Lỗ hổng trong quản trị tiền gửi nhìn từ Eximbank

Hà Phương 24/02/2018 11:35

Vụ việc nguyên Phó Giám đốc chi nhánh Eximbank TP.HCM rút 301 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của khách hàng bỏ trốn đang đặt ra câu hỏi về lỗ hổng trong quản trị tiền gửi từ ngân hàng này.

Cần quản trị chặt khâu gửi tiền gửi nhìn từ Eximbank

Khách hàng giao dịch tại Eximbank

Theo vụ việc từ năm 2014 đến đầu 2017, ông Lê Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Eximbank Chi nhánh TP HCM lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng là bà Chu Thị Bình ủy quyền giao dịch tiền gửi tiết kiệm, cùng nhân viên của Eximbank đến nhà riêng của bà Bình để trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi của bà Bình.

Có thể bạn quan tâm

  • Cổ phiếu Eximbank có bị ảnh hưởng sau vụ nguyên Phó giám đốc TP HCM lừa đảo?

    Cổ phiếu Eximbank có bị ảnh hưởng sau vụ nguyên Phó giám đốc TP HCM lừa đảo?

    10:00, 23/02/2018

Ông Lê Nguyễn Hưng lợi dụng bà Chu Thị Bình ký khống giấy ủy quyền để điền tên 3 người được ủy quyền, gồm: Bà Nguyễn Thị Hồng Lê (người thân của vợ ông Hưng), ông Nguyễn Minh Huân và một người chưa rõ danh tính (người này và ông Huân là đối tượng kinh doanh vàng) để rút tiền từ các sổ tiết kiệm của bà Bình. Mặt khác, ông Hưng còn chỉ đạo cấp dưới xác nhận giao dịch không đúng quy định của Eximbank, chi trả tiền không đúng người gửi. Cách làm này đã giúp ông Hưng chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của bà Bình.

Vào khoảng tháng 2/2017, ông Hưng bất ngờ xin nghỉ việc tại Eximbank rồi bỏ trốn khỏi Việt Nam. Thời điểm này, bà Bình kiểm tra số dư 3 sổ tiết kiệm, trong đó một sổ 247 tỉ đồng, một sổ 49 tỉ đồng và một sổ 5,4 tỉ đồng thì phát hiện toàn bộ tổng số tiền 301,4 tỉ đồng "không cánh mà bay".

Về vụ việc này, ông Lê Văn Quyết - thành viên HĐQT Tổng Giám đốc  Eximbank cho biết, đã rà soát, kiểm tra toàn bộ khách hàng VIP, tăng cường giám sát mọi giao dịch, đặc biệt là khách hàng có liên quan đến ủy quyền giao dịch cho nhân viên ngân hàng. HĐQT, Ban điều hành Eximbank cũng đã nhìn nhận thiếu sâu sát trong việc quản trị rủi ro về tiền gửi; xử lý trách nhiệm các lãnh đạo, nhân viên liên quan đến vụ mất tiền của bà Bình.

Theo các chuyên gia, nhận tiền gửi là một trong những hoạt động ngân hàng được quy định tại Luật các tổ chức tín dụng. Nhận tiền gửi theo luật này là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận.

Qua vụ việc nguyên Phó Giám đốc chi nhánh Eximbank tại TP HCM Lê Nguyên Hưng chiếm 301 tỷ đồng của khách hàng rồi biến mất cùng với một số vụ việc khác tương tự xảy ra gần đây đã cho thấy các ngân hàng cần phải chỉnh đốn lại mọi hoạt động, kiểm soát chặt chẽ tất cả mọi giao dịch nhất là các lỗ hổng trong quản trị tiền gửi tránh để xảy ra những chuyện đáng tiếc…

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng, điều mà các ngân hàng cần quan tâm và phải thực hiện là vấn đề đạo đức kinh doanh. Ngân hàng nào cũng có quy định về đạo đức kinh doanh nhưng thực tế không phải ngân hàng nào cũng tổ chức đào tạo về vấn đề này một cách bài bản.

Ông Hiếu khuyến cáo khách hàng nếu muốn gửi tiết kiệm thì nên giao dịch ngay tại chi nhánh hoặc trụ sở của ngân hàng và giao dịch trong giờ làm việc.

Chuyên gia này cho rằng, giao dịch ngoài giờ làm việc rất rủi ro vì thời điểm này tất cả các hệ thống hạch toán có thể chỉ hoạt động một phần và nhân viên không có mặt đầy đủ. Ngoài ra, khách hàng không nên để nhân viên, kể cả lãnh đạo ngân hàng đến giao dịch tại nhà riêng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lỗ hổng trong quản trị tiền gửi nhìn từ Eximbank
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO