Lạng Sơn đề xuất phát triển hai cảng cạn

THY HẰNG 10/06/2022 08:55

Theo đó, lãnh đạo Lạng Sơn đề xuất bổ sung quy hoạch Cảng cạn Lạng Sơn quy mô hơn 75 ha tại vị trí Km 22 + 500/Quốc lộ 1 và Cảng cạn tại xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng quy mô 15ha.

>>>Sân bay Vân Đồn đề xuất “chia sẻ tải” hàng hoá với sân bay Nội Bài

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, ông Nguyễn Đình Đại - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, địa phương luôn tập trung phát triển ngành dịch vụ logistics gắn với phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, tăng cường đầu tư, xây dựng và nâng cấp hạ tầng giao thông, hạ tầng kho, bãi, đặc biệt là hệ thống giao thông và kho bãi tại các cửa khẩu, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh.

Đoàn công tác Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, ông Nguyễn Đình Đại Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn

Đoàn công tác Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương làm việc với tỉnh Lạng Sơn.

Hạ tầng “kìm chân” doanh nghiệp

Theo đó, hoàn thiện chính sách pháp luật về dịch vụ logistics, hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics trong đó, về hạ tầng giao thông, trong 4 năm, vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh là 7.462 tỷ đồng về cả đường bộ, đường sắt.

Về hạ tầng cửa khẩu, tập trung đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại các khu vực cửa khẩu. Lạng Sơn hiện có 11 cửa khẩu, lối mở biên giới. Về hạ tầng bến bãi nhà xưởng, tỉnh hiện có 30 dự án bến, bãi.

Cảng cạn Lạng Sơn được định hướng là trung tâm phức hợp ICD & Logistics. Tổng diện tích quy hoạch 75,19 ha, trong đó diện tích quy hoặc chức năng cảng cạn là 22,8ha. Cảng có quy mô thông qua giai đoạn 2025~2030 khoảng 50.000~70.000 TEUs/năm và giai đoạn đến 2030 đạt 120.000~160.000 TEUs/năm. 

Cảng cạn tại xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng quy mô 15ha.

Bên cạnh đó, Lạng Sơn cũng đã tập trung chuẩn bị các điều kiện về quy hoạch, thu hút đầu tư, triển khai thực hiện một số dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm phục vụ kết nối dịch vụ logistics trên địa bàn như: Cảng cạn Lạng Sơn, Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, đầu tư hạ tầng khu chế xuất 1, Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà xưởng Phúc Khang thuộc Khu phi thuế quan,...

Đặc biệt, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp dịch vụ logistics, đẩy mạnh đa dạng hóa loại hình vận tải, ứng dụng các công nghệ để cải thiện chất lượng dịch vụ.

Đồng ý kiến, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định, Lạng Sơn là địa phương có rất nhiều các cửa khẩu, lượng hàng hoá giao dịch lớn nhất cả nước, đặc biệt vấn đề về nông sản.

"Hai năm qua, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, tỉnh Lạng Sơn đã phải chịu áp lực lớn, rất vất vả trong công tác đảm bảo phòng chống dịch và đảm bảo giao thương biên giới", ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng nhận định, hạ tầng đồi núi nhiều dẫn tới hạ tầng logistics của Lạng Sơn phát triển hạn chế về mặt diện tích, số doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ logistics cũng còn hạn chế...

Thẳng thắn nhìn vào những hạn chế trong quá trình phát triển, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cũng thừa nhận: "Điều kiện và năng lực để phát triển logistics của Lạng Sơn còn nhiều khó khăn. Hệ thống hạ tầng phát triển chưa theo quy hoạch đồng bộ mà chủ yếu tự phát do nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trọn gói chưa có, chỉ cung cấp từng khâu nhỏ, hoạt động logistics chủ yếu mới là vận tải".

Cụ thể, kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội; việc cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống quốc lộ, các tuyến đường tỉnh, đường huyện, trục đường trung tâm vào thành phố Lạng Sơn, xây dựng các cầu vượt sông lớn tại một số vị trí trọng yếu chưa được đầu tư do thiếu kinh phí; điều kiện giao thông ở vùng cao, biên giới còn khó khăn; nhiều dự án, công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được bố trí nguồn vốn còn thấp.

Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư nhưng thiếu đồng bộ, chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu; việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại đã được quan tâm thực hiện từ nhiều nguồn, nhất là từ nguồn xã hội hóa, tuy nhiên chưa thật sự hiệu quả.

ông Nguyễn Đình Đại Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, địa phương luôn tập trung phát triển ngành dịch vụ logistics gắn với phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.

Ông Nguyễn Đình Đại (thứ hai từ trái sang) - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, địa phương luôn tập trung phát triển ngành dịch vụ logistics gắn với phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.

