Xuất khẩu quế của Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường khi Việt Nam là một trong 5 nước trồng quế trên thế giới.
Cũng như nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực, quế là một trong những hàng hoá tận dụng tốt ưu đãi từ những FTA mà Việt Nam đã tham gia để mở rộng thị phần xuất khẩu. Những tháng của năm 2024 là thời gian ngành hàng này có sự dịch chuyển lớn về mặt thị trường. Điểm tích cực, một số thương hiệu quế của Việt Nam đã hiện diện ở nhiều thị trường khó tính.
Theo Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, đến hết tháng 8, trong khi xuất khẩu quế sang Trung Quốc giảm hơn 20% thì mức tăng mạnh lại được ghi nhận ở nhiều thị trường khác như thị trường Anh tăng 105%, Mexico tăng hơn 70%, châu Âu tăng khoảng 45%, Canada tăng 25%...
Hiện nay, sản lượng quế của Việt Nam đứng thứ 3 thế giới. Xuất khẩu quế năm nay tăng nhẹ so với năm ngoái cho thấy triển vọng xuất khẩu của ngành. Tuy nhiên, về mặt giá trị xuất khẩu cần tiếp tục cải thiện hơn khi mặt hàng này chủ yếu xuất thô, chưa nhiều thương hiệu Việt Nam hiện diện trên thị trường quốc tế.
Để gia tăng giá trị xuất khẩu quế, mấu chốt trong thời gian tới là cần xây dựng chuỗi liên kết, chuỗi giá trị hay còn gọi là hệ sinh thái cho ngành. Theo bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, tham gia hệ sinh thái, các chủ thể đều được hưởng lợi. Trong đó, người dân được định hướng sản xuất những mặt hàng đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của các thị trường xuất khẩu cần, đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của thị trường như không nhiễm chì, không nhiễm kim loại nặng... Canh tác theo hướng hữu cơ, cung cấp sản phẩm sạch, gia tăng giá trị xuất khẩu cho sản phẩm.
Ở chiều ngược lại, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam nhấn mạnh đến vai trò khai mở và dẫn dắt của doanh nghiệp bởi doanh nghiệp hiểu rõ thị trường và những cam kết của các FTA mà Việt Nam tham gia, trong đó có những quy định về thuế, chất lượng sản phẩm… Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ quay trở lại vùng nguyên liệu để tổ chức sản xuất một cách khoa học, bài bản, đáp ứng đúng với yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Khi đã tạo dựng được liên kết sản xuất chặt chẽ giữa doanh nghiệp - người dân, việc xây dựng thương hiệu cũng như uy tín, niềm tin kinh doanh trên thị trường thế giới thông qua các chứng nhận, tiêu chuẩn quốc tế sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Trong liên kết chuỗi hay bất cứ hệ sinh thái nào, thị trường nào, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. “Doanh nghiệp là trung tâm trong mọi hệ sinh thái và thị trường nhưng việc kêu gọi doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái lại cần có sự hỗ trợ thực tế để xây dựng mô hình liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp, hướng đến phát triển ngành hàng bền vững và thân thiện với môi trường, từ đó củng cố chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng” - bà Hoàng Thị Liên cho hay.
Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần thực hiện các thử nghiệm và có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia. Trong đó, cần có những “sếu đầu đàn” - doanh nghiệp đi đầu tham gia xây dựng liên kết, từ đó lan tỏa mô hình này đến nhiều doanh nghiệp khác.