Liên kết giữa đào tạo và doanh nghiệp: "Chìa khóa" giải quyết việc làm cho lao động!

B.T 13/08/2018 11:00

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh như vậy khi trả lời đại biểu về giải pháp giải quyết việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Toàn cảnh phiên chất vấn sáng 13/8

Toàn cảnh phiên chất vấn sáng 13/8.

Sáng nay (13/8), trong khuôn khổ Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.

Trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp giải quyết việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số sau khi được đào tạo, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung thừa nhận thực trạng, hiện nhiều thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp ra trường gặp khó khăn trong tìm việc.

Đừng chỉ đào tạo những nghề "mình biết"

Về giải pháp, Bộ trưởng nhấn mạnh, "bên cạnh thực thi chính sách hỗ trợ thanh niên dân tộc miền núi học nghề cần tăng cường liên kết các trường nghề với doanh nghiệp để hỗ trợ giải quyết việc làm".

Bộ trưởng cho biết, tỉnh Hà Giang đã triển khai chương trình liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, đến nay có 1900 học sinh, sinh viên sau khi học xong đã chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp. Tức là đào tạo theo đơn đặt hàng và doanh nghiệp nhận ngay từ đầu. Điện Biên cũng đang triển khai giải pháp này. 

Bên cạnh đó, nhà nước cũng có nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo thanh niên dân tộc miền núi sau đó đưa đi xuất khẩu lao động. Khu vực miền Trung và Tây Nguyên thực hiện chính sách này rất tốt, tuy nhiên với khu vực miền núi phía Bắc lại gặp khó khăn. Bộ trưởng cho biết, sắp tới sẽ sửa đổi chương trình đào tạo theo hướng, thời gian đào tạo dài hơn, yêu cầu thấp hơn, lựa chọn công việc phù hợp hơn và phù hợp tâm lý các em. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến

Có thể bạn quan tâm

  • Giảm nghèo bền vững: Trăn trở của nhiều Bộ, ngành

    Giảm nghèo bền vững: Trăn trở của nhiều Bộ, ngành

    10:42, 13/08/2018

Trả lời thêm về dạy nghề, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết chúng ta hiện có 13 trường đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số. Tuy nhiên việc đào tạo nghề hiện nay còn những bất cập. Các trường chỉ đào tạo những nghề "mình biết", chưa đào tạo những nghề thị trường cần nên thanh niên học xong không tìm được việc làm. Do vậy, nhà nước nên thực hiện chính sách cấp tín dụng học nghề cho con em đồng bào dân tộc, để các em chủ động lựa chọn theo học những nghề mà thị trường đang cần ở tất cả các cơ sở đào tạo trong cả nước, qua đó sẽ thuận lợi hơn trong tìm việc sau khi ra trường.

Cần đào tạo "hạt giống" phục vụ địa phương

Cũng liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, chính sách giáo dục miền núi được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, thời gian qua chúng ta đã ưu tiên đầu tư xây dựng trường lớp, bố trí giáo viên, ban hành các chính sách hỗ trợ cho người dạy, người học, ví dụ, cấp tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo; giáo viên dạy tích hợp các môn được hỗ trợ tiền;...

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ 

Tuy nhiên, giáo dục miền núi vẫn còn nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị (nhiều địa phương chưa được 50% trường học kiên cố). Vừa qua do sáp nhập cơ sở giáo dục dẫn tới tình trạng trẻ xa trường lớp nên có hiện tượng bỏ học. ..

Nhấn mạnh tinh thần dù tinh giản đầu mối nhưng phải đảm bảo điều kiện dạy và học cho trò và thầy, Bộ trưởng cho biết "thời gian tới sẽ làm việc với các cơ quan liên quan để đảm bảo bố trí đủ biên chế giáo viên; triển khai chương trình dạy song ngữ; cấp sách giáo khoa cho vùng khó khăn; biên soạn chương trình giáo dục phù hợp địa phương; xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyện và triển khai đề án kiên cố hoá trường lớp vùng khó khăn; hướng dẫn các địa phương dồn điểm trường lẻ thành điểm chính, đảm bảo các cháu tiểu học gần nhà;…"

Còn về chính sách cử tuyển, Bộ trưởng cho biết, giai đoạn trước chính sách này thực hiện rất tốt nhưng gần đây xem ra không hiệu quả. Khi người được cử tuyển học xong về không bố trí được việc làm. Có trường hợp cử đi chưa trúng, chất lượng học của cán bộ chưa cao,... Do đó, cần cử người thực sự gắn với đầu ra, để người đó ra thực sự là hạt giống về phục vụ cho địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Liên kết giữa đào tạo và doanh nghiệp: "Chìa khóa" giải quyết việc làm cho lao động!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO