Liêm chính, đạo đức, “thước đo” doanh nhân tiêu biểu

NGUYỄN VIỆT 31/07/2022 00:50

Danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022 đề cao liêm chính, đạo đức doanh nhân, tạo ra nhiều công ăn việc làm, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật… để phát triển bền vững.

>>Phát động bình xét và tôn vinh danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái đề xuất tại Hội nghị Ban Chấp hành VCCI khoá VII, lần thứ 4 khi thảo luận về việc phát động bình xét và tôn vinh danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022, ngày 30/7.

Danh hiệu

Danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022 cần đề cao liêm chính, đạo đức doanh nhân. Ảnh: Quốc Tuấn

Theo ông Phạm Đình Đoàn, trong hoạt động doanh nghiệp hiện nay thường nói đến 3 chữ win, đó là ngoài lợi ích bản thân, lợi ích cán bộ nhân viên hay đối tác thì có mang lại lợi ích cho xã hội hay không?

“Thực tế, có những doanh nghiệp giàu có nhưng xã hội không được lợi. Do đó, doanh nhân có đạo đức là phải được đề cao trong giai đoạn tới. Đặc biệt, với 60 doanh nhân tiêu biểu dù ít hơn mọi năm nhưng cần đề cao tính liêm chính, đạo đức, tạo ra nhiều công ăn việc làm, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật… để phát triển bền vững”, ông Đoàn đề xuất.

Đồng tình với việc giải thưởng không cần nhiều, nhưng ông Đoàn cho rằng, giải thưởng phải chất lượng và trọng điểm, đặc biệt là đề cao đạo đức doanh nhân trong thời kỳ hội nhập.

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam cũng nhất trí việc bình bầu doanh nhân tiêu biểu, những người đi tiên phong và đại diện cho tiếng nói của doanh nhân là rất xứng đáng, với 6 tiêu chí về đạo đức doanh nhân được đưa ra trong đề án.

Theo bà Thanh, hơn bao giờ hết 6 tiêu chí này phải được nhấn mạnh và củng cố. Một trong những điều nhạy cảm nhất và cũng là yêu cầu bắt buộc các doanh nhân tiêu biểu đang là lãnh đạo của các tập đoàn kinh tế lớn, từ nhà nước, tư nhân hay có yếu tố nước ngoài thì cần phải có báo cáo kiểm toán liên tục 3 năm mà có ý kiến kiểm toán xác định hoặc chấp nhận toàn bộ.

Vì bà Thanh cũng là người từng tham gia đánh giá hồ sơ, và có kiến nghị rất nhiều lần. Đó là, việc đầu tiên và trước nhất là phải sử dụng kiểm toán độc lập để đánh giá khách quan về tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính.

Đối với doanh nghiệp khi đạt được kết quả tốt cũng mong muốn được biểu dương. Ảnh: Quốc Tuấn

Đối với doanh nghiệp khi đạt được kết quả tốt cũng mong muốn được biểu dương. Ảnh: Quốc Tuấn

“Đây có thể coi như một điều kiện cần để giải thưởng không bị vướng mắc vào các vấn đề tối thiểu trong minh bạch tài chính”, bà Thanh nói.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn đề cao và hoan nghênh việc VCCI khởi đầu phong trào biểu dương doanh nhân Việt Nam bằng cuộc phát động bình xét và tôn vinh danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022. Do hơn 2 năm bị ảnh hưởng từ Covid-19 nên không tổ chức thực hiện được.

Đối với doanh nghiệp khi đạt được kết quả tốt cũng mong muốn được biểu dương. Tuy nhiên, ông Tâm đề xuất việc biểu dương cần chính xác để tăng cường vai trò tích cực và động viên. Do đó, ông Đặng Thành Tâm hy vọng tất cả Ban Chấp hành tham gia nhiệt tình.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) đánh giá, việc bình xét và tôn vinh danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022 là sáng kiến hay và ý nghĩa.

Tuy nhiên, theo ông Hiệp trong nền kinh tế có rất nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau, mỗi thành viên chỉ biết trong phạm vi ngành mình. Vậy việc đề cử cần làm sao cho trúng và đúng, vì một người làm ở lĩnh vực khác.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, danh hiệu năm nay được thực hiện rất chặt chẽ, số lượng ít. Nội dung năm nay về tiêu chí có sự thay đổi, trong đó có việc áp dụng theo tiêu chí đạo đức doanh nhân vừa mới được công bố. Bên cạnh đó còn đi thẩm định thực tế, điều này cũng cần sự tham gia tích cực của các thành viên Ban Chấp hành vào trong hội đồng bình xét.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quốc Tuấn

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quốc Tuấn

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, hội đồng bình xét năm nay rất rộng, các năm trước hội đồng này có khoảng gần 20 người, còn năm nay có trên 40 người. Trong đó, sẽ mời các chuyên gia trong các lĩnh vực để có được sự đa ngành, đại diện một số hiệp hội, các bộ ngành, cơ quan báo chí cùng đại diện Ban Chấp hành trong hội đồng để đảm bảo tính công khai.

Về việc đề cử, 63 UBND của 63 tỉnh, thành có các hiệp hội doanh nghiệp đều được đề cử. Các bộ, ngành có doanh nghiệp cũng được phép đề cử. Chúng ta không phân biệt thành phần kinh tế, chỉ cần doanh nhân đó có quốc tịch Việt Nam.

“Điều chúng tôi mong đợi và đặt niềm tin vào các ủy viên Ban Chấp hành, đó là cá nhân các ủy viên Ban Chấp hành nếu phát hiện trường hợp nào xuất sắc cũng có thể đề cử. Sau khi nhận được hồ sơ sẽ chuyển sang Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ để đề cử”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói.

Vẫn theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, hội đồng bình xét sẽ được chia thành nhiều nhóm để đi thẩm định thực tế tại doanh nghiệp và đối thoại trực tiếp với ứng viên để đánh giá. Nếu ứng viên nào từ chối thẩm định hoặc không sắp xếp được thời gian để gặp gỡ đoàn thẩm định thì hồ sơ đó sẽ bị loại.

Có thể bạn quan tâm

  • Danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” là thông điệp về đóng góp của doanh nhân

    11:00, 30/07/2022

  • Phát động bình xét và tôn vinh danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022

    10:00, 30/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Liêm chính, đạo đức, “thước đo” doanh nhân tiêu biểu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO