Lo tăng vốn dự án để... "làm xiếc"

Theo Người lao động 06/04/2019 23:45

Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với đề nghị nâng vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỉ đồng lên 35.000 tỉ đồng, lý do vốn càng lớn càng dễ bị chia nhỏ để... "làm xiếc".

ĐBQH Hoàng Quang Hàm đề nghị giữ nguyên mức vốn đầu tư dự án quan trọng quốc gia 10.000 tỉ đồng như hiện nay

ĐBQH Hoàng Quang Hàm đề nghị giữ nguyên mức vốn đầu tư dự án quan trọng quốc gia 10.000 tỉ đồng như hiện nay

Ngày 5/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Theo dự thảo luật, Chính phủ đề nghị nâng mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỉ đồng như luật hiện hành lên 35.000 tỉ đồng.

Làm rõ thêm nội dung này, đại diện cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) Nguyễn Đức Hải cho biết quan điểm của Ủy ban Thường vụ QH đề nghị điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia lên 20.000 tỉ đồng.

Tại hội nghị, nhiều ĐBQH bày tỏ sự không đồng tình với việc điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia lên 20.000 tỉ đồng hay 35.000 tỉ đồng mà cần giữ như quy định hiện hành. ĐB Hoàng Quang Hàm (tỉnh Phú Thọ) cho rằng biến động giá cả thời gian qua không lớn, mức 10.000 tỉ đồng đã là rất cao, cần giữ nguyên mức.

Trong khi đó, theo ĐB Nguyễn Thanh Xuân (TP Cần Thơ), tổng mức vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng đã là con số lớn. "Thậm chí mức càng thấp thì càng an toàn bởi có sự giám sát của QH. Vì thế, nên giữ nguyên ở mức 10.000 tỉ đồng vì thực tế đã có tình trạng "chia nhỏ" dự án ra để không thông qua hay xin ý kiến của QH, trong đó có những dự án đầu tư gây thất thoát lãng phí" - ông Xuân thẳng thắn.

Tán đồng, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (tỉnh Hòa Bình) nói: "Đang có tình trạng chia nhỏ dự án ra để làm như kiểu "làm xiếc". ĐB Phan Thái Bình (tỉnh Quảng Nam) góp ý thêm: "Phải tính đến tính khả thi chứ nâng lên mức 35.000 tỉ đồng thì có khi cả nhiệm kỳ QH không quyết được dự án nào. Dự án quan trọng quốc gia là nhằm giải quyết vấn đề đất nước đang đặt ra chứ không phải bao nhiêu tiền".

Một vấn đề quan trọng khác cũng được nhiều ĐBQH cho ý kiến là thẩm quyền quyết định danh mục dự án đầu tư công trung hạn. Theo đó, ĐBQH đề nghị quy định QH quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn, bao gồm tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án chi đầu tư từ ngân sách trung ương theo đúng của tinh thần Hiến pháp. Về nội dung này, Ủy ban TC-NS cho biết nhiều ý kiến trong thường trực ủy ban cũng đề nghị QH quyết định danh mục dự án vì đây là các vấn đề quan trọng của đất nước, liên quan đến phân bổ tổng nguồn lực ngân sách nhà nước rất lớn trong giai đoạn 5 năm.

Tuy nhiên, Chính phủ và một số ý kiến trong thường trực Ủy ban TC-NS cho rằng việc trình QH xem xét, quyết định danh mục cụ thể từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn là khó khả thi, khó bảo đảm về chất lượng và thời gian quyết định kế hoạch này.

Đa số các ĐBQH cho rằng QH là cơ quan quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó đầu tư công là một lĩnh vực hệ trọng của quốc gia. Vì vậy, phải giữ nguyên thẩm quyền quyết định danh mục đầu tư công trung hạn của QH. Trong những tình huống, trường hợp đặc biệt thì QH giao Ủy ban Thường vụ QH quyết định và báo cáo QH ở kỳ họp gần nhất.

Kết luận hội nghị, tiếp thu ý kiến các ĐBQH về mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia quy định trong Luật Đầu tư công (sửa đổi), Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết sẽ rà soát lại và đưa ra 2 phương án để QH thảo luận và quyết định. Về danh mục dự án đầu tư công trung hạn, Phó Chủ tịch QH nêu rõ quan điểm QH giữ thẩm quyền quyết định vì "đây là vấn đề bất di bất dịch".

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lo tăng vốn dự án để... "làm xiếc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO