Trong cơn sốt giá vàng như hiện nay mới thấy rõ tình trạng bát nháo của thị trường vàng Việt Nam khi mỗi nơi một giá, chênh lệch giá mua- bán quá lớn…
Còn nhớ khi giá vàng quốc tế bật tăng mạnh lên tới 2.074USD/oz, thì giá vàng trong nước cũng tăng vọt lên tới gần 63 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế tới hơn 4 triệu đồng/lượng, và chênh lệch giá mua- bán lên tới hơn 2 triệu đồng/lượng.
Khi giá vàng quốc tế đảo chiều mạnh xuống 1.862USD/oz, thì giá vàng trong nước cũng đảo chiều theo. Thậm chí có nhiều thời điểm, giá vàng trong nước còn giảm mạnh hơn cả giá vàng quốc tế, khiến nhiều người lỡ mua vào ở mức giá cao đã không kịp bán ra và thua lỗ nặng.
Nay giá vàng miếng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 55,3- 56,7 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá mua- bán ở mức 1,4 triệu đồng mỗi lượng. Trong khi giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết ở mức 55,15- 56,25 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá mua- bán ở mức hơn 1 triệu đồng/lượng. Còn giá vàng miếng SJC được Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 55,4- 56,2 triệu đồng/lượng… Giá vàng trong nước hiện vẫn còn cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi tới hơn 2 triệu đồng/lượng.
Nhìn vào diễn biến nói trên mới thấy được tình trạng “loạn” giá vàng trong nước, mỗi nơi một kiểu, chênh lệch giá mua bán quá lớn và giá vàng trong nước luôn cao hơn so với giá vàng quốc tế từ 2- 4 triệu đồng mỗi lượng. Điều đáng nói, trong cơn điên loạn của giá vàng trong nước, thì các doanh nghiệp kinh doanh vàng luôn làm chủ cuộc chơi của riêng mình, có nghĩa họ luôn giữ chênh lệch giá mua- bán ở mức cao và duy trì giá vàng trong nước cao hơn nhiều giá vàng quốc tế để đẩy rủi ro về phía khách hàng.
Từ nhiều năm nay NHNN không cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào được nhập khẩu vàng nguyên liệu, mà các doanh nghiệp chủ yếu mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Đối với vàng miếng SJC cũng chủ yếu được gia công lại từ vàng móp méo. Do đó, thị trường vàng trong nước đã từ lâu không còn liên thông với giá vàng quốc tế. Thế nhưng, mỗi khi giá vàng quốc tế lên cơn sốt giá, thì giá vàng trong nước cũng “ăn theo”, thậm chí còn tăng mạnh mẽ hơn, dù quan sát thị trường cho thấy nhu cầu mua vào trong nước không cao. Ngược lại, khi giá vàng quốc tế giảm, thì giá vàng trong nước cũng điều chỉnh theo…
Việc các doanh nghiệp kinh doanh vàng duy trì chênh lệch giá ở mức cao một phần cũng bởi nguồn cung trong nước khan hiếm, nhưng một phần lớn do giá vàng trong nước đang được thả nổi và cơ chế quản lý thị trường vàng chưa phù hợp. Điều này luôn khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi, còn doanh nghiệp vẫn chủ động phòng ngừa được rủi ro biến động giá vàng và hưởng lợi.
Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc thị trường vàng Việt Nam không thể được vận hành “một mình, một chợ”, mà cần theo thông lệ quốc tế để đẩy lùi tình trạng loạn giá vàng hiện nay. Theo đó, NHNN cần sớm trình Chính phủ lộ trình thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Khi có sở giao dịch vàng tập trung, thì mọi giao dịch vàng sẽ được minh bạch hóa, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế sẽ giảm thiểu, đặc biệt không còn tình trạng giá bán cao hơn quá nhiều so với giá mua như hiện nay, đảm bảo quyền lợi của người dân, nhà đầu tư khi mua, bán vàng.
Khi đó, sẽ không lo tình trạng xuất, nhập khẩu lậu vàng, đồng thời huy động được vàng trong dân, giảm thiểu tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế. Đặc biệt, Sở giao dịch vàng tập trung sẽ góp phần loại bỏ dần những hình thức giao dịch vàng bất hợp pháp thông qua các sàn forex đang nở rộ như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Giá vàng và USD giảm, tiền có chọn chứng khoán?
09:00, 14/08/2020
Giá vàng trong nước rớt thảm, có nên "bắt dao rơi"?
05:00, 12/08/2020
Vàng trong nước đang bị “làm giá”?
05:40, 10/08/2020
Kiến nghị thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia: Ổn định và nhiều lợi ích
13:33, 18/06/2016
Cần lộ trình sớm thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia
05:00, 18/08/2020
Huy động vàng: Có dễ “đánh thức” vàng trong dân? (Kỳ II)
06:15, 22/07/2017
Huy động vàng: Rủi ro, nhưng không thể lùi (Kỳ I)
05:02, 20/07/2017