Theo kết quả PCI 2024, Lạng Sơn đạt 69,01 điểm, xếp thứ 16 trong Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất.
Sáng 6/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024.
Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Báo cáo PCI) năm 2024 đánh dấu chặng đường 20 năm Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nỗ lực thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Từ năm 2005, VCCI đã kiên trì thực hiện các khảo sát doanh nghiệp thường niên về môi trường kinh doanh, từ đó thu thập, tổng hợp và công bố rộng rãi các dữ liệu và báo cáo hàng năm qua đó phản ánh chân thực ý kiến của doanh nghiệp tới chính quyền các cấp.
Báo cáo PCI năm 2024 cho thấy, số lượng doanh nghiệp trả lời là 10.821, bao gồm 9.267 doanh nghiệp tư nhân trong nước và 1.554 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong suốt 20 năm qua, PCI không chỉ giúp nâng cao chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương mà còn chỉ ra những khó khăn mới của doanh nghiệp, những điểm cần được quan tâm hơn, từ đó tạo động lực thúc đẩy sự thay đổi trong xây dựng chính sách, pháp luật và cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo kết quả PCI 2024, tỉnh Lạng Sơn đạt 69,01 điểm, xếp thứ 16 trong Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất. Trong 10 Chỉ số thành phần, tỉnh Lạng Sơn 04 Chỉ số tăng điểm so với năm 2023 gồm: Gia nhập thị trường (tăng 0,68 điểm), Tính minh bạch (tăng 1,9 điểm), Chi phí không chính thức (tăng 0,25 điểm), Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 0,49 điểm).
Theo ông Đoàn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, trong thời gian qua, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực, cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp bằng văn bản.
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh thực hiện việc xây dựng chính quyền minh bạch, liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số toàn diện, sâu rộng trên các lĩnh vực để tạo không gian thuận lợi, công khai, minh bạch cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Đặc biệt, hiện nay 4 Tổ công tác đặc biệt tỉnh Lạng Sơn đang quyết liệt chỉ đạo các dự án đầu tư xây dựng, đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư trên địa bàn. Việc phát huy hiệu quả 4 Tổ công tác đặc biệt tỉnh Lạng Sơn sẽ góp phần tạo thuậ lợi hơn cho các dự án đầu tư vào địa bàn, góp phần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương trong thời gian tới.