Chất lượng nguồn nhân lực, lao động có kỹ năng cao, vẫn là một trong những thách thức chính các doanh nghiệp gặp phải, đặc biệt quá trình thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược về hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung và tác động cụ thể tới thị trường lao động Việt Nam nói riêng. Nếu tích cực thay đổi thể chế và đầu tư phát triển nhiều hơn vào nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ các hiệp định này.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay còn nhiều thách thức, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham, nghiên cứu của Eurocham đã chỉ rõ, gần 60% lao động Việt Nam chưa qua đào tạo chuyên môn.
"Rào cản” chất lượng lao động
Ông Minh cho rằng, thực tế này là “rào cản" khiến Việt Nam chưa phát huy một cách đầy đủ hiệu quả từ cơ hội hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, còn có khoảng cách quá xa giữa yêu cầu đặt ra của người lao động ở các doanh nghiệp EU và khả năng, kỹ năng chuyên môn của người lao động Việt Nam.
Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào nguồn nhân công giá rẻ để thu hút đầu tư nước ngoài. Đây không phải là giải pháp bền vững để đảm bảo tính cạnh tranh cho Việt Nam. Đặc biệt khi chi phí lao động đang tăng dần, nhưng năng suất lao động không hề tăng theo mức tăng lương. Bên cạnh đó, các quốc gia hàng xóm Việt Nam đang cạnh tranh với Việt Nam về nguồn nhân công giá rẻ.
TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng TM&CN Việt Nam (VCCI) nhận định, các FTA thế hệ mới đang hướng tới nền thương mại nhân văn hơn và bền vững hơn. Không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động nhưng các FTA đều có những điều khoản lao động dựa trên nguyên tắc của Tổ chức lao động quốc tế về vấn đề lao động, môi trường. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là hàng rào mới trong thương mại quốc tế. Nhưng theo TS.Lộc, đây cũng đồng thời là giấy thông hành của doanh nghiệp khi ra toàn cầu.
Nhấn mạnh thêm, TS.Lộc, Chủ tịch VCCI cho hay, chất lượng nguồn nhân lực thực sự đang là thách thức với Việt Nam trong hội nhập. Khảo sát Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI cho thấy, các doanh nghiệp FDI cho rằng, họ dễ dàng tiếp cận được với nguồn lao động phổ thông, tuy nhiên bức tranh không mấy tích cực khi doanh nghiệp muốn tìm kiếm lao động lành nghề, có kỹ năng cao như cán bộ kỹ thuật, giám sát và quản lý. 50% doanh nghiệp cho rằng khó tuyển dụng lao động chất lượng cao; 85% doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự cấp cao, kỹ sư hàng đầu... “Điều này không đủ đảm bảo cho chúng ta phát triển theo nhu cầu trong thời gian tới”, TS. Lộc nhận định.
Những hạn chế này đã đưa đến nhiều hệ lụy khác như năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh cũng như giá trị nguồn nhân lực Việt Nam trên thị trường lao động không cao. Một phát hiện quan trọng nữa, các doanh nghiệp FDI đều đánh giá, chất lượng lao động ở Việt Nam chậm được cải thiện.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 05/09/2019
10:32, 30/08/2019
21:33, 28/08/2019
15:00, 27/08/2019
Tập trung cải thiện năng suất và kỹ năng lao động
Cũng theo ông Minh chia sẻ, xu thế mới của các doanh nghiệp EU là sẽ chuyển dịch dần và chia sẻ nền sản xuất của mình với châu Á. Tại châu Á, Việt Nam là điểm sáng để các doanh nghiệp EU thành lập các trung tâm xuất khẩu sang châu Á hay trung tâm gia công, sản xuất xuất khẩu đi EU.
“Tuy nhiên, hiệp định này không phải là phép màu giải quyết được các vấn đề của Việt Nam, cũng không phải là công cụ yêu cầu các doanh nghiệp EU phải dịch chuyển sang Việt Nam. Các doanh nghiệp EU chỉ dịch chuyển sang Việt Nam khi chúng ta tạo ra một thể chế, môi trường kinh doanh tốt, hấp dẫn và đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực. Trong tình hình này, rõ ràng đòi hỏi yêu cầu về kỹ năng, chuyên môn của người lao động sẽ là bài toán mới cho Việt Nam” - ông Minh nói.
Các doanh nghiệp EU có tiêu chuẩn khắt khe trong tuyển dụng lao động, đó là kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm làm việc và khả năng ngoại ngữ. Ngoài ra, các kỹ năng mềm như giao tiếp, khả năng thích nghi, chịu áp lực công việc... đó là điều các doanh nghiệp EU kỳ vọng ở Việt Nam trong bối cảnh mới này.
Vì vậy, ông Minh chỉ rõ, nhiệm vụ ưu tiên của chính phủ Việt Nam là phải cải thiện năng suất và kỹ năng người lao động thông qua chương trình đào tạo, dạy nghề. Việc đổi mới hệ thống giáo dục, đào tạo dạy nghề nên theo hướng trang bị cho lực lượng lao động những gì mà thị trường đang cần, không chỉ vậy mà còn cả những gì thị trường sẽ cần trong tương lai.
Đại diện EuroCham đề xuất, thúc đẩy hợp tác công – tư hơn trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề. Kinh nghiệm của khu vực tư nhân sẽ có đóng góp đáng kể trong đào tạo nghề. Chỉ có doanh nghiệp mới hiểu rõ họ cần gì, mong muốn gì, năng lực nào cho lực lượng lao động. Với sự tham gia của khu vực tư nhân, chúng ta phát triển được chương trình đào tạo và khoá tập huấn phản ánh đúng nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, sự hợp tác công – tư còn đảm bảo đầu ra cho chương trình đào tạo nghề của Việt Nam. Đồng thời, nên tăng cường đối thoại giữa khu vực công và tư ở 2 cấp là quốc gia và tỉnh. Bà Lê Ngọc Thiên Phương, Phó Chủ tịch Tiểu ban nhân lực và đào tạo Eurocham cho rằng, báo cáo về mức độ chuẩn bị sẵn sàng cho các kỹ năng trong tương lai của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có mức độ sẵn sàng cho 4.0 ở mức thấp.
Trong bối cảnh hội nhập, những đòi hỏi mới cho chất lượng nguồn nhân lực đó là được đào tạo bài bản như kỹ năng cứng, kỹ năng hợp tác, làm việc theo nhóm; đòi hỏi nguồn nhân lực có độ chín nhất định như khả năng tư duy, đi ngược dòng để thử thách... là những vấn đề mà doanh nghiệp, nhà nước cần quan tâm.