Những con số giảm lỗ hàng chục, hàng trăm tỷ đồng cho thấy các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đã và đang rất nỗ lực vực dậy, dù khó khăn vẫn chồng chất.
Đó là tín hiệu cho thấy bức tranh sản xuất phân bón của Việt Nam đang khởi sắc hơn, và chúng ta có niềm tin hơn vào việc chủ động nguồn phân bón trong nước.
Vừa ra đã hết hàng
Trong bối cảnh thua lỗ nhiều năm liền, bắt đầu từ quý I/2018, 4 nhà máy sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã nỗ lực giảm lỗ so với cùng kỳ bằng nhiều biện pháp: cơ cấu lại sản xuất, tiết giảm chi phí sản xuất tối đa. Đạm Ninh Bình giảm lỗ 8 tỷ đồng, Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc giảm lỗ 88,75 tỷ đồng, DAP – Vinachem giảm lỗ 53,501 tỷ đồng; DAP số 2 – Vinachem giảm lỗ 183,0 tỷ đồng.Con số trên đã cho thấy một nỗ lực không ngừng và tín hiệu khả quan cho ngành phân bón Việt Nam. Trong báo cáo mới đây nhất của Vinachem về tình hình và kết quả thực hiện các nội dung chỉ đạo của Chính phủ về 4 Dự án thuộc Tập đoàn quý I năm 2018 cho thấy: kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của cả 04 đơn vị đều tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu và đặc biệt giảm lỗ đáng kể so với cùng kỳ.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình giảm lỗ 8 tỷ đồng so với quý I năm 2017. Công ty đã tổ chức chạy lại máy thành công và bám sát phương án SXKD đã báo cáo Tập đoàn và Ban Chỉ đạo Chính phủ. Thời gian chạy máy trong Quý I là 57 ngày, phụ tải trung bình hệ thống đối với sản xuất NH3 đạt khoảng 78%, sản xuất ure đạt khoảng 75%. Tình hình tiêu thụ Quý I của Công ty có nhiều thuận lợi do đúng mùa vụ, sản phẩm sản xuất ra được tiêu thụ ngay, lượng tồn kho không có, giá bán sản phẩm tăng. Tuy nhiên, Đạm Ninh Bình cũng vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là việc thiếu nguồn vốn lưu động; Tập đoàn Than Khoáng sản không bán than chậm trả mà phải thanh toán ngay khi nhận hàng dẫn đến sản xuất không ổn định gây lo ngại cho khách hàng khi ký hợp đồng mua sản phẩm.
Trước những khó khăn chung, dù là một thương hiệu lớn đã được định danh nhưng Đạm Phú Mỹ vẫn luôn tìm tòi, sáng tạo xây dựng những chiến lược phát triển theo từng thời điểm, đồng thời lựa chọn cho mình hướng đi hiệu quả nhất. Đây chính là điều quan trọng mang đến sự thành công trong nhiều năm qua cũng như trong tương lai của Đạm Phú Mỹ.
Nhu cầu sử dụng phân bón ở Việt Nam hiện nay khoảng 11 triệu tấn các loại. Tính trên đơn vị diện tích thì lượng phân bón sử dụng trung bình mỗi năm là 1.000 kg/ha đất sản xuất nông nghiệp, với hiệu quả sử dụng phân bón chỉ đạt 45-50%.
Với phương châm “Chất lượng là ưu tiên số 1”, sản phẩm phân bón Phú Mỹ đã có vị thế chắc chắn trên thị trường phân bón Việt Nam. Không chủ quan, với những nỗ lực không ngừng trên mặt trận khẳng định thương hiệu, vừa qua, sản phẩm phân bón Phú Mỹ được Bộ Nông lâm thủy sản Nhật Bản cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng của Nhật Bản. Thêm nữa, sản phẩm Phân bón Phú Mỹ của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí đã chính thức được Bộ Nông lâm thủy sản Nhật Bản cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng của Nhật Bản.
Điều này thêm một lần nữa khẳng định chất lượng của các sản phẩm của PVFCCo không chỉ đáp ứng được các tiêu chuẩn trong nước mà còn vượt qua được các yêu cầu khắt khe về chất lượng cũng như sự thân thiện với môi trường của các nước có nền nông nghiệp sạch, hiện đại, đòi hỏi cao về chất lượng phân bón như Nhật Bản. Đây cũng là một tiền đề quan trọng để PVFCCo tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” trên thế giới.
Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cũng có nhiều tín hiệu tốt: doanh thu Quý I/2018 đạt 687,34 tỷ đồng, tăng 192,25 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, do lượng tiêu thụ tăng làm tăng doanh thu là 173,15 tỷ đồng, giá bán tăng (chủ yếu là giá NH3 tăng 820 đồng/kg) làm doanh thu tăng 19,1 tỷ đồng.
