Nửa đầu năm nay, số doanh nghiệp phải rời sàn niêm yết áp đảo số doanh nghiệp niêm yết mới.
“Sân chơi” của doanh nghiệp minh bạch và hiệu quả
Thống kê sơ bộ của ĐTCK cho thấy, trong tháng 6, có 2 cổ phiếu mới lên niêm yết là EVS (của CTCP Chứng khoán Everest) và NTH (của CTCP Thuỷ điện Nước Trong), trong khi có tới 6 doanh nghiệp hủy niêm yết trên sàn này.
Tổng số chứng khoán niêm yết tại ngày giao dịch cuối cùng của tháng (ngày 28/6/2019) là 366 mã, tổng giá trị niêm yết toàn thị trường (theo mệnh giá) đạt gần 124.600 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, sàn HNX chào đón 8 doanh nghiệp mới và “chia tay” với 16 doanh nghiệp.
Cùng khoảng thời gian này, trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), có 5 doanh nghiệp chính thức được cấp quyết định niêm yết, với tổng khối lượng niêm yết mới đạt 1.916 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị niêm yết theo mệnh giá là 19.167 tỷ đồng.Đó là CTCP ICD Tân Cảng Long Bình (ILB), CTCP Thương mại dịch vụ TNS Holdings (TN1), Tổng công ty Viglacera (VGC), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HVN) và CTCP Tư vấn xây dựng điện 2 (TV2). Trong đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Công ty cổ phần Viglacera là những doanh nghiệp có quy mô lớn.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 17/07/2019
05:01, 15/07/2019
11:01, 08/07/2019
11:01, 02/07/2019
04:28, 29/06/2019
11:04, 27/06/2019
Có thêm 5 gương mặt mới, nhưng sàn HOSE cũng phải chia tay 4 doanh nghiệp (VHG, PPI, ICF, CMT).
Mục tiêu chung của các doanh nghiệp khi lên sàn chứng khoán niêm yết là nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp trước cổ đông, đối tác, tăng tính thanh khoản của cổ phiếu và tiến tới là huy động vốn phục vụ cho các kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, lên sàn cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn cao về minh bạch thông tin và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Vi phạm những quy định này, doanh nghiệp sẽ phải rời “sân chơi” niêm yết.
Nhìn vào lý do 16 doanh nghiệp phải rời sàn HNX trong 6 tháng đầu năm nay, sẽ thấy ngoại trừ 2 doanh nghiệp xin hủy niêm yết tự nguyện để chuyển sang sàn HOSE, 14 doanh nghiệp còn lại bị hủy niêm yết bắt buộc với lý do thua lỗ trong 3 năm liên tiếp hoặc vi phạm quy định về công bố thông tin, bị công ty kiểm toán từ chối cho ý kiến với báo cáo tài chính… Trong khi đó, với 4 doanh nghiệp rời sàn HOSE, chỉ có CMT hủy niêm yết tự nguyện, 3 doanh nghiệp còn lại xuất phát từ lý do có 3 năm liên tiếp thua lỗ.
Cổ phiếu “tân binh” không dễ tăng giá
Nửa đầu năm 2019, thị trường chứng khoán trong nước khá trầm lắng. Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên giao dịch 30/6/2019 ở mức 949,94 điểm, tăng 6,43% so với ngày đầu năm. Chỉ số HNX-Index đóng cửa phiên giao dịch 30/6 ở 103,51 điểm, tăng không đáng kể so với mức 102,67 điểm so với đầu năm.
Trong khi đó, thanh khoản thị trường ghi nhận sự sụt giảm mạnh trong 6 tháng, với khối lượng giao dịch bình quân đạt 172,3 triệu đơn vị/phiên, tương ứng giá trị bình quân đạt 3.930 tỷ đồng/ngày trên sàn, giảm khoảng 14,6% về khối lượng và 29,5% về giá trị so với năm 2018.
Trên sàn HNX, thanh khoản tiếp tục èo uột, khối lượng giao dịch bình quân trong tháng 6 chỉ đạt hơn 27,2 triệu cổ phiếu/phiên (giảm 18,6% so với tháng trước), tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 321 tỷ đồng/phiên (giảm 23,2% so với tháng trước).
Với diễn biến của thị trường chung kém tích cực, các “tân binh” khó tạo ra hiệu ứng tăng giá khi lên sàn. Cụ thể, trong số cổ phiếu mới lên sàn HNX, có 4 cổ phiếu giảm điểm so với mức giá chào sàn, gồm SHE, PHN, EVS và PGN.
Tuy nhiên, đà tăng tích cực cũng tới với một số cổ phiếu tân binh, đơn cử như TAR của CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Từ mức giá tham chiếu 12.600 đồng/cổ phiếu trong phiên chào sàn 20/2/2019, cổ phiếu TAR tăng liên tục và hiện đang duy trì ở vùng giá 28.000 đồng/cổ phiếu.
TAR là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực xay xát gạo, hiện đang là đối tác chiến lược của Công ty VinEco thuộc Tập đoàn Vingroup trong sản xuất gạo sạch. Công ty đang sở hữu 6 nhà máy đặt tại Cần Thơ. Năm nay, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng (trên vốn điều lệ 350 tỷ đồng). Quý I, TAR ghi nhận doanh thu 351 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10,8 tỷ đồng.
Hay cổ phiếu VHE của CTCP Dược liệu thực phẩm Việt Nam có mức tăng 82% so với lúc chào sàn HNX (14/1/2019), từ mức 15.000 đồng/cổ phiếu lên 27.300 đồng vào ngày 17/7. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính của VHE là xuất khẩu nguyên liệu ngành dược, nông sản và sản xuất thực phẩm, đồ uống bảo vệ sức khoẻ.
Theo kế hoạch, trong năm 2019, VHE sẽ đưa các sản phẩm nước uống thảo dược lên kệ các hệ thống siêu thị lớn như Vinmart, BigC, Citimart, Aeon, Metro, Cirle K... và mở rộng thị trường tới các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nha Trang... Để thâm nhập sâu hơn vào lĩnh vực đồ uống có nguồn gốc thiên nhiên, VHE dự kiến đầu tư nhà máy chiết xuất hoạt chất và triển khai vùng dược liệu đủ lớn để chủ động nguyên liệu trong năm 2020.
Trên sàn HOSE, hiệu ứng tăng điểm của cổ phiếu “tân binh” có phần tích cực hơn khi chỉ có 1/5 cổ phiếu giảm so với giá chào sàn. Cổ phiếu kém may mắn đó là ILB. Ngay trong phiên chào sàn, cổ phiếu này đã mất giá 3.500 đồng/cổ phiếu (tương đương 15,91% giá trị) xuống còn 18.500 đồng/cổ phiếu. Chốt phiên giao dịch 17/7, thị giá cổ phiếu này ở mức 17.800 đồng/cổ phiếu.
Về hoạt động kinh doanh, ILB có biên lợi nhuận khá cao qua các năm. Hiện ILB đang sở hữu nhiều lợi thế như hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật trên quy mô rộng hơn 105 ha và được đánh giá là một trong bốn cảng cạn (ICD) lớn nhất ở Đông Bắc TP.HCM, thị phần chiếm khoảng 10% (so với ICD Gemadept, Transimex, Tân Cảng Sóng Thần).
Dù ILB được xem là cổ phiếu tăng trưởng, có thể duy trì mức tăng trưởng trung bình 10%/năm, nhưng với giá chào sàn 22.000 đồng/cổ phiếu, EPS trung bình 3 năm gần nhất khoảng 2.700 đồng, hệ số P/E của cổ phiếu này vào khoảng 8,1 lần. Mức P/E này cao hơn hẳn so với mức trung bình của các cổ phiếu cùng ngành (hiện khoảng 6 lần). Đây có thể là lý do giải thích cho việc ILB không được hưởng hiệu ứng tăng giá sau khi lên sàn.
“Tân binh” tăng giá mạnh nhất trên HOSE là TN1 (CTCP Thương mại dịch vụ TNS Holdings). Đến nay, TN1 ghi nhận mức tăng gần 84%. TNS có vốn điều lệ 133 tỷ đồng, gồm 5 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực: dịch vụ quản lý bất động sản; dịch vụ bảo vệ; dịch vụ vệ sinh công nghiệp; dịch vụ tổ chức, giới thiệu và xúc tiến thương mại, hiệu quả kinh doanh rất tốt.
Công ty hiện đang quản lý 9.000 căn hộ chung cư, 3.500 lô dân cư thấp tầng, tương đương diện tích 2,1 triệu m2 chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại. Ngoài ra, TN1 còn cung cấp dịch vụ quản lý tại 11 khu công nghiệp, tổng diện tích 2.050 ha.
Năm 2019, Công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần 681 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 84 tỷ đồng, tăng lần lượt 32% và 11% so với năm trước; cổ tức dự kiến 32%. Công ty đã có các hợp đồng đã ký sẵn về vận hành, quản lý các chung cư Goldmark City, GoldSilk, 54A Nguyễn Chí Thanh...
Có nhiều lý do ảnh hưởng tới đà tăng hay giảm của một cổ phiếu, đó là tổng hợp của bối cảnh kinh tế vĩ mô, triển vọng ngành, của doanh nghiệp, chất lượng quản trị doanh nghiệp… Trong đó, yếu tố quan trọng nhất vẫn là nội tại của doanh nghiệp và điều này càng thể hiện rõ hơn trong bối cảnh thị trường chứng khoán kém tích cực. Nhiều trường hợp cổ phiếu cắm đầu đi xuống sau khi lên sàn bởi dòng tiền thông minh sẽ trả cổ phiếu đó về giá trị thực của doanh nghiệp.