VCCI

PCI 2024: 9 xu hướng điều hành kinh tế cấp tỉnh

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Kiên Giang 06/05/2025 12:25

Báo cáo PCI 2024 ghi nhận 9 xu hướng đáng chú ý về chất lượng điều hành cấp tỉnh bao gồm cả những chuyển biến tích cực và những khoảng trống đang hiện hữu.

Phát biểu tại Lễ công bố PCI 2024, ông Đậu Anh, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, PCI là công cụ phản ánh trung thực trải nghiệm của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế tại các địa phương. Đồng thời, kết quả PCI giúp so sánh giữa các tỉnh, thành phố, tạo động lực thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh một cách thực chất và liên tục.

4m8a3562(1).jpg
Ông Đậu Anh, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra 9 xu hướng nổi bật trong điều hành cấp tỉnh năm 2024

Qua đó, ông Tuấn đã chỉ ra 9 xu hướng nổi bật trong điều hành cấp tỉnh năm 2024, đồng thời gửi gắm thông điệp cải cách mạnh mẽ hơn đến chính quyền các tỉnh, thành trên cả nước.

Theo ông Tuấn, xu hướng tích cực đầu tiên được ghi nhận trong năm nay là chất lượng lao động tại nhiều địa phương đã có những chuyển biến rõ nét.

“Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tốt về giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp lần lượt đạt 68% và 63%, tăng đáng kể so với năm 2023. Đặc biệt, đã có 54% doanh nghiệp cho biết lực lượng lao động địa phương đáp ứng hoàn toàn hoặc phần lớn nhu cầu tuyển dụng của họ – con số này cao hơn nhiều so với mức 47% của năm ngoái”, ông Tuấn chia sẻ

Ngoài ra, quá trình tuyển dụng cũng trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt ở ba nhóm vị trí quan trọng là lao động phổ thông, cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý, giám sát. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp thuận lợi trong tuyển dụng lao động phổ thông đạt 63%, cán bộ kỹ thuật 37%, cán bộ quản lý, giám sát là 30%. Những con số này cho thấy sự chuyển biến tích cực trên thị trường lao động địa phương.

Xu hướng thứ hai được ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh là sự cải thiện rõ rệt trong tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin quy hoạch, pháp lý tại địa phương. Điểm trung vị mức độ dễ dàng trong tiếp cập tài liệu quy hoạch và tài liệu pháp lý năm 2024 cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng phải có mối quan hệ để tiếp cận tài liệu của tỉnh đã giảm còn 31%, trong khi con số này là 61% vào năm 2021. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2006.

Xu hướng thứ 3 là việc gia nhập thị trường đang trở nên thuận lợi hơn, nhất là trong thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Theo ông Tuấn, 93% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ nhận thấy thủ tục minh bạch, 91% nhận được hướng dẫn đầy đủ, và 86% hài lòng với thái độ, chuyên môn của cán bộ tiếp nhận. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, việc cấp phép kinh doanh có điều kiện vẫn là điểm yếu khi chưa đến một nửa số doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng trong lĩnh vực này.

Năm 2024 cũng là lần cuối cùng PCI được công bố với đầy đủ 63 tỉnh, thành phố, trước khi quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh được triển khai vào cuối năm nay
Các khách mời tham dự Lễ công bố PCI 2024

Chia sẻ về xu hướng thứ 4, Phó Tổng Thư ký VCCI cho biết, trong bối cảnh nhiều yếu tố điều hành có biến động, thì thiết chế pháp lý và môi trường an ninh trật tự tại các địa phương tiếp tục được doanh nghiệp đánh giá cao, giữ vai trò như một “điểm tựa ổn định” trong cải cách. 91% doanh nghiệp tin tưởng vào khả năng bảo vệ của pháp luật đối với các vấn đề như bản quyền và thực thi hợp đồng. Đây là mức ổn định trong suốt 4 năm qua, thể hiện niềm tin ngày càng vững chắc của doanh nghiệp. Không chỉ vậy, công tác xét xử của tòa án các cấp cũng nhận được sự đánh giá tích cực. Có đến 93% doanh nghiệp cho rằng tòa án xét xử đúng pháp luật, 88% cho biết các vụ việc kinh tế được giải quyết nhanh chóng và bản án, quyết định được thi hành kịp thời. Cùng với đó, 83% doanh nghiệp đánh giá tình hình an ninh trật tự tại địa phương là tốt – tỷ lệ cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, với xu hướng thứ 5, ông Đậu Anh Tuấn cũng thẳng thắn chỉ ra một thực tế đáng lo ngại đó là tính năng động và tiên phong của chính quyền cấp tỉnh – vốn là động lực thúc đẩy cải cách – đang có dấu hiệu chững lại.

Xu hướng 6 về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, đại diện VCCI cho rằng, mặc dù vẫn giữ được một số kết quả tích cực, nhưng nhìn chung đã có dấu hiệu chững lại so với các năm trước. Tỷ lệ doanh nghiệp phải dành trên 10% thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật tăng lên 24%, cao hơn mức 20% trong hai năm trước. Thời gian thực hiện thủ tục hành chính cũng có xu hướng kéo dài hơn, trong khi sự thuận tiện khi đi lại để hoàn tất thủ tục giảm nhẹ. Chỉ còn 79% doanh nghiệp cho biết không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục, giảm so với mức 82–83% trong các năm 2022–2023.

4m8a3582.jpg
Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng chất lượng giải quyết thủ tục hành chính đã có dấu hiệu chững lại so với các năm trước

“Một điểm sáng đáng chú ý là hiệu quả của thủ tục hành chính trực tuyến. 79% doanh nghiệp khẳng định họ không gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính online; 78% cho biết thủ tục trực tuyến giúp giảm chi phí, và 79% khẳng định tiết kiệm thời gian. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy chuyển đổi số đang phát huy hiệu quả trong cải cách hành chính công”, ông Tuấn đánh giá.

Xu hướng thứ 7 được ông Tuấn đánh giá là một trong những thách thức đáng lo ngại nhất trong PCI 2024. Cụ thể là khả năng tiếp cận đất đai của doanh nghiệp đang ngày càng trở nên khó khăn. Chỉ còn 33% doanh nghiệp cho biết không gặp khó khăn trong tiếp cận đất – con số này giảm mạnh so với mức 55% của năm 2021, 48% năm 2022 và 41% năm 2023. Không dừng lại ở đó, tỷ lệ doanh nghiệp hoàn tất thủ tục đất đai trong hai năm qua mà không gặp vướng mắc cũng chỉ còn 51%.

Xu hướng thứ 8 là chi phí không chính thức có dấu hiệu quay trở lại. Năm nay, 37% doanh nghiệp cho biết có chi chi phí không chính thức, tăng nhẹ so với 33% của năm 2023. Đặc biệt, các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp phải chi chi phí không chính thức cao bao gồm thanh tra – kiểm tra, thủ tục kinh doanh có điều kiện, thủ tục đất đai…

Tuy nhiên, Phó Tổng Thư ký VCCI cũng ghi nhận một điểm sáng trong bức tranh này, chỉ 2,3% doanh nghiệp cho biết chi phí không chính thức chiếm trên 10% doanh tiếp nối xu hướng giảm dần đều từ 2010. So với con số gần 13% vào năm 2006, gánh nặng chi phí không chính thức đã giảm đáng kể. Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp có tranh chấp nhưng không dám khởi kiện vì sợ “chạy án” cũng giảm mạnh, từ 53% năm ngoái xuống còn 44% năm nay.

Xu hướng cuối cùng được ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh đó là bức tranh tổng thể của PCI 2024 cho thấy xu hướng cải thiện liên tục về chất lượng điều hành ở cấp địa phương.

“Điểm trung vị của PCI thường niên năm nay đạt 67,67 điểm – mức cao nhất kể từ khi chúng tôi bắt đầu khảo sát gần 20 năm trước. PCI gốc năm 2024 đạt 68,18 điểm, tăng 1,6 điểm so với năm 2023”, ông Tuấn cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
PCI 2024: 9 xu hướng điều hành kinh tế cấp tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO