Liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông

TS ĐẶNG VIỆT DŨNG - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam ] 31/08/2023 05:00

Diễn đàn: Liên kết phát triển KCN trục cao tốc phía Đông do VCCI, UBND TP Hải Phòng chỉ đạo; Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Sở Kế hoạch Đầu tư Hải Phòng tổ chức  ngày 31/8/2023 tại TP Hải Phòng. 

>>Thách thức lớn với quy hoạch KCN trục cao tốc phía Đông

Được đánh giá là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, 4 địa phương trên trục cao tốc phía Đông (Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh) đều có thế mạnh phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, sự phát triển vẫn kiểu “mạnh ai nấy tiến”, thiếu sự liên kết.

 Hội đồng VEHEC - cơ quan chỉ đạo triển khai thực hiện Thỏa thuận Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông.

Hội đồng VEHEC - cơ quan chỉ đạo triển khai thực hiện Thỏa thuận Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông.

Các địa phương gồm Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng và Quảng Ninh nằm trên trục cao tốc nối Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái. Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh là 03 cực tăng trưởng trong tam giác phát triển kinh tế của khu vực.

Các vấn đề đặt ra

Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, song việc phát triển khu công nghiệp (KCN) thời gian qua cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

(1) Công tác quy hoạch tổng thể phát triển KCN, khu kinh tế (KKT) còn thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn trong mối tương quan với các ngành kinh tế khác và với xã hội, chưa gắn với quy hoạch ngành, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng và địa phương cả nước; tính liên kết vùng còn yếu;

(2) Công tác dự báo để xây dựng quy hoạch còn nhiều bất cập dẫn đến việc phải xin thay đổi quy hoạch nhiều lần, tỷ lệ lấp đầy của nhiều khu công nghiệp khá thấp, nhiều KCN chậm triển khai.

(3) Mô hình phát triển KCN chậm đổi mới, thời gian qua chủ yếu phát triển theo mô hình tập trung công nghiệp đơn thuần, tập trung cho không gian sản xuất, lao động, chưa chú trọng hoàn thiện không gian sống, không gian sinh hoạt cho người lao động làm cho đời sống công nhân một số KCN còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nhà ở và dịch vụ xã hội.

(4) Quy hoạch khu công nghiệp chưa tính hết các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào, ở một số địa phương các KCN tập trung chủ yếu ven các tuyến quốc lộ dẫn đến sự quá tải cục bộ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân địa phương.

(5) Phần lớn các KCN chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với mục tiêu chính là tăng diện tích lấp đầy, việc thực hiện các quy định về môi trường, yêu cầu về công nghệ còn lỏng lẻo, chuyển đổi sang mô hình phát triển các KCN tiên tiến còn chậm.

(6) Còn có sự thiếu thống nhất, thậm chí chia cắt trong trách nhiệm quản lý, đầu tư giữa các bộ, ngành, địa phương về loại hình KCN, KKT, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, giữa các ban quản lý và địa phương trong việc đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho lực lượng lao động.

>>Liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông

>>Thiết lập cơ chế liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông

>>Lời giải nào về nguồn nhân lực trong các Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông

Kiến nghị giải pháp

Kết quả đánh giá rà soát quy hoạch các KCN cho thấy, bên cạnh những tồn tại về công tác quy hoạch quản lý KCN trong phạm vị cả nước, công tác quy hoạch, đầu tư phát triển KCN tại 4 tỉnh, thành phố trên còn bộc lộ một số tồn tại:

(1) Mặc dầu là vùng công nghiệp trọng điểm của cả nước tốc độ phát triển các KCN còn chậm, tỷ lệ lấp đầy của nhiều KCN còn thấp, khả năng cung cấp dịch vụ công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật của vài KCN còn hạn chế.

(2) Phần lớn các KCN đều khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư phát triển KCN tầm cỡ, chuyên nghiệp, thiếu chủ động trong việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

(3) Ngành sản xuất công nghiệp tập trung thu hút, quốc gia thu hút khá giống nhau dẫn giảm sức hút, sức cạnh tranh.

Dự kiến giai đoạn 2021-2030, tổng số KCN trên địa bàn 4 tỉnh thành phố là 139 khu, tăng thêm 60 khu. Tổng diện tích các KCN là 59.441ha, tăng thêm 23.930ha. Hiện trạng các KCN đang được đưa vào khai thác thực tế là 15.913ha với tỷ lệ lấp đầy là 50,45%, tức là diện tích KCN thực sự đưa vào sản xuất là 8.028ha.

Đây sẽ là một thách thức lớn trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch nhằm đảm bảo khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai. Bên cạnh đó nguồn lao động và các điều kiện hạ tầng cần được xác định cụ thể để góp phần tăng hiệu quả đầu tư cho các KCN.

Yêu cầu về chuyển đổi mô hình phát triển các KCN từ mô hình hiện nay sang các mô hình KCN chuyên biệt, các mô hình KCN sinh thái, KCN đô thị là hướng phát triển tất yếu. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi không chỉ cần thời gian, nguồn vốn mà trên hết rất cần sự đổi mới trong tư duy quy hoạch phát triển KCN. Nhà nước cũng rất cần những quy định về lộ trình chuyển đổi để đảm bảo sự công bằng và phát triển bền vững trong tương lai.

Cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong trách nhiệm quản lý, đầu tư giữa các bộ, ngành, địa phương về loại hình KCN, KKT, KCX, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp.

Ông Trần Tiến Dũng, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng: Thúc đẩy lưu chuyển nguồn hàng tại các khu công nghiệp

Mặc dù hạ tầng các KKKT, KCN, CCN được kết nối thuận lợi với nhau và với các cửa khẩu bằng đường bộ với hệ thống cao tốc hiện đại, nhưng theo khảo sát của VLI (2022) cho thấy hàng nông thủy sản (mặt hàng xuất khẩu chính qua biên giới Trung Quốc) chỉ có 50% doanh nghiệp lựa chọn đường bộ, tức là sẽ có nhiều doanh nghiệp không chọn đường bộ là phương thức vận tải khi xuất khẩu hàng nông thủy sản.

Điều này cho thấy, dịch vụ logistics phục vụ xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông thủy sản, đường bộ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa.

Thông qua việc đánh giá về các lĩnh vực dịch vụ logistics có tiềm năng phát triển tại Tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, VLA/VLI đề xuất nên tận dụng sự kết nối của trục cao tốc phía Đông, bao gồm cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; Hải Phòng – Hạ Long; Hạ Long – Vân Đồn; Vân Đồn – Móng Cái, đến các cửa khẩu với Trung Quốc để tập trung phát triển các dịch vụ logistics như: Logistics cho Thương mại điện tử; Logistics xuyên biên giới (Cross border Logistics); Logistics cảng biển; và Logistics du lịch. Muốn phát triển các dịch vụ này, trước mắt cần tập trung đầu tư phát triển dịch vụ logistics về hạ tầng hậu phương cảng biển; Hệ thống kho lạnh phục vụ hàng nông sản; Hạ tầng kho bãi và trung tâm logistics tại các cửa khẩu biên giới.

Ông Nguyễn Trung Kiên – Trưởng BQL các KCN tỉnh Hải Dương: Phát huy hiệu quả vai trò “một cửa, một đầu mối”

Để phát huy thế mạnh mỗi địa phương, mỗi lĩnh vực, về cơ chế chính sách cần tiếp tục tham mưu với Bộ KH&ĐT xây dựng thể chế liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, liên kết trục cao tốc phía Đông trong Đề án thể chế liên kết vùng ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Bộ KH&ĐT cần bổ sung dự án Luật KCN, KKT tạo khung pháp lý cao nhất để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và sự đồng bộ trong việc quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành các KCN, KKT, KCX theo hướng phân cấp, giao nhiệm vụ trực tiếp cho Ban Quản lý thực hiện toàn diện chức năng quản lý nhà nước đối với các KCN, KKT, KCX. Các Bộ, ngành chủ động phân cấp, ủy quyền cho các Ban Quản lý thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành đảm bảo phát huy hiệu quả vai trò “một cửa, một đầu mối”.

Để nâng cao hiệu quả liên kết phát triển hạ tầng KCN, cần xây dựng đề án phát triển các KCN, KKT giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó xác định cụ thể số lượng, diện tích và tiến độ thực hiện các KCN, KKT; đồng thời, tận dụng được sự ảnh hưởng của nguồn lực, thế mạnh của địa phương lân cận. Mỗi địa phương cần tăng cường đào tạo, phát triển nhân lực. Mỗi địa phương cần chia sẻ, kết nối trong xúc tiến đầu tư, nhằm tạo cho các KCN thu hút đầu tư.

Ông Bruno Jaspaert - Tổng Giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C: Cần xóa bỏ các rào cản triển khai khu công nghiệp sinh thái

Phát triển KCN sinh thái đang là hướng đi mới của các KCN để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng theo hướng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, DEEP C mong muốn được chính quyền Trung ương và địa phương hỗ trợ thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân và thiết lập khung pháp lý rõ ràng, đầy đủ.

Đặc biệt có các hướng dẫn và chính sách nhằm tạo điều kiện cho các KCN có thể thực hiện các sáng kiến phát triển năng lượng tái tạo một cách thuận lợi. Ngày nay, rất nhiều tỉnh, thành phố vẫn phản đối việc các KCN thành lập công ty phân phối điện riêng của họ; do đó nên có hướng dẫn rõ ràng hơn về vấn đề này.

Bên cạnh các dự án điện mặt trời áp mái và điện gió đang triển khai, DEEP C cũng đang tích cực trao đổi với các đối tác về khả năng khai thác các dự án điện gió trên biển, lưu trữ điện, sinh khối, LNG và sản xuất năng lượng mặt trời tại các bãi rác đã đóng cửa. DEEP C mong muốn được chính quyền Trung ương và địa phương hỗ trợ cho những nỗ lực này.

Chúng tôi đặc biệt mong đợi được chấp thuận để khảo sát, nghiên cứu và lập Báo cáo nghiên cứu khả thi cho một dự án điện mặt trời tại khu vực bãi rác Đình Vũ. Dự án đó không chỉ bổ sung điện cho hoạt động của KCN DEEP C mà còn cung cấp các giải pháp xử lý toàn diện bãi rác đang bị ô nhiễm.

LS Phạm Hồng Điệp - Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền: Phát triển quỹ đất để phát triển hạ tầng khu công nghiệp

Một trong những nút thắt quan trọng trong phát triển hạ tầng KCN tại Thành phố Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung hiện nay là chủ đầu tư hạ tầng KCN khó khăn khi tiếp cận với quỹ đất để phát triển hạ tầng công nghiệp.

Các tỉnh thành hiện thiếu chỉ tiêu phân bổ đất KCN. Thủ tục xin chuẩn bị đầu tư dự án hạ tầng KCN mất rất nhiều thời gian, trung bình từ 4 - 5 năm với 7 bước từ lập quy hoạch để xin chấp thuận chủ trương đầu tư cho tới thủ tục cấp phép xây dựng.
Vướng mắc trong thủ tục đất đai như công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… cũng là những vấn đề “nóng” được các doanh nghiệp quan tâm.

Tuy nhiên, với chính sách pháp luật đất đai thiếu sự chặt chẽ như hiện nay thì rủi ro hoàn toàn nhà đầu tư phải gánh chịu. Nhiều dự án KCN, nhà đầu tư đã thực hiện xong thủ tục GPMB, đầu tư hạ tầng nhưng lại chưa được ký hợp đồng thuê đất với nhà nước dẫn đến tình trạng dự án bỏ hoang gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng.

Quốc hội sắp thông qua nhiều sự án luật, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi) cần sát thực tiễn, có hơi thở cuộc sống góp phần tạo cơ chế thông thoáng để các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận với quỹ đất dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO