“Loạn” vi phạm Luật Đê điều ở Hà Nội: Vì sao lãnh đạo quận Tây Hồ im lặng?

NGUYÊN GIANG - MINH KHÔI 02/09/2020 05:20

Bất chấp an nguy của hàng triệu người dân Thủ đô, những căn “biệt thự” được vô tư “mọc” trên hành lang thoát lũ. Đáng nói, lãnh đạo UBND quận Tây Hồ vẫn “thờ ơ” trước phản ánh từ cơ quan báo chí…

hihiih

Một công trình vẫn đang vừa quây tôn vừa xây dựng tại ngõ 1, khu tập thể F361 đường An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. (Ảnh: Gia Nguyễn/DĐDN)

Thời gian vừa qua, trước hiện trạng báo động vi phạm Luật Đê điều, đặc biệt, ngay tại giữa Thủ đô Hà Nội, tình trạng “loạn” vi phạm vẫn ngang nhiên diễn ra và không hề có dấu hiệu thuyên giảm…

Theo đó, ngay giữa trung tâm quận Tây Hồ, tình trạng những khu nhà xây dựng trái phép ở bãi sông tại các ngõ 1, 5, 9 và 11 khu  tập thể F361 thuộc phố An Dương, phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) nhìn từ xa khá nguy nga, bắt mắt với những căn biệt thự nhà vườn. Được biết, tại đây, từ tháng 5/2019, Hạt quản lý đê số 2 phối hợp với UBND phường Yên Phụ đã có kiểm tra và lập nhiều hồ sơ vi phạm trong lĩnh vực đê điều.

Thời điểm này, thông tin từ nhiều tư liệu cho thấy, lực lượng chức năng đã dỡ bỏ toàn bộ sáu lều tạm, khung cột tre, mái lá, bạt, với tổng diện tích khoảng 450 m2; dỡ bỏ toàn bộ 12 nhà khung sắt, mái tôn, quây tôn, với tổng diện tích khoảng 600 m2; dỡ bỏ hàng rào sắt, hàng rào tre, cổng, tường gạch… của các công trình vi phạm. Thế nhưng, điều bất ngờ là sau một năm xử lý, các công trình lều tạm tuy không còn, nhưng thay vào đó lại là một chuỗi khu biệt thự khang trang, kín cổng, cao tường được “mọc” hiên ngang ngay trên hành lang thoát lũ (?!).

hihihi

“Biệt thự nhà vườn” tại ngõ 1, khu tập thể F361 An Dương, Tây Hồ, Hà Nội.(Ảnh: Gia Nguyễn/DĐDN)

Không chỉ dừng lại ở đó, tình trạng sử dụng, lấn chiếm đất, xây dựng công trình nhà ở kiên cố, điểm kinh doanh trên phần đất nông nghiệp, đất cơi nới, lấn chiếm hành lang thoát lũ tại ngõ 76 An Dương cũng khiến dư luận vô cùng bức xúc. Theo đó, nổi cộm hơn cả là đoạn từ ngõ 35/76 An Dương đổ ra phía mặt sông, hàng loạt các công trình, nhà ở kiên cố được cho là đang bị sử dụng sai mục đích trên diện tích đất mà UBND quận Tây Hồ quản lý, nhiều công trình vừa quây tôn vừa tiến hành xây dựng..,

Đặc biệt, ngay trên tuyến đường đê Yên Phụ (đoạn qua địa phận quận Tây Hồ), đây là tuyến đê cấp đặc biệt bảo vệ Thủ đô nhưng trong quá trình dừng thi công cao điểm mưa lũ, đơn vị thi công vẫn không có biện pháp đảm bảo an toàn.

Ghi nhận trực tiếp tại khu vực này, PV nhận thấy, sau khi dừng thi công, ngoài một số đoạn đê đã được bê tông hóa chưa được san lấp chân đê, còn một đoạn dài của công trình vẫn bỏ trống, lấp vào bằng những hộp ván ghép bằng sắt, quây tôn che chắn phía ngoài…

Đáng chú ý, trước đó, ngay sau khi phát hiện những vi phạm về đê điều tại quận Tây Hồ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, đề nghị chính quyền địa phương xử lý dứt điểm vi phạm, tuy nhiên, cho tới nay, những vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức dư luận!

Cần phải nói, quá trình ghi nhận hiện trạng, nhận thấy nhiều vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, PV Diễn đàn Doanh nghiệp đã có những phản ánh trực tiếp qua điện thoại tới lãnh đạo UBND quận Tây Hồ, đồng thời cũng đã đặt lịch làm việc tại Văn phòng UBND quận, với mong muốn có thể trực tiếp chuyển những thông tin vi phạm để lãnh đạo địa phương nắm bắt. Tuy nhiên, đáp lại từ phía UBND quận Tây Hồ là một sự im lặng đến khó hiểu?

Dư luận không khỏi bức xúc cho rằng, phải chăng đang có quá nhiều “lợi ích” từ những vi phạm nêu trên khiến các cấp chính quyền quận Tây Hồ phải “né” cơ quan ngôn luận?

hihihi

Tuyến đê cấp đặc biệt bảo vệ Thủ đô nhưng trong quá trình dừng thi công cao điểm mưa lũ, đơn vị thi công vẫn không có biện pháp đảm bảo an toàn. (Ảnh: Gia Nguyễn/DĐDN)

Đến đây cũng cần phải nhắc lại, trước thực trạng vi phạm về đê điều đang xảy ra ở mức báo động, ngày 7/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý đê điều; yêu cầu chính quyên các cấp xử lý nghiêm, kiên quyết, dứt điểm từng vụ vi phạm; gắn trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc để xảy ra các vụ vi phạm.

Cũng cần phải nói thêm, ngay sau loạt bài phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về tình trạng “loạn” vi phạm đê điều ở Hà Nội, ngày 14/8/2020, Văn phóng Chính phủ đã có công văn số 6762/VPCP-NN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND Thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý…

Thế nhưng, ngạc nhiên là đang giữa cao điểm mùa mưa bão, khi người dân Thủ đô còn đang “hoang mang” bởi hàng loạt vi phạm về đê điều đang hiện hữu, khi người đứng đầu Chính phủ cũng phải “rốt ráo” vào cuộc chỉ đạo xử lý… thì ngay giữa trung tâm của Thủ đô Hà Nội, những vi phạm “khủng” tại quận Tây Hồ vẫn “sừng sững”, thách thức pháp luật (?!).

Vậy, những vi phạm tại nơi này sẽ được xử lý ra sao? Liệu chăng, lãnh đạo UBND quận Tây Hồ còn “thờ ơ” trước sai phạm?

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!

Có thể bạn quan tâm

  • “Loạn” vi phạm Luật Đê điều ở Hà Nội

    “Loạn” vi phạm Luật Đê điều ở Hà Nội

    11:01, 12/08/2020

  • “Loạn” vi phạm Luật Đê điều ở Hà Nội: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, xử lý

    “Loạn” vi phạm Luật Đê điều ở Hà Nội: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, xử lý

    15:38, 17/08/2020

  • “Loạn” vi phạm Luật Đê điều tại Hà Nội: Quận Tây Hồ có “đi ngược”… chỉ đạo?

    “Loạn” vi phạm Luật Đê điều tại Hà Nội: Quận Tây Hồ có “đi ngược”… chỉ đạo?

    05:50, 01/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Loạn” vi phạm Luật Đê điều ở Hà Nội: Vì sao lãnh đạo quận Tây Hồ im lặng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO