Mercedes-Benz đối mặt làn sóng nghi ngờ sau loạt lỗi kỹ thuật và liên tiếp triệu hồi xe tại Việt Nam, làm dấy lên lo ngại về chất lượng xe sang Đức.
Tháng 3/2024, một vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên đường Võ Nguyên Giáp (TP Thủ Đức) khi chiếc Mercedes-Benz S450 đời 2019 do một nữ tài xế điều khiển bất ngờ lao thẳng vào đoàn xe máy đang dừng chờ đèn đỏ. Tai nạn khiến nhiều người bị thương và lập tức dấy lên tranh luận về độ an toàn thực tế của các mẫu xe Mercedes, thương hiệu vốn được quảng bá mạnh mẽ về công nghệ và hệ thống hỗ trợ người lái.
Đáng chú ý, theo thông tin từ Mercedes-Benz Việt Nam (MBV), mẫu S450 đời 2019 này không được trang bị hệ thống phanh khẩn cấp tự động (AEB), một trong những tính năng an toàn chủ động cơ bản hiện nay. Xe chỉ có hệ thống hỗ trợ lực phanh (BAS), tức chỉ hỗ trợ tăng lực khi người lái đạp phanh chưa đủ mạnh. Chi tiết này khiến không ít người tiêu dùng bất ngờ, bởi nhiều người mặc định rằng xe ở tầm giá gần 4 tỷ đồng như S450 thì AEB phải là trang bị tiêu chuẩn.
Trong khi một số mẫu xe bình dân có giá dưới 1 tỷ đồng, bán ra tại thị trường Việt Nam, đã được trang bị công nghệ phanh khẩn cấp từ năm 2012, điển hình là chiếc Ford Focus.
Sự việc làm lộ ra một thực tế ít người để ý: các mẫu Mercedes-Benz phân phối tại Việt Nam không đồng nhất về trang bị với xe bán tại các thị trường phát triển, đặc biệt ở các tính năng an toàn tiên tiến. Đây không phải lần đầu MBV bị đặt dấu hỏi về chất lượng và mức độ minh bạch trong sản phẩm.
Việc mẫu xe gần 4 tỷ đồng không có AEB, không chỉ khiến người tiêu dùng thất vọng, mà còn làm lộ rõ khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế.
Từ một thương hiệu xe sang được yêu thích tại Việt Nam, Mercedes-Benz giờ đây đang vấp phải hàng loạt nghi vấn về chất lượng thực tế.
Theo dữ liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, MBV là hãng xe triển khai nhiều đợt triệu hồi nhất trong hai năm 2022 và 2023. Cụ thể, năm 2022 có 7 đợt với hơn 2.000 xe, chiếm khoảng 1/3 tổng số xe bị triệu hồi cả nước. Năm 2023, MBV tiếp tục “dẫn đầu” với 11 chương trình, liên quan tới 9.121 xe. Riêng trong năm 2024, MBV đã triển khai 5 đợt triệu hồi với tổng cộng 6.355 xe. Xe bị triệu hồi để khắc phục lỗi, thuộc nhiều dòng sản phẩm khác nhau, trong đó có những lỗi nghiêm trọng, có nguy cơ gây tai nạn khi vận hành.
Lỗi bơm nhiên liệu là phổ biến nhất với số lượng xe triệu hồi lớn. Tháng 9/2023, MBV đã triển khai 2 đợt triệu hồi liên tiếp liên quan đến lỗi bơm nhiên liệu, với gần 4.500 xe thuộc các dòng C-Class, GLC, S450, Maybach S680 và AMG GT 53. Đầu năm 2024, tiếp tục có 432 xe E-Class bị triệu hồi để kiểm tra, thay cụm bơm nhiên liệu, do lỗi tương tự. Bơm nhiên liệu trên các xe bị ảnh hưởng, có thể không đáp ứng các thông số kỹ thuật. Do đó, chức năng bơm nhiên liệu bị suy giảm trong một số điều kiện nhất định và có thể bị ngừng hoạt động. Trong trường hợp này, xe có thể tự động mất lực đẩy. Nguy có gây ra rủi ro va chạm hoặc tai nạn khi xe vận hành trên đường.
Các lỗi kỹ thuật lặp đi lặp lại, nhất là với bộ phận thiết yếu như bơm nhiên liệu, cho thấy vấn đề không còn là cá biệt, mà đã trở thành dấu hiệu hệ thống.
Câu hỏi đặt ra: vì sao một hãng xe sang hàng đầu thế giới lại để xảy ra nhiều lỗi kỹ thuật nghiêm trọng như vậy? Và quan trọng hơn, liệu các chiến dịch triệu hồi liên tục có đang phản ánh một cuộc khủng hoảng ngầm trong khâu kiểm soát chất lượng, không chỉ ở nhà máy, mà cả trong chiến lược sản phẩm của Mercedes-Benz tại các thị trường mới nổi như Việt Nam?
Không chỉ vậy, việc MBV là hãng có số lượng xe triệu hồi lớn nhất trong 2 năm liên tiếp cho thấy, đây không còn là tình huống “rủi ro sản xuất” đơn thuần. Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, sự minh bạch và dịch vụ hậu mãi, những điều mà MBV dường như không theo kịp. Trong khi các hãng xe khác đang nâng dần tiêu chuẩn an toàn, Mercedes-Benz tại Việt Nam lại để thị trường chứng kiến một chuỗi lùm xùm liên quan đến lỗi kỹ thuật nghiêm trọng.
Nếu không có chiến lược cải tổ toàn diện cả về kiểm soát chất lượng, chính sách sản phẩm lẫn chăm sóc khách hàng, hình ảnh “xe sang Đức” của Mercedes tại Việt Nam rất có thể sẽ dần phai mờ. Đối thủ ngày càng mạnh, người dùng ngày càng tỉnh táo và niềm tin là thứ không dễ lấy lại một khi đã mất.