Lạng Sơn được mệnh danh là “hòn ngọc phía Bắc của Tổ quốc”, điểm đầu của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn -Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Đồng thời, là cửa ngõ của các nước ASEAN với thị trường phía Nam Trung Quốc trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc.
Tỉnh có tiềm năng lớn về du lịch, thương mại, đặc biệt là thương mại vùng biên; vị trí địa lí thuận lợi để phát triển kinh tế khi nằm trong hành lang kinh tế xuyên Á, giáp Trung Quốc - nền kinh tế năng động, cách Hà Nội chỉ hơn 2 giờ di chuyển.
Trong thời gian qua, để khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo sự bứt phá, Lạng Sơn đã đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế vùng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái bền vững; chuyển đổi cơ cấu năng lượng theo hướng xanh, tận dụng năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng, tài nguyên thiên nhiên.
Đồng thời, phát triển các ngành phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng và của tỉnh; đồng thời huy động tối ưu nguồn lực trong nước, khai thác hiệu quả nguồn lực ngoài thông qua thu hút đầu tư nước ngoài.
Đa dạng phương thức xúc tiến đầu tư
Để xúc tiến, thu hút đầu tư thiết thực, hiệu quả, khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư toàn xã hội, UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai thu hút đầu tư; tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục qua mạng điện tử; tập huấn doanh nghiệp kỹ năng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, tiếp cận thị trường. Đồng thời, triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Tỉnh tập trung cải cách hành chính, rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp, quyết định chủ trương đầu tư; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa quản lý nhà nước; nâng cao chất lượng dịch vụ công, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo động lực thu hút đầu tư.
Ông Hoàng Xuân Thuận - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh cho biết, Trong năm 2024, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh đã thực hiện chuẩn hóa các tài liệu; xây dựng, chỉnh lý các ấn phẩm quảng bá phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư. Phát hành 2.000 cuốn tài liệu song ngữ (Anh-Việt, Trung-Việt) “Lạng Sơn - tiềm năng và cơ hội đầu tư” và “Danh mục các dự án ưu tiên”; sản xuất 2 clip quảng bá tổng quan về tỉnh và môi trường đầu tư; phối hợp với báo chí giới thiệu hình ảnh địa phương.
Trung tâm còn tích cực tiếp cận các nhà đầu tư Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc… Năm 2024, HĐND tỉnh tổ chức đoàn công tác sang Quảng Tây, UBND tỉnh tham gia triển lãm tại Chiết Giang (Trung Quốc) để quảng bá tiềm năng đầu tư, giới thiệu chính sách ưu đãi đến các doanh nghiệp Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tổ chức hội đàm, ký kết các hoạt động hợp tác như: Công bố mở lối thông quan Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, khôi phục thông quan tại cửa khẩu Bình Nghi - Bình Nhi Quan; tổ chức các hoạt động giao lưu trong Tuần lễ du lịch biên quan Bằng Tường (Quảng Tây); làm việc với đại diện một số Đại sứ quán, cơ quan quốc tế tại Việt Nam; Đón tiếp và làm việc với các nhà đầu tư trong nước đến khảo sát đầu tư, nổi bật có: Công ty CP Đầu tư phát triển Lạc Hồng Phúc, Tập đoàn SOVICO, Tập đoàn T&T…
Nhờ đó, năm 2024, thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả nổi bật: Thành lập mới 1.200 doanh nghiệp (đạt 200% kế hoạch, tăng 57,5% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký 9.620 tỷ đồng (tăng 58%); lũy kế toàn tỉnh có 5.208 doanh nghiệp, tổng vốn 59.804 tỷ đồng.
Cấp mới chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư 13 dự án tổng vốn đầu tư 6.192,2 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư 32 dự án, số vốn tăng thêm 612,5 tỷ đồng. Trong đó, đã thu hút được các dự án lớn thuộc hạ tầng công nghiệp, năng lượng, chăn nuôi đã được thu hút, có tác động lan tỏa.
Tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư
Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn tập trung cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với xu thế hội nhập. Tỉnh thay đổi cách tiếp cận, tổ chức xúc tiến đầu tư, xây dựng chính sách thu hút và ưu đãi hợp lý để thúc đẩy dòng vốn khu vực tư nhân.
UBND tỉnh tổ chức nhiều buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã; tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại để nắm bắt, giải đáp kịp thời khó khăn của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Trong năm 2024, các sở, ngành, UBND cấp huyện đã giải quyết khoảng 400 kiến nghị về đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế… Đồng thời, tỉnh tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm hợp tác xã, ký 06 bản ghi nhớ hợp tác giữa hợp tác xã và doanh nghiệp.
Cùng với đó, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND ngày 30/5/2024 về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2024-2030, gồm: hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp, hỗ trợ giá thuê mặt bằng tại KCN, hỗ trợ tham gia sàn thương mại điện tử.
Ngoài ra, hoạt động đào tạo nâng cao năng lực xúc tiến đầu tư và tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai kịp thời, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tổ chức các hội nghị tập huấn về chính sách thuế, kế toán, tài chính và luật đấu thầu; lớp đào tạo khởi sự kinh doanh, lớp đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp…
Hiện nay, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn tiếp tục chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư và tổ chức các hội nghị, diễn đàn để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thu hút, kêu gọi và hỗ trợ các nhà đầu tư lập dự án. Chủ động đồng hành, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tư vấn, hỗ trợ, định hướng tháo gỡ khó khăn trong quá trình tìm hiểu thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.
Theo lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, tỉnh tiếp tục tăng cường hoạt động của Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã giao các cơ quan chuyên môn xử lý giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho các dự án, đặc biệt đối với công tác giải phóng mặt bằng đã được chỉ đạo giải quyết tại các cuộc họp chuyên đề hàng tháng, nhất là đối với các dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo Nghị quyết số 135-NQ/TU ngày 09/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn: Giai đoạn 2023-2030, tỉnh ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có năng lực thực tế, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, đô thị xanh gắn với phát triển du lịch bền vững. Mỗi năm thu hút 3-5 dự án quy mô từ 500 tỷ đồng trở lên.