Hoạt động vận tải đa phương thức trên địa bàn chưa phát triển mạnh, chủ yếu tập trung vào vận tải đường bộ, vì vậy có nguy cơ ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ trong dịp cao điểm, lễ tết hoặc do tác động của dịch bệnh,...; chưa phát huy được lợi thế của tuyến đường sắt liên vận quốc tế, cơ sở hạ tầng Ga đường sắt liên vận quốc tế Đồng Đăng đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu xuất nhập cảnh và giao thương hàng hóa xuất nhập khẩu.

Quy mô hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh còn nhỏ, chưa có doanh nghiệp kinh doanh chuỗi hoạt động logistics bài bản, chỉ tham gia một số công đoạn trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics.

Chính sách kiểm soát và phòng, chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt của phía Trung Quốc gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp logistics, đặc biệt là qua các cửa khẩu đường bộ do hàng hóa bị lưu tại kho, bãi, thời gian thông quan chậm, tăng chi phí cho doanh nghiệp.

>>>Quảng Ninh thu hút nhà đầu tư vào hạ tầng logistics

>>>Phát triển mạng lưới cảng cạn

Công tác huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng giao thông còn hạn chế, còn trông chờ nhiều vào vốn ngân sách nhà nước, khó khăn trong thu hút các nhà đầu tư do hiệu quả không cao.

Chưa đủ nguồn nhân lực để phát triển và thực hiện dịch vụ logistics một cách bài bản, các doanh nghiệp của tỉnh còn thiếu vốn, thiếu chuyên môn và kinh nghiệm đối với nghiệp vụ logistics.

Đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng

Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn khẳng định Lạng Sơn phù hợp là đầu mối logistics của cả nước. Như định hướng của Bộ Chính trị, Chính phủ thì Lạng Sơn là cửa khẩu quan trọng của đường bộ, giúp giao thông với các nước ASEN và Trung Quốc.

Từ thực tế này, Sở Công Thương Lạng Sơn đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đầu tư nâng cấp các tuyến đường vành đai biên giới, đường ra biên giới, đường ra các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh để kết nốt giao thông, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics.

Nhiều đại diện doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá giai đoạn dịch Covid-19.

Nhiều đại diện doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá giai đoạn dịch Covid.

Cụ thể, thứ nhất, một số dự án như Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh thị trấn Na Sầm và đoạn tránh đèo Bó Củng trên Quốc lộ 4A, tỉnh Lạng Sơn. Tái khởi động dự án nâng cấp Quốc lộ 3B, trong đó ưu tiên trước đoạn từ thị trấn Thất Khê đến cửa khẩu Nà Nưa để phục vụ xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Nà Nưa được thuận lợi. Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 31 (Hữu Sản - Bản Chắt) trong đó ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp đoạn từ Km110 đến thị trấn Đình Lập chiều dài khoảng 20 km để phục vụ xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu được thuận lợi.

Thứ hai, sớm phê duyệt đề xuất của tỉnh Lạng Sơn và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phương án đầu tư đoạn tuyến cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị và bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025 với số tiền khoảng 4.000 tỷ đồng hỗ trợ cho Dự án.

Thứ ba, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp kiến nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung quy hoạch Cảng cạn Lạng Sơn tại vị trí Km 22 + 500/Quốc lộ 1 và Cảng cạn tại xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng và tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông nói chung, trong đó có tuyến đường sắt liên vận quốc tế Đồng Đăng - Bằng Tường, sớm nâng cấp điện khí hóa tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, đầu tư mở rộng Ga Yên Trạch để di chuyển Ga Lạng Sơn hiện đang nằm ở trung tâm thành phố về Ga Yên Trạch, tạo điều kiện cho tỉnh thực hiện, hoàn thành các mục tiêu về phát triển dịch vụ logistics, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thứ tư, đề nghị Bộ Công Thương xây dựng, ban hành các chính sách ưu đãi về vốn và các nội dung khác cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực logistic, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, mở các lớp, các chuyên ngành đào tạo chuyên sâu để nâng cao nhận thức về logistic cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. 

Cho rằng địa phương cần nhìn lại hướng phát triển của ngành logistics thời gian tới, ông Trần Thanh Hải cho rằng địa phương cần tiến hành tổng kết công tác thực hiện Quyết định 200/QĐ-TTg về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, qua đó đưa ra định hướng và giải pháp phát triển phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

  • Xóa “cửa quyền” ở các cảng cạn

    19:28, 31/05/2022

  • Phát triển mạng lưới cảng cạn

    11:00, 14/02/2022

  • Cảng cạn yếu vì thiếu kết nối

    04:04, 28/12/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bổ sung quy định chuyển cửa khẩu hàng nhập tại cảng cạn Long Biên (Hà Nội)

    20:27, 03/03/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lạng Sơn đề xuất phát triển hai cảng cạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO