Khai thác titan và cuộc đấu chưa hồi kết

Trương Khắc Trà 15/06/2018 11:15

Nhiều địa phương đính “quả đắng” môi trường từ khai thác quặng titan, chứng kiến cảnh rừng phòng hộ ven biển ở Bình Định, Bình Thuận bị triệt hạ, nhìn về Quảng Trị mà không khỏi lo âu.

Sau nhiều lần thương lượng với nhân dân thôn Đồng Luật (Vĩnh Thái, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) bằng hỗ trợ tiền mặt và đền bù cho 5 hộ dân có đất trồng tràm bị con đường dẫn vào điểm mỏ chạy qua. Giữa tháng 4/2018, Cty Thanh Tâm đã triển khai hạng mục đầu tiên dự án khai thác titan.

Có thể bạn quan tâm

  • Khai thác titan tại Quảng Trị khiến quê nghèo “dậy sóng”

    Khai thác titan tại Quảng Trị khiến quê nghèo “dậy sóng”

    11:11, 09/06/2018

p/Một điểm khai thác titan tại Quảng Trị cát vun như núi.

Một điểm khai thác titan tại Quảng Trị cát vun như núi.

“Trống đánh xuôi kèn thổi ngược” xung quanh dự án

Không hiểu sao người dân trong thôn đổ ra ngăn chặn, họ dựng lán tạm chốt ngay trên con đường dự kiến mở chạy qua rừng tràm với nhiều cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ và băng rôn “Toàn dân đoàn kết bảo vệ rừng”. Ngay lập tức lực lượng chức năng huyện, dân quân và các ban ngành đoàn thể xã huy động lực lượng đến tháo dỡ ngay trong ngày trước sự chống trả quyết liệt của người dân địa phương.

Đỉnh điểm là tối ngày 27/4 chính quyền xã tổ chức họp dân nhưng vẫn không đi đến thống nhất, đại đa số người dân bỏ về, chỉ còn lại 7 người biểu quyết và thư ký hội nghị không ghi được biên bản!
Trong khi đó phía Cty Thanh Tâm đang nắm giữ danh sách chữ ký của 91/98 hộ dân thôn Đồng Luật có nội dung đồng ý cho Cty triển khai dự án vào thời điểm ngày 27/4.

Có một chi tiết đáng chú ý, cách buổi họp dân mấy hôm UBND xã phát tiền hỗ trợ cho người dân liên quan đến dự án, ngày phát tiền trùng với ngày thu tiền điện tại trụ sở UBND xã. Phải chăng, danh sách 91 chữ ký phía Cty làm bằng chứng chính là ký nhận tiền?

Phía người dân yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ văn bản cho phép chuyển đổi rừng phòng hộ sang rừng sản xuất kinh doanh. Ông Trần Như Mạnh (thôn Đồng Luật) cho rằng “chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đầu nguồn có thể bằng nhiều hình thức như trồng thêm cây lâm nghiệp chứ không nhất thiết phải san ủi hết để khai thác titan”.

Còn phía UBND xã, Chủ tịch xã Ngô Thế Thanh cho hay “Sở dĩ nảy sinh chống đối nhà đầu tư là vì hiềm khích trong cá nhân” Ông Thanh khẳng định: “khai thác titan cách xa khu dân cư, thậm chí làm tăng thêm nguồn nước ngầm chứ không phải mất nước như nhiều người lo ngại”.

Giữa “tâm bão” titan, ngày 3/6, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính vừa chỉ đạo tạm dừng triển khai dự án khai thác titan tại thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh do vấp phải phản ứng dữ dội của người dân địa phương.

Titan có dễ ăn?

Vì lý do gì chăng nữa thì cũng khó cầm lòng trước khung cảnh tan hoang trên những dự án titan ở ven biển Quảng Trị, bảo vệ môi trường là lý do chính đáng trừ khi cơ quan chức năng thực hiện đúng cam kết.
Bình Định, Bình Thuận đang trả giá đắt vì khai thác titan. Sau nhiều năm những ngôi làng nguyên sinh ven biển huyện Phù Cát, Phù Mỹ (Bình Định); huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) trở nên điêu tàn, sản xuất nông nghiệp hầu như không còn vì nguồn nước ngầm cạn kiệt, làng biển quay lại với một sinh kế duy nhất là ngư nghiệp.

Miền Trung được dự báo trữ lượng titan hơn nửa tỷ tấn, trị giá hơn 130 tỷ USD, nhưng lợi nhuận khai thác đang “ăn” vào môