Các chuyên gia cho rằng, có nhiều vấn đề còn tồn tại liên quan đến quy hoạch cấp, thoát nước và đề xuất nhằm hoàn thiện khung thể chể, chính sách.
Dự thảo Luật Cấp, thoát nước (Dự thảo) đang được lấy ý kiến, bổ sung để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ vào tháng 01/2025 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3/2025.
Nước sạch là một loại thực phẩm, hàng hóa đặc biệt, có tác động trực tiếp đến sức khỏe, đời sống và góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, trong các nội dung của hệ thống văn bản pháp luật tại Việt Nam liên quan đến lĩnh vực cấp, thoát nước, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước… đều có các quy định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý, cung cấp dịch vụ cấp, thoát nước.
Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định chuyên ngành, thống nhất, đủ tính pháp lý và chế tài nhằm huy động, tập trung nguồn lực đảm bảo cấp, thoát nước ổn định, bền vững. Mặt khác việc bảo đảm cấp, thoát nước an toàn phòng tránh dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe con người vẫn chưa có chế tài cụ thể.
Đáng nói, trong thời gian qua, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề cấp, thoát nước, tuy vậy pháp luật liên quan việc thích ứng, giảm thiểu và khắc phục tác động đến lĩnh vực cấp, thoát nước còn thiếu, không đồng bộ… hạn chế việc quản lý lĩnh vực này.
Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ đặt ra cho phát triển cấp, thoát nước là rất lớn, cần tập trung triển khai, thể chế hóa lĩnh vực cấp, thoát nước, định hướng phát triển bền vững và tăng cường quản lý trong tương lai. Bộ Xây dựng cũng đã tích cực nghiên cứu Dự thảo dựa trên 3 chính sách đã được Quốc hội thông qua bao gồm phát triển cấp, thoát nước đồng bộ, thống nhất, hiệu quả theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch; quản lý, vận hành và khai thác hệ thống cấp, thoát nước; bảo đảm nguồn lực phát triển cấp, thoát nước. Trên cơ sở đó, Dự thảo được xây dựng gồm 8 chương, 68 điều.
Thực tế, trong quá trình soạn thảo vẫn còn nhiều vướng mắc cần có sự tư vấn, góp ý từ các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp.
Liên quan đến công tác quy hoạch hạ tầng cấp thoát nước - một trong những nội dung còn nhiều vướng mắc, ông Trương Minh Ngọc, đại diện Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia cho biết, trước đây, hầu hết các doanh nghiệp nhận định, nếu nội dung quy hoạch cấp, thoát nước nằm trong đồ án quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng thì doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiến hành dự án đầu tư.
Tuy nhiên, trong bản thảo mới nhất của Dự thảo lần này đã có Điều 23, Điều 24 và Điều 25 quy định cụ thể về nội dung quy hoạch cấp, thoát nước và kế hoạch phát triển cấp, thoát nước tại các tỉnh thành. Ông Ngọc đánh giá cao những nội dung này đã được quy định rõ ràng hơn rất nhiều so với nội dung quy chuẩn cấp, thoát nước tại Luật Quy hoạch năm 2017.
“Ban biên soạn có thể bổ sung thêm dựa trên căn cứ vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cũng như các quy hoạch dưới như quy hoạch chung đô thị, quy hoạch vùng liên huyện, quy hoạch chuyên ngành đối với các thành phố trực thuộc trung ương. Nếu làm được như vậy, hoàn toàn có đủ cơ sở để thành lập dự án, gỡ rối vướng mắc cho doanh nghiệp”, đại diện Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia chia sẻ.
Xoay quanh vấn đề này, góp ý hoàn thiện Dự thảo, ông Phạm Trọng Khôi, Chủ tịch Công ty Cổ phần Nước sạch Hà Nam đề nghị, Luật Cấp, thoát nước cần tìm cách tháo gỡ vấn đề thay đổi vùng cấp nước do điều chỉnh quy hoạch, hoặc do phát triển kinh tế, đô thị, dẫn đến tình trạng trong thực tế có trường hợp xây dựng thêm nhà máy nước mới cách không xa nhà máy nước đã có.
“Đồng thời đưa ra các điều kiện để hạn chế các tranh chấp, xung đột lợi ích giữa các cơ sở cấp nước trên cùng một địa bàn”, ông Khôi nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông Khôi, Công ty Cổ phần Nước sạch Hà Nam đang đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch sông Hồng trên địa bàn với công suất 200.000 m3/ngày đêm, nhằm cung cấp nước cho cả khu vực thành thị và nông thôn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
"Từ thực tiễn công việc, tôi cho rằng, cần lập riêng quy hoạch cấp nước tỉnh (hiện nay, chỉ có 5 thành phố trực thuộc trung ương được lập riêng quy hoạch chuyên ngành cấp nước). Đồng thời, cần làm rõ hơn nữa quy định về hỗ trợ, ưu đãi công trình cấp nước liên vùng, hỗ trợ bù chéo giá nước đô thị và nông thôn để địa phương triển khai được hiệu quả và doanh nghiệp được hưởng ưu đãi”, ông Khôi chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sơn Tùng, Phó giám đốc Trung tâm Quốc gia Nước sạch & Vệ sinh Môi trường Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện còn sự khác biệt giữa cấp nước đô thị và cấp nước nông thôn.
Do đó Luật Cấp, thoát nước nên có những quy định bao trùm các khu vực dân cư lớn, khu dân cư nông thôn, nhằm giải quyết bài toán hiện tượng manh mún, nhỏ lẻ về cấp, thoát nước ở nhiều khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, cần có quy định về chính sách hỗ trợ giá, bù giá với khu vực đặc thù là nông thôn…