Chuyển động

Lan toả chuyển đổi mô hình khu công nghiệp sinh thái

Thu Hà 25/08/2024 01:05

Hiện một số KCN ở Hải Dương và TP Hải Phòng đang tích cực chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái từng bước hướng đến sự phát triển bền vững.

Theo đó, quá trình chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình sinh thái khu công nghiệp (KCN) An Phát (Hải Dương), KCN Nam Cầu Kiền và Deep-C (Hải Phòng) đã tạo ra hiệu quả vượt trội cho chuỗi kinh tế tuần hoàn. Những mô hình này đang tạo sức cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời, là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi xanh.

Theo ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec - chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, tại KCN Nam Cầu Kiền đã có hơn 1 triệu cây xanh được trồng, chiếm đến 33% diện tích đất KCN. Hệ thống quan trắc nguồn thải tự động, liên tục, truyền dẫn thông tin về Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hải Phòng 24/24 giờ các ngày trong tuần. "Đặc biệt, 25% lượng nước thải trong KCN sau xử lý được tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường, giảm lượng xả ra ngoài môi trường, tiết kiệm được 6 tỉ đồng chi phí mua nước sạch mỗi năm".

Bên cạnh đó, KCN Nam Cầu Kiền còn 65% hệ sinh thái trong khu công nghiệp được phục hồi sau khi mô hình sinh thái đang được từng bước áp dụng tại Nam Cầu Kiền. Mô hình chuyển đổi này đang được Shinec nhân rộng trên cả nước, với tổng quy mô quỹ đất lên đến 3.500 ha.

namcaukien-chu-ky-thue-dat-khu-cong-nghiep-la-gi-01 (2) (1)
KCN Nam Cầu Kiền còn 65% hệ sinh thái trong khu công nghiệp được phục hồi sau khi mô hình sinh thái đang được từng bước áp dụng tại Nam Cầu Kiền.

Hiện khu công nghiệp Nam Cầu Kiền có 3 chuỗi cộng sinh theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Gồm ngành luyện kim-cơ khí; nhựa và các sản phẩm từ nhựa; phụ trợ điện-điện tử. Nhờ có hoạt động kết nối doanh nghiệp cộng sinh này mà các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã thuận lợi trong tìm kiếm nguyên liệu đầu vào và trị trường cho sản phẩm đầu ra.

Theo bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc chuyển đổi sang KCN sinh thái trong khuôn khổ các dự án hợp tác quốc tế thời gian qua có ý nghĩa lan tỏa, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững cho nhiều địa phương, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN tại Việt Nam. "Điển hình như KCN Nam Cầu Kiền của Công ty CP Shinec. KCN hiện đang phát triển theo hướng KCN sinh thái thông minh, thực hiện tốt các hoạt động kinh tế tuần hoàn".

Tại KCN An Phát tỉnh Hải Dương, ông Phạm Văn Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings cho biết, An Phát đang phát triển 2 dự án là KCN An Phát Complex và An Phát 1 theo hướng KCN sinh thái, thân thiện môi trường. "Đây không chỉ là yếu tố giúp các KCN thu hút vốn đầu tư FDI "xanh" đang đổ mạnh về Việt Nam, mà còn đóng góp tích vực vào quá trình hiện thực hóa cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050".

Theo ông Tuấn, khi đi vào khai thác thương mại, các KCN khuyến khích các doanh nghiệp đối tác của mình đi theo lộ trình sản xuất xanh và bền vững. Đặc biệt, ưu tiên các khách hàng thuộc các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo, không gây ô nhiễm môi trường.

Dù là vậy nhưng việc chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái đối với doanh nghiệp gặp không ít khó khăn thách thức, một số vấn đề như, hành lang pháp lý, nguồn vốn... là những trở ngại không nhỏ đối với các nhà đầu tư. Đặc biệt, để trở thành KCN sinh thái cần đáp ứng tiêu chí cộng sinh công nghiệp, nghĩa là các doanh nghiệp trong KCN sử dụng chung hạ tầng như điện, hệ thống xử lý nước thải…; chất thải của doanh nghiệp này lại là đầu vào nguyên liệu, là năng lượng cho doanh nghiệp khác.

9859-1666341983-kcn-quoc-tuan-an-binh (2)
An Phát đang phát triển 2 dự án là KCN An Phát Complex và An Phát 1 theo hướng KCN sinh thái, thân thiện môi trường.

Theo ông Bùi Ngọc Hải, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, chi phí đầu tư cho phát triển KCN sinh thái khá lớn nhưng việc tiếp cận các nguồn vốn còn khó khăn.

Trước đó, tại Hội thảo tổng kết Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu”, do Bộ KH&ĐT và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) phối hợp tổ chức.

Ông Lê Thành Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu" được phê duyệt và triển khai thực hiện từ tháng 5/2020 đến nay với nhiều hoạt động liên quan thực hiện tại Bộ KH&ĐT và các địa phương, trong đó tập trung thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp (KCN) tại các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai và Cần Thơ.

Đến nay, Dự án đã hỗ trợ được 90 doanh nghiệp với 663 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) tại 3 KCN Hiệp Phước (TP. HCM), Amata (Đồng Nai) và Đình Vũ (Hải Phòng), trong đó 217 giải pháp đã được thực hiện góp phần tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, giảm phát thải CO2 và đem lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lan toả chuyển đổi mô hình khu công nghiệp sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO