Nhiều chuyên gia cho rằng, dòng tiền thường có xu hướng chảy mạnh trở lại vào các ngân hàng dịp sau Tết. Từ đó có thể kỳ vọng làn sóng giảm lãi suất huy động sẽ diễn ra mạnh hơn.
Kẻ tăng, người giảm lãi suất huy động
Đầu tháng 2 đã có thêm một số ngân hàng giảm lãi suất huy động. Cụ thể, VietinBank giảm lãi suất huy động ở kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng 0,3%/năm xuống còn tương ứng là 5,5%/năm và 6,8%/năm, nhưng lại tăng nhẹ 0,1%/năm ở kỳ hạn 24 tháng lên mức 6,8%/năm. Tương tự, ACB cũng giảm nhẹ lãi suất huy động VND ở kỳ hạn 1 tháng xuống 5,1%/năm (giảm 0,1%/năm), trong khi tăng nhẹ ở kỳ hạn 3 tháng lên 5,4%/năm (tăng 0,1%/năm).
Có thể bạn quan tâm
05:01, 02/02/2019
11:01, 17/01/2019
11:30, 14/01/2019
05:13, 12/01/2019
Trước đó, cuối tháng 1, cũng đã có một số nhà băng giảm lãi suất huy động. Đơn cử BIDV đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn 5 tháng từ 5,5%/năm xuống còn 5,2%/năm, trong khi các kỳ hạn khác vẫn được giữ nguyên. Mạnh tay nhất là VPBank khi ngân hàng này giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng đến 15 tháng khoảng 0,2 – 0,4%/năm.
Tuy nhiên, hiện tượng giảm lãi suất chỉ xuất hiện lác đác ở một vài nhà băng, mức giảm cũng không lớn và cũng chỉ giảm ở một vài kỳ hạn cụ thể. Trong khi ngay ngày làm việc đầu tiên của năm mới Kỷ Hợi, Techcombank đã tăng mạnh lãi suất huy động. Theo đó, Techcombank đã nâng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng lên 6,3%/năm từ mức 6% trước đó; lãi suất huy động các kỳ hạn từ 7 tháng đến 11 tháng cũng được tăng thêm 0,2%/năm lên 6 - 6,1%/năm. Các kỳ hạn khác tăng nhẹ hơn, mức tăng là 0,1 điểm phần trăm…
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động hiện vẫn được neo ở mức khá cao. Theo đó, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng vẫn được neo kịch trần 5,5%/năm; kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 7,6%/năm; 9 tháng là 7,9%/năm; 12 tháng là 8,1%/năm; 15 tháng là 8,3%/năm; 18 tháng là 8,5%/năm và từ 24 tháng trở lên là 8,6%/năm.
Một chuyên gia ngân hàng cho biết, động thái giảm lãi suất huy động tại một số nhà băng chủ yếu là để cơ cấu lại nguồn vốn, nhưng nó cũng báo hiệu thanh khoản của các ngân hàng dồi dào hơn.
Thế nhưng, hiện đây mới chỉ là tuần làm việc đầu tiên và theo phản ánh của một số lãnh đạo ngân hàng, xu hướng trên vẫn chưa xuất hiện rõ nét.
Lãi suất cho vay “dậm chân tại chỗ”
Mặc dù vậy, việc một số ngân hàng giảm lãi suất huy động cũng nhen lên kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm theo, nhất là khi các nhà băng vừa có một năm kinh doanh đầy thành công với con số lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng.
Kỳ vọng càng thêm lớn khi mà ngay ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện, trong đó yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, tập trung tín dụng cho sản xuất, kinh doanh; phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên…
Tuy nhiên, sau động thái giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên của các NHTM Nhà nước lớn hồi đầu tháng 1, đến nay vẫn chưa thấy có ngân hàng nào trong nhóm cổ phần tham gia vào xu thế này. Nhìn chung mặt bằng lãi suất cho vay vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Theo vị chuyên gia ngân hàng nói trên, động thái giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng lớn đang đẩy các nhà băng nhỏ vào thế khó. Bởi nếu không giảm lãi suất cho vay, nguy cơ mất khách hàng là rất lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đang được neo ở mức khá cao như hiện nay, nếu giảm lãi suất cho vay, các nhà băng có thể phải đối mặt với thua lỗ.
“Muốn giảm lãi suất cho vay, thì mặt bằng lãi suất huy động cần phải giảm mạnh hơn nữa. Trong khi hiện lãi suất huy động chỉ mới giảm ở một số kỳ hạn tại một số ngân hàng là chưa đủ để ảnh hưởng đến lãi suất cho vay”, vị này phân tích.
Về mặt bằng lãi suất năm 2019, hiện đang có 2 luồng ý kiến. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, áp lực lên lãi suất năm nay là không lớn do lạm phát được dự báo sẽ yếu hơn khi mà giá của nhiều loại hàng hóa cơ bản, đặc biệt là dầu thô sẽ giảm cùng với sự chậm lại của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kinh tế Trung Quốc. Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá trong nước cũng sẽ nhẹ hơn do đồng USD trên thị trường thế giới được dự báo sẽ điều chỉnh giảm trở lại khi Fed có thể chậm lại tiến trình tăng lãi suất và tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng chậm lại.
Tuy nhiên, luồng ý kiến thứ hai vẫn tỏ ra thận trọng khi cho rằng, áp lực lên tỷ giá, lãi suất năm nay vẫn rất lớn, giữ được ổn định mặt bằng lãi suất trong năm nay đã là thành công.