Lận đận nước sạch Tây Nguyên

MAI CHIẾN 06/07/2023 14:14

Doanh nghiệp đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp nhà máy xử lý nước sạch cho người dân nhưng lại không phát triển được thị trường, đẩy doanh nghiệp rơi vào vòng xoáy khó thu hồi vốn.

Theo đại diện Công ty Cổ phần cấp nước Chư Sê tỉnh Gia Lai, đến nay nhà máy đã được đầu tư hơn 100 tỷ đồng.

 Nước sinh hoạt ở nông thôn chưa đảm bảo yếu tố an toàn cho người dùng.

Nước sinh hoạt ở nông thôn chưa đảm bảo yếu tố an toàn cho người dùng.

Việc khó khăn trong phát triển thị trường, cộng với thói quen của người dân dùng nước giếng đào, giếng khoan khiến cho công ty rơi vào vòng xoáy. Mỗi ngày, sản lượng tiêu thụ của nhà máy chỉ đạt 800m3. Trong khi dự kiến ban đầu mỗi ngày, nhà máy có thể cung cấp hàng ngàn m3 nước sạch cho người dân.

Khó thu hồi vốn khi đầu tư nước sạch.

Sau nhiều năm tham gia vào thị trường nước sạch nhưng vẫn lận đận trong phát triển thị trường nước, ông Lê Văn Thịnh - Đại diện Công ty Cổ phần cấp nước Chư Sê cho hay, “chúng tôi đang tính đến phương án rút khỏi thị trường này, trả lại nhà máy cho địa phương. Càng kinh doanh càng lỗ, khó thu vốn”.

Còn tại thị xã An Khê, Công ty Cổ phần nước Sài Gòn An Khê được cổ phần hoá từ công ty nhà nước năm 2016. Doanh nghiệp đã đầu tư 160 tỷ đồng vào nhà máy xử lý nước và đã xây dựng được 30km đường ống dẫn nước quanh thị xã An Khê và huyện Đắk Pơ, 50km đường ống thứ cấp đi vào các hẻm. Tuy nhiên theo thống kê của doanh nghiệp, thì xã Cứu An thị xã An Khê có 463 hộ có đường ống nước sạch đi qua nhưng đến tháng 6/2023 mới có 81 hộ dân đăng ký lắp đặt đồng hồ và làm hợp đồng. Số còn lại vẫn sử dụng nước giếng hoặc các nguồn nước khác để sinh hoạt.

Nói về thị trường nước tại đây, ông Nguyễn Vĩnh Thi – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nước Sài Gòn An Khê thông tin: Chủ yếu người dân vẫn sử dụng nước giếng là chính, khi nào vào mùa khô, hết nước thì mới dùng nước sạch của công ty. Chính quyền địa phương cũng như UBND tỉnh cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp tuyên truyền sử dụng nước sạch rất nhiều. Điều này cũng giúp nhà máy vượt qua khó khăn. Ghi nhận trong 6 tháng đầu năm, sản lượng nước tiêu thụ chỉ đạt 4.700m3/ngày, bằng một nửa so với thiết kế của nhà máy. Kỳ vọng thu hồi vốn của nhà đầu tư bị ảnh hưởng.

Tương tự, ông Phan Quốc Hòa -Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Kon Tum cho biết, hiện nay, toàn thành phố Kon Tum có khoảng 18.000 khách hàng dùng nước của đơn vị. Công suất của nhà máy khoảng 19.000m3/ngày/đêm và hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của người dân ở thành phố.

 Ô nhiễm nguồn nước ở Tây Nguyên ngày càng gia tăng

Ô nhiễm nguồn nước ở Tây Nguyên ngày càng gia tăng

Người dân sử dụng nước ô nhiễm

Mặc dù nước sạch đã được Nhà nước kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Nhưng nhiều số liệu từ doanh nghiệp cho thấy người dân vẫn chưa mặn mà sử dụng nước máy, đa số đều sử dụng nước giếng hoặc các nguồn nước mạch ngầm khác.

Trong khi đó, Theo một khảo sát mới nhất của Viện nghiên cứu sức khoẻ và phát triển giáo dục Tây Nguyên cho thấy nguồn nước ngầm Gia Lai đã bị ô nhiễm, trong tất cả các mẫu đều có Nitrat cao hơn từ 1 đến 2 lần QCVN 01:2018/BYT, có 4 mẫu phát hiện virus Coliform.

Tại thành phố Kon Tum, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã tiến hành lấy mẫu nước ngẫu nhiên ở một số hộ dân làm làm kiểm nghiệm cho 15 thông số bao gồm Coliforms, E. coli, P.aeruginosa, pH, Độ đục, Độ oxy hóa, Nitrat, Nitrit, Hàm lượng Sắt tổng, Clo dư, Hàm lượng Sunfat, Hàm lượng Mangan, Độ cứng, Hàm lượng Amoni và Chì. Kết quả trên 3 mẫu thử cho thấy 2 mẫu không đạt do virus Coliform vượt ngưỡng cho phép. Điều này cho thấy, người dân sử dụng mẫu nước không đạt chuẩn trong sinh hoạt về lâu dài sẽ xuất hiện các bệnh kèm theo.

Thêm một yếu tố khác là người dân các vùng nông thôn trên khắp Tây Nguyên vô tư đào giếng, khoan giếng khai thác mạch ngầm vô tội vạ. Và họ cho rằng, những nguồn nước này an toàn ở độ sâu nhất định. Việc mất tiền mua nước để dùng chưa thành một thói quen hay là hành vi bắt buộc. Do đó, giải pháp để các doanh nghiệp phát triển thị trường nước sạch tại khu vực đầu tư thì cần có biện pháp tuyên truyền khả thi.

Giải pháp của doanh nghiệp

Chia sẻ về giải pháp phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Đình Vinh – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP cấp thoát nước Gia Lai cho biết: Doanh nghiệp cần phát triển thêm các tuyến ống cấp 1, 2. Chú trọng đầu tư thiết bị công nghệ có chức năng kiểm soát ngày càng tốt hơn áp lực và chất lượng nước trên toàn hệ thống mạng lưới. Cùng với đó, tăng cường quản lý mạng lưới cấp nước và giảm tỷ lệ nước thất thoát thất thu.

“Có kế hoạch trung hạn xây dựng cơ bản mạng lưới cấp nước với nội dung về qui mô và dòng tiền đầu tư. Trong đó, xem xét tính cấp thiết giữa phát triển tăng sản lượng với cải tạo giảm thất thoát nước để chủ động trong việc tập trung chi phí đầu tư hay huy động các nguồn vốn, kể cả nguồn vốn vay để triển khai các dự án. Ưu tiên áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin vào công tác quản lý mạng lưới cấp nước”, ông Vinh nói.

Bên cạnh đó, cũng cần sự chung tay của các cấp chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền về những hệ luỵ khi dùng nước không đảm bảo vệ sinh. Đồng thời có biện pháp xử lý mạnh các tổ chức cá nhân khai thác mạch nước ngầm mà không có giấy phép. Đây mới là sự phát triển bền vững của doanh nghiệp khi vào thực hiện đầu tư trong lĩnh vực nước sạch, giảm thiểu sự bấp bênh, lận đận như hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

  • Chuyển đổi số các doanh nghiệp nước sạch

    Chuyển đổi số các doanh nghiệp nước sạch

    00:06, 11/06/2023

  • VNPT Bạc Liêu & TT nước sạch, VSMTNT: Hợp tác áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

    VNPT Bạc Liêu & TT nước sạch, VSMTNT: Hợp tác áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

    12:18, 17/11/2022

  • Khung khổ pháp lý cho nước sạch - Bài 2: Cần luật về thị trường nước sạch

    Khung khổ pháp lý cho nước sạch - Bài 2: Cần luật về thị trường nước sạch

    04:00, 28/05/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lận đận nước sạch Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO