VCCI

PCI - Động lực cải thiện môi trường kinh doanh

Gia Nguyễn 06/05/2025 04:09

20 năm qua, PCI vẫn luôn được đón nhận, qua đó, đóng góp đáng kể vào việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Không chỉ giúp nâng cao chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng chỉ ra những khó khăn mới của doanh nghiệp, cùng những điểm cần được quan tâm hơn, từ đó tạo động lực thúc đẩy sự thay đổi trong xây dựng chính sách, pháp luật và cải thiện môi trường kinh doanh.

img_7582.jpg
20 năm qua, Chỉ số PCI vẫn luôn được đón nhận, qua đó, đóng góp đáng kể vào việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Kể từ năm 2005, với sự đồng hành của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bắt đầu công cuộc điều tra, nghiên cứu và công bố Chỉ số PCI thông qua các nghiên cứu, cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. 20 năm qua, Chỉ số này vẫn luôn được đón nhận, qua đó, đóng góp đáng kể vào việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Hôm nay, ngày 06/5/2025, tại Khách sạn InterContinental Hanoi Westlake, số 05 Từ Hoa, phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP Hà Nội, VCCI sẽ Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2024.

Những chuyển biến từ thực tế

Nhìn nhận về Chỉ số PCI thường niên, không ít ý kiến cho rằng, việc công bố PCI đã thể hiện một bước chuyển tư duy quan trọng tại Việt Nam, khi chính các doanh nghiệp - những người đang thụ hưởng các dịch vụ hành chính công có quyền và trách nhiệm đánh giá về chất lượng dịch vụ. Đồng thời, thông qua cảm nhận, phản ánh của hàng chục nghìn doanh nghiệp tư nhân, không chỉ giúp nâng cao chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương, mà còn góp phần tạo ra những bước chuyển trong xây dựng chính sách, pháp luật và cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Thực tế, báo cáo Chỉ số PCI được công bố trong tháng 5/2024 cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh có sự cải thiện theo thời gian. Đặc biệt, công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Cụ thể, trong các chỉ số thành phần của PCI, điểm số chỉ số thành phần hỗ trợ doanh nghiệp năm 2023 có sự cải thiện mạnh nhất so với kết qủa năm 2022.

Theo đó, hầu hết các chỉ tiêu đánh giá về công tác triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của năm 2023 đều có sự cải thiện so với năm 2022, dẫn đến điểm số trung bình của chỉ số thành phần này tăng 0,6 điểm, đạt 6,39 điểm.

Năm 2023, 73,3% doanh nghiệp cho biết thủ tục tư vấn tiếp cận vốn là dễ dàng (năm 2022 là 71,4%); 75% doanh nghiệp đánh giá thủ tục tiếp cận dịch vụ tư vấn hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị là dễ thực hiện (năm 2022 là 70%). Đáng chú ý, 44,6% doanh nghiệp đánh giá chất lượng cung cấp thông tin về FTA của cơ quan Nhà nước địa phương đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp (năm 2022 là 32,6%); 66,7% doanh nghiệp cho biết vướng mắc trong thực hiện các văn bản thực thi các FTA được cơ quan nhà nước, địa phương giải đáp hiệu quả (năm 2022 là 56,9%).

Thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn. Các doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận những chuyển biến tích cực trong việc giải quyết thủ tục hành chính trong đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể, các chỉ tiêu về tính minh bạch (94,1%), hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ (84,2%), cán bộ am hiểu chuyên môn (80%) và nhiệt tình, thân thiện (75,6%) đều cải thiện so với 2 năm trước đó.

Cùng với đó, năm 2023, khoảng 43,3% doanh nghiệp cho rằng, thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện được giải quyết đúng quy trình quy định (năm 2022 là 28,9%). Có 42,2% doanh nghiệp cho biết thời gian thực hiện thủ tục không kéo dài hơn so với quy định và 42,7% doanh nghiệp cho biết chi phí cấp phép kinh doanh có điều kiện không vượt quá mức phí, lệ phí quy định. Các con số này đã cải thiện hơn so với kết quả khảo sát năm 2022 (lần lượt ở mức 27,1% và 27,6%).

Không chỉ có vậy, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) cũng đạt nhiều kết quả tích cực, có thể thấy rõ trong cảm nhận của doanh nghiệp về chất lượng giải quyết TTHC nói chung, cũng như đối với phương thức giải quyết TTHC trực tuyến. Đó là cán bộ, công chức giải quyết công việc hiệu qủa và thân thiện (lần lượt là 87,9% và 87,2%), doanh nghiệp không cần phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục (82,5%), thủ tục giấy tờ đơn giản (82,4%), phí, lệ phí được niêm yết công khai (93,5%) và thời gian thực hiện TTHC được rút ngắn hơn so với quy định (86,8%).

Nền tảng thúc đẩy hành động

Bên cạnh đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương, thông qua các công bố Chỉ số PCI thường niên, những khó khăn, vướng mắc trong thực tế hoạt động của các doanh nghiệp cũng được ghi nhận và phản ánh. Từ đó, tạo nền tảng thúc đẩy công tác xây dựng chính sách, pháp luật và cải thiện môi trường kinh doanh.

Thực tế thời gian qua, vấn đề về chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật là điều mà lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ thường xuyên nhấn mạnh khi chỉ đạo, điều hành công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, đưa ra nhiều biện pháp tiếp tục được thực hiện để nâng cao công tác này.

Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) công bố ngày 22/4 vừa qua cũng chỉ rõ, hoạt động xây dựng pháp luật trong năm 2024 tiếp tục có nhiều chuyển biến theo hướng chặt chẽ hơn về quy trình, tăng cường thảo luận và lấy ý kiến nhiều vòng, nhiều lượt, nhiều đối tượng.

Một xu hướng phổ biến là sử dụng một luật để sửa nhiều luật. Năm 2024 là năm chứng kiến nhiều văn bản theo xu hướng này.

“Hiện nay, quy trình xây dựng chính sách ở Việt Nam đang diễn ra khá nhanh chóng, nhất là các văn bản nhằm hiện thực hóa các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đồng thời giải quyết nhanh nhất và kịp thời nhất các vướng mắc và bất cập của các chính sách hiện hành. Việc xây dựng chính sách một cách linh hoạt và nhanh nhạy giúp các cơ quan chức năng kịp thời tháo gỡ những nút thắt trong quá trình phát triển, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội”, Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh đánh giá.

Điển hình có thể kể đến Luật Đấu thầu 2023, dù được ban hành vào tháng 6/2023, có hiệu lực vào ngày 01/01/2024. Tuy nhiên, chưa đầy 01 năm sau, các quy định tại Luật này tiếp tục được sửa đổi trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024 có hiệu lực từ 15/01/2025. Các quy định sửa đổi, bổ sung khá quan trọng liên quan đến chỉ định thầu; lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; đấu thầu trước;…
Đồng thời, các văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu cũng có sự điều chỉnh, thay đổi, và trong các văn bản hướng dẫn này, nhiều quy định về quy trình thực hiện thủ tục đấu thầu cũng có sự điều chỉnh, sửa đổi theo hướng rút ngắn quy trình đấu thầu để đảm bảo phù hợp thực tế.

Hiện nay, Luật Đấu thầu lại tiếp tục được đề nghị điều chỉnh trong Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật: Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Luật này dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5/2025 tới đây.

Theo các chuyên gia, sự thay đổi, cải cách về thể chế nhanh chóng theo hướng thuận lợi hơn đã tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
PCI - Động lực cải thiện môi trường kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO