Góp ý một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu đề nghị, cần định nghĩa rõ ràng về “khu vực nội thành, nội thị"...
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 25/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội - Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện gồm 06 Chương và 65 Điều; bỏ 02 Điều và bổ sung 02 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Tham gia góp ý một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tán thành với các nội dung đã được giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đánh giá cao nội dung của Dự thảo Luật lần này đã tích hợp, giảm số lượng các loại quy hoạch, đơn giản hóa thủ tục lập phê duyệt, điều chỉnh các loại quy hoạch cũng như đẩy mạnh phân quyền cho các địa phương trong công tác lập và quản lý các loại quy hoạch.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung vào Điều 2 giải thích từ ngữ nội dung quy định khái niệm thế nào là “khu vực nội thành, nội thị”. Bởi theo đại biểu, chúng ta cần nhận thức rõ vai trò của nội thành, nội thị, đây không đơn thuần là khu vực nằm bên trong ranh giới của đô thị mà cần được định nghĩa là khu vực trung tâm, lõi của đô thị, có sự tập trung cao về dân cư, dịch vụ, hoạt động kinh tế và hạ tầng đô thị, là không gian có tính liên kết cao.
“Việc xác định khu vực nội thành, nội thị có tính liên kết cao sẽ giúp cho việc quy hoạch được thực hiện một cách toàn diện, thống nhất, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, có sự liên thông đồng bộ, kết nối cao, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ và tăng cường diện tích cho người dân đô thị. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng phát triển kinh tế của kinh tế đô thị, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập và nhiều tác động tích cực khác”, đại biểu bày tỏ.
Đồng thời cho rằng, hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định một cách chính thức thế nào là khu vực nội thành, nội thị nên dẫn đến cả trong công tác quy hoạch đô thị và thực tiễn phát triển các đơn vị hành chính đô thị đang tồn tại thực trạng là có một số đô thị, chủ yếu là các thị xã và thành phố thuộc tỉnh đang duy trì các khu vực nội thành, nội thị tách biệt, thiếu tính kết nối.
Do đó, đại biểu đề nghị trong Dự thảo Luật này cần bổ sung định nghĩa rõ ràng về khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị. Bên cạnh đó bổ sung một số quy định về yêu cầu và nguyên tắc đối với việc quy hoạch khu vực nội thành, nội thị tại Điều 6, Điều 7 và yêu cầu về các tiêu chí quy hoạch về phân loại đô thị áp dụng đối với khu vực này tại Điều 20, Điều 21.
Theo đại biểu, điều này sẽ giúp hạn chế các bất cập hiện nay trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị, hạn chế lãng phí trong đầu tư nguồn lực phát triển, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của đô thị, và làm cơ sở cho việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp.
Tham gia đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cũng cho rằng, quy hoạch đô thị và nông thôn hiện còn thiếu đồng bộ, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được phát triển kinh tế, còn diễn ra ùn tắc giao thông.
Theo đại biểu, trong thời gian vừa qua, pháp luật về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị còn một số bất cập, chưa hoàn thiện, lỏng lẻo trong quản lý dẫn đến công tác quy hoạch, quản lý còn hạn chế. Cụ thể như quy hoạch thiếu đồng bộ, chưa gắn kết với các quy hoạch khác như là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng chất lượng đô thị hóa chưa cao, chủ yếu là phát triển theo chiều rộng, kết cấu chất lượng hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế; còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt, ô nhiễm ở các thành phố lớn, thiếu an toàn trong phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; thiếu không gian xanh, không gian ngầm và không gian sinh hoạt công cộng...
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị, nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết về cách thức quản lý, sử dụng các nguồn lực để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và đồng thời là không vi phạm những hành vi bị cấm trong Luật này...