gì TimeCamp ghi lại được.
Besse lập luận rằng cô thấy chương trình khó sử dụng và cô không thể cài đặt để phần mềm phân biệt giữa thời gian dành cho công việc và thời gian sử dụng cá nhân — vốn là điều mà công ty cho phép trong giờ làm việc của nhân viên.
Trong video được gửi tới tòa án, Reach CPA cho thấy TimeCamp có thể ghi lại thời điểm và khoảng thời gian nhân viên truy cập vào các tài liệu liên quan đến công việc, đồng thời để phân biệt – dựa trên đường dẫn điện tử – với thời điểm họ truy cập vào các trang web không thuộc phạm vi công việc, chẳng hạn như các kênh dịch vụ trực tuyến như Disney Plus. Công ty đưa ra phán quyết cuối cùng từ những thu thập trên.
>>Big Tech mất nhân viên vào tay startup vì chính sách làm việc từ xa
Besse cũng lập luận rằng cô đã dành một lượng thời gian đáng kể để làm việc với các tài liệu giấy, nhưng không nói với công ty của mình vì "họ sẽ không muốn nghe điều đó." Tuy nhiên, TimeCamp cũng theo dõi hoạt động in ấn và công ty không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy cô ấy đã in một lượng lớn tài liệu nào.
Khi phải giải trình về 50 giờ chênh lệch, Beese nói với người quản lý của mình rằng cô đã ghi sai một số giờ trong bảng chấm công của mình.
Besse nói trong một cuộc họp: “Tôi đã ghi nhận thời gian vào các tệp mà tôi không sử dụng đến, và tôi hiểu điều đó không phù hợp. Tôi thực sự thấy có lỗi.”
Cuối cùng, Tòa án Giải quyết Dân sự đã bác bỏ các yêu sách của Besse. Tòa án cũng phán quyết rằng Besse có 30 ngày để trả lại cho công ty cũ số giờ làm việc không được tính mà cô đã được trả và các chi phí liên quan khác.
Ngày càng có nhiều công ty sử dụng công nghệ để giám sát nhân viên của mình khi họ làm việc tại nhà. Người sử dụng lao động coi đó là một công cụ để đảm bảo hiệu suất làm việc. Tuy nhiên, người lao động và những người ủng hộ quyền riêng tư lo ngại rằng động thái này sẽ bình thường hóa việc giám sát tại nơi làm việc, ngay cả khi mọi người quay lại văn phòng.
Có thể bạn quan tâm