Riêng Đạm Cà Mau liên tục mang đến sản phẩm chất lượng cho thị trường phân bón Việt Nam. Kali Cà Mau là sản phẩm mới toanh trên thị trường và đang được tiêu thụ mạnh. Tương tự, đạm xanh Cà Mau cũng được khách hàng ưa chuộng bởi hiệu quả vượt trội cho cây trồng. Ngay sau khi ký kết hợp đồng phân phối sản phẩm Kali của tập đoàn ICL tại thị trường Việt Nam vào tháng 12/2017, Đạm Cà Mau đã đẩy mạnh công tác nhập khẩu 30.000 tấn Kali cho vụ hè thu 2018. Hiện nay, tàu vận chuyển 30 nghìn tấn Kali Cà Mau thứ 2 đã cập cảng Khánh Hội (TP HCM).
Áp lực “hàng ngoại” và ô nhiễm môi trường
Lượng phân bón nhập khẩu giá rẻ, nhất là từ Trung Quốc, vẫn đang tiếp tục đà tăng mạnh. Đây là nỗi quan ngại lớn của các doanh nghiệp phân bón nội địa khi phải “yếm thế” ngay trên sân nhà. Câu chuyện Đạm Ninh Bình không chỉ phản ảnh những bất cập trong vấn đề đầu tư, mà còn cho thấy những khó khăn lớn của DN phân bón nội địa hiện nay trên thị trường phân bón trước áp lực từ phân bón ngoại nhập.
Giới chuyên gia lý giải rằng nhà máy Đạm Ninh Bình sản xuất urê thuộc Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam (Vinachem) sử dụng nguyên liệu đầu vào là than đá. Thế nhưng, thời gian qua, giá than đá biến động mạnh làm cho giá thành sản xuất của nhà máy này tăng theo. Chính điều này làm giảm tính cạnh tranh so với urê nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, công suất thiết kế các nhà máy đạm trong nước đã lớn hơn nhu cầu tiêu thụ (nhất là các nhà máy như Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ luôn duy trì công suất thực tế vượt công suất thiết kế), nhưng thống kê cho thấy tháng 4/2018 nhập khẩu phân bón tăng cả ở lượng và trị giá – đây là tháng tăng thứ hai liên tiếp. Về sản xuất trong tháng lượng phân Ure giảm nhưng NPK tăng so với tháng trước. Số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ cho biết, tháng 4/2018 Việt Nam đã nhập khẩu 489,1 nghìn tấn phân bón các loại, trị giá 144,6 triệu USD, tăng 17,8% về lượng và 22,6% về trị giá so với tháng 3/2018 – đây là tháng tăng thứ hai liên tiếp, nâng lượng phân bón nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2018 lên 1,4 triệu tấn đạt 405,9 triệu USD giảm 9,5% về lượng và giảm 4,5% về trị giá. Giá nhập bình quân 284,3 USD/tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ 2017. Điều đó càng làm tăng thêm sự cạnh tranh gay gắt giữa các DN nội địa trên mảng thị trường phân đạm. Nhu cầu cao là vậy, thế nhưng các DN phân bón nội địa, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, đã không đáp ứng được nhu cầu, giá cả thiếu cạnh tranh và nhường thị phần cho phân bón ngoại.
Theo phân tích của công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, khó khăn của ngành phân bón nội địa là chịu ảnh hưởng bất lợi từ Trung Quốc. Các nhà máy ở Trung Quốc duy trì việc cắt giảm 50% sản lượng từ đầu năm 2017 dù thuế xuất khẩu phân bón của nước này đã được giảm từ cuối 2016, gây tác động đáng kể lên giá và nguồn cung cho Việt Nam.
Sản lượng phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc thường chiếm tỷ trọng cao (hơn 40%) và giá phân bón Trung Quốc thường thấp hơn giá ở Việt Nam 10-15%. Ngoài áp lực từ phân bón nhập khẩu, thì việc mất cân đối giữa việc sử dụng phân bón vô cơ và hữu cơ đang gây nhiều hệ lụy đến hệ sinh thái nông nghiệp cũng như chất lượng nông sản. Theo các số liệu của FAO, việc lạm dụng phân bón vô cơ đã dẫn đến hiện tượng đất nông nghiệp đang suy giảm độ phì nhiêu, một số diện tích đã bị thoái hóa nghiêm trọng do xói mòn, rửa trôi, chua mặn hóa… Đồng thời, việc lạm dụng phân bón vô cơ cũng dẫn tới nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm như dư lượng kim loại nặng và nitrat trong sản phẩm nông nghiệp.
Nhận thấy vấn đề này, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau đã phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới như N.Humate+TE trên cơ sở nên tảng công nghệ hiện đại, đạm hạt đục một phần sẽ được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào sản xuất nhiều sản phẩm mới có giá trị gia tăng... vừa mang lại giá trị kinh tế cao, vừa thân thiện với môi trường.