Trong 6 tháng đầu năm 2024, Lạng Sơn thành lập mới 576 doanh nghiệp, tăng 121% so với cùng kỳ với tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế đạt 4.500 tỷ đồng.
>>>Lạng Sơn: Quyết tâm gỡ khó mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm
Thời gian qua, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức do tình hình trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, lạm phát vẫn ở mức cao; thương mại, đầu tư toàn cầu phục hồi chậm,… UBND tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, thương mại, du lịch; tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, tham mưu HĐND tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2024 - 2030; Tổ chức các Hội nghị làm việc với Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh để lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; Tổ chức Hội nghị gặp mặt, kết nối tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn năm 2024 nhằm kết nối thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của tỉnh; Hội nghị đánh giá chỉ số PCI, PGI năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong năm 2024…
>>>Lạng Sơn tiếp tục duy trì Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất
>>>Nhiều cơ hội hợp tác đầu tư tại Lạng Sơn
Song song với đó, các Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh và Tổ công tác hỗ trợ đầu tư đã kịp thời hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã và các dự án đầu tư trên địa bàn.
Để tạo thuận lợi cho các dự án hạ tầng tăng sức hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo quyết liệt trong kiểm tra, giám sát về công tác giải phóng mặt bằng, tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đáp ứng yêu cầu và tiến độ, chất lượng các dự án.
Ông Hoàng Xuân Thuận, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du Lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, để góp phần tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng như tạo thuận lợi để các doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn phục hồi sản xuất, phát triển bền vững, bên cạnh phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, định hướng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn sẽ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trong triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nhiệp về chuyển đổi số, hỗ trợ công nghệ, khuyến công, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xúc tiến thương mại; tổ chức các hội nghị, hội thảo tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách và đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quản trị doanh nghiệp, chính sách thuế,...
Theo báo cáo phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Lạng Sơn, kinh tế có nhiều điểm sáng, hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch, thu ngân sách tăng mạnh so với cùng kỳ; công tác giải ngân vốn đầu tư công cơ bản đạt yêu cầu. Các nhiệm vụ về cải cách hành chính, chuyển đổi số, tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ được triển khai hiệu quả, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đáng chú ý, công tác phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư đạt kết quả cao. Số lượng doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ. Tính đến ngày 13/6/2024, Lạng Sơn thành lập mới 576 doanh nghiệp với tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế đạt 4.500 tỷ đồng, tăng 121% so với cùng kỳ; có 130 doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 15%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp mới gia nhập thị trường cao hơn số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động là 176 doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Đến nay, toàn tỉnh Lạng Sơn có 4.700 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký khoảng 55.350 tỷ đồng, 763 chi nhánh, văn phòng đại diện. Về phát triển kinh tế tập thể, tỉnh thành lập mới 26 hợp tác xã với tổng số vốn đăng ký là 46,12 tỷ đồng, nâng tổng số hợp tác xã toàn tỉnh lên 511 hợp tác xã với tổng số vốn khoảng 1.162,1 tỷ đồng.
Về công tác thẩm định và chấp thuận chủ trương đầu tư đảm bảo chặt chẽ, đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 07 dự án với tổng vốn đầu tư 5.199 tỷ đồng. Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư năm 202trong tháng 4/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án với tổng số vốn đầu tư trên 18.600 tỷ đồng; trao 9 biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng số vốn đầu tư trên 21.500 tỷ đồng.
Theo Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn, hiện nay tỉnh đang đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong qua trình sản xuất, kinh doanh, giảm số lượng doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng thấp nhất là 8,95% trong 6 tháng cuối năm, tỉnh Lạng Sơn sẽ khắc phục các khó khăn, hạn chế, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các ngành sản xuất, kinh doanh. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thẩm định, thành lập các cụm công nghiệp theo kế hoạch; đôn đốc các nhà đầu tư sớm khởi công các cụm công nghiệp đã được thành lập. Đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, tăng cường xúc tiến thương mại…
Đồng thời, tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, đẩy nhanh tiến độ lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2045 và các khu chức năng, khu vực cửa khẩu biên giới. Triển khai thực hiện ngay Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh; triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ có hiệu quả các doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, phấn đấu tốc độ tăng hàng xuất khẩu địa phương đạt 8-9%.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn 6 tháng đầu năm ước tăng 4,72%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,99%; công nghiệp và xây dựng tăng 5,48%, dịch vụ tăng 4,38%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,59%.
Có thể bạn quan tâm