Nghiên cứu - Trao đổi

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Cân nhắc đảm bảo tính đồng bộ

Gia Nguyễn 25/10/2024 04:30

Góp ý Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung một số nội dung để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất...

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước, tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.

du-thao-luat-quy-hoach-do-thi-nong-thon-24.2.1.2.jpg
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn gồm 06 Chương, 07 Mục, 66 Điều - Ảnh minh họa: ITN

Dự thảo Luật gồm 06 Chương, 07 Mục, 66 Điều quy định về các chính sách: Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; hoàn thiện quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; hoàn thiện các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy hoạch liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn, quyền được tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Bày tỏ sự thống nhất cao về nội dung Dự thảo Luật, tuy nhiên, không ít ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung một số vấn đề, nội dung để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Cụ thể, nhiều ý kiến cho hay, Dự thảo Luật chưa quy định về đối tượng áp dụng nên đề nghị bổ sung 01 Điều vào sau Điều 1 của Dự thảo Luật quy định về đối tượng áp dụng “Luật này áp dụng đối với cáccơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, quyết định,phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thônvà cáccơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan”;

du-thao-luat-quy-hoach-do-thi-nong-thon-24.2.1.1.jpg
Góp ý Dự thảo, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc một số nội dung để đảm bảo tính thống nhất - Ảnh minh họa: ITN

Bên cạnh đó, về nguyên tắc trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn (tại điểm b khoản 1 Điều 7 Dự thảo luật), các ý kiến đề nghị chỉnh sửa nội dung “Quy hoạch phân khu phải phù hợp với quy hoạch chung” bằng cụm từ “Quy hoạch phân khu phải cụ thể hoá các nội dung tại quy hoạch chung”, vì quy hoạch cấp thấp hơn phải cụ thể hoá các định hướng của quy hoạch cấp cao hơn, mặt khác cụm từ “phù hợp” là rất chung chung, không “cụ thể”;

Không chỉ có vậy, nội dung quy định tại Điều 8 Dự thảo Luật về việc bảo đảm sự phù hợp, tuân thủ của dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị, nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn, các ý kiến cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định rõ nghĩa hơn và đảm bảo tính thống nhất về diễn giải ngôn từ giữa tiêu đề và nội dung Điều 8 để không gây ra khó hiểu trong thực hiện Luật sau này;…

Liên quan đến nội dung Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, trước đó, tại Hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách lần thứ 6 Quốc hội khoá XV, nhiều đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét nhiều nội dung để đảm bảo tính thống nhất.

Quan tâm nội dung lấy ý kiến về quy hoạch đô thị và nông thôn được quy định tại Mục 6 Dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh nhận xét, toàn bộ mục này sử dụng rất phổ biến cụm từ “cộng đồng dân cư có liên quan”.

Đại biểu đặt vấn đề, đối với quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương thì có lấy ý kiến toàn bộ dân cư sống tại thành phố đó không? Nếu lấy ý kiến dân cư của cả thành phố thì cụm từ “cộng đồng dân cư” là chưa phù hợp, bởi cụm từ này thường để chỉ một cụm dân cư có quy mô nhỏ, tập trung tại một khu vực trong lãnh thổ có tính chất quần cư cao”.

Do đó, đại biểu đề nghị cần phải quy định cụ thể trong luật phạm vi của “cộng đồng dân cư có liên quan”, làm rõ nội hàm, giải thích rõ ràng về khái niệm này, đảm bảo việc lấy ý kiến được thực hiện một cách thống nhất.

Trong khi đó, tham gia ý kiến về quy hoạch chung huyện quy định tại Điều 27, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, khoản 5 Điều 27 Dự thảo Luật quy định “Quy hoạch chung huyện được phê duyệt là cơ sở để xác định, lập dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khung”.

Quy định như Dự thảo là chưa rõ và thiếu đồng bộ với các quy định của tại khoản 2 của Điều 27. Việc xây dựng quy hoạch chung của huyện còn làm cơ sở để xây dựng quy hoạch chung của xã, quy hoạch chung thị trấn và đô thị mới dự kiến trở thành thị trấn…

Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần bổ sung vào quy định tại khoản 5 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, cụ thể khoản này cần sửa theo hướng: “Quy hoạch chung huyện được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch chung xã, quy hoạch chung thị trấn và đô thị mới dự kiến trở thành thị trấn, quy hoạch phân khu các khu chức năng trong huyện, và lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật khung cấp huyện”.

Được biết, Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn sẽ được Quốc hội đưa ra xem xét, thảo luận tại phiên họp ngày 25/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Cân nhắc đảm bảo tính đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO