Trong lịch sử, tất cả các cuộc đàm phán hòa bình giữa các nhà ngoại giao Mỹ với những kẻ “độc tài thù địch” đều xuất phát từ ý nghĩ rằng đối phương đã quyết định thay đổi đường lối.
Chẳng hạn như vụ Anwar Sadat cắt đứt quan hệ gần như là đồng minh với Liên Xô để quay sang phương Tây và hõa hoãn với Israel; hay chính sách "cải cách và mở cửa" của Đặng Tiểu Bình trong đó bác bỏ chủ nghĩa Mao, đã tạo ra kỳ tích 3 thập kỷ tăng trưởng ngoạn mục của Trung Quốc.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang đi theo các mô hình này. Điều này có nghĩa là ông Kim Jong-un không có một quyết định chiến lược để thay đổi hoàn toàn chính bản thân và đất nước của mình, và do đó không có hy vọng trong việc đàm phán với Triều Tiên.
Nếu không có sự thay đổi thực sự từ ông Kim, thì không có hy vọng hòa bình cho Triều Tiên, cũng như không có triển vọng cho việc phá hủy hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID) kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bình Nhưỡng, và chỉ có rất ít lợi ích thực sự trong việc mở cửa cho kinh tế Mỹ.
Ông Kim Jong-un không thể đi theo con đường của Sadat hay Đặng Tiểu Bình nếu không đưa ra kết luận chế độ Triều Tiên đang bế tắc về chiến lược.
Đặng Tiểu Bình đã tỉnh táo xem xét những thiệt hại mà Mao Trạch Đông gây ra so với sự phát triển kinh tế của các nước láng giềng của Trung Quốc ở khu vực. Ông ấy lo ngại về mối đe dọa của một Liên Xô thù địch và tính đến việc cần sự bảo vệ của Washington.
Dựa trên những bối cảnh này, các nhà đàm phán Mỹ tin rằng, Đặng Tiểu Bình sẽ đưa ra một thay đổi chiến lược và họ đã đúng. Đặng Tiểu Bình đã tiến hành mở cửa, điều có thể được xem là một trong những thay đổi lớn nhất của thế kỷ XX.
Quan trọng hơn nữa đối với chế độ của ông Kim Jong-un là ông Đặng Tiểu Bình và những người kế vị của ông ta vẫn có thể giữ vững quyền lực bất kể "sự ô nhiễm văn minh phương Tây" - theo như cách gọi hiện nay của Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã đầu độc Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Kim Jong-un và các bậc tiền bối của mình đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình bằng cách khiến cho các cường quốc lớn chống lại nhau. Và đó là tin xấu cho CVID.
Một cam kết thực sự đối với tiến trình phi hạt nhân hóa một cách hòa bình và tự nguyện sẽ đòi hỏi một tiến trình "cải cách và mở cửa" tương xứng. Chỉ những lợi ích của việc mở cửa ra thế giới và sức mạnh chuyển đổi của cam kết toàn cầu mới có thể lớn hơn lợi ích của sức mạnh hạt nhân.
Sự minh bạch hoàn toàn mà tiến trình phi hạt nhân hóa đòi hỏi cũng có thể vạch trần nhiều tội ác, các trại lao động khổ sai và các vụ giết người hàng loạt của gia đình Kim.
Ông Kim Jong-un chỉ có thể đồng ý mở cửa nếu ông ta sẵn sàng từ bỏ những hành động tội ác chống lại người dân của ông ta, và từ bỏ điều xưa nay vẫn là đặc trưng cơ bản của bộ máy lãnh đạo ở Triều Tiên, đó là sự nô dịch hóa hoàn toàn người dân.
Chúng ta có biết liệu Kim Jong-un sẽ thực hiện thay đổi triệt để hay không? Trước tiên, ông ta sẽ khẳng định rõ với người dân của mình và với Hàn Quốc rằng biên giới của Triều Tiên kết thúc ở vĩ tuyến 38, và rằng Hàn Quốc tồn tại như một quốc gia riêng rẽ.
Thứ hai, ông ta sẽ rút các vũ khí tấn công của Triều Tiên và ngừng đe dọa Seoul.
Thứ ba, ông ta sẽ thay đổi giọng điệu tuyên truyền của nhà nước Triều Tiên về Mỹ như một đế quốc thù địch nhằm giữ cho Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt vì mục đích của họ.
Thay vào đó, Kim Jong-un sẽ liệt kê danh sách những lần Mỹ cung cấp cho Bình Nhưỡng chiếc ô an ninh và công khai chấp nhận cam kết của Mỹ đối với tăng trưởng kinh tế của Triều Tiên.
Thêm vào đó, Kim Jong-un cũng sẽ sa thải các nhà đàm phán hiện nay của ông ta, những người từng đe dọa Phó Tổng thống Mỹ.
Thứ tư, ông ta sẽ đóng cửa các trại lao động khổ sai, vì ông ta biết rằng Mỹ sẽ không bao giờ hợp tác chiến lược với những kẻ vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới.
Phải chăng thật nực cười? Đây là những bước mà các nhà hòa giải thực sự tiến hành. Chỉ những động thái như vậy mới mở đường cho hòa bình đến với người dân Triều Tiên. Nhưng tất cả đều rất khó xảy ra.
Để chắc chắn, có những cách tiếp cận mà Kim Jong-un có thể sử dụng nếu ông ta muốn thay đổi đường lối: ông ta có thể nói với người dân Triều Tiên rằng kẻ thù Mỹ đã thay đổi, rằng ông ta cần Mỹ để ngăn ngừa sự xâm chiếm của Trung Quốc, rằng cuộc đấu tranh của nhân dân Triều Tiên là vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho thế hệ con cháu của họ.
Tuy nhiên, các nhà đàm phán Mỹ chưa nhìn thấy dấu hiệu nào cho thấy Kim Jong-un đang thay đổi chính sách tuyên truyền như vậy.
Kim Jong-un là một bậc thầy về điều khiển dư luận phương Tây trên báo chí phương Tây. Ông đã làm như vậy với hiệu quả tuyệt vời kể từ Thế vận hội Olympic mùa Đông tổ chức ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, điều thực sự quan trọng là Kim Jong-un đang làm gì ở Triều Tiên và nói gì bằng tiếng Triều Tiên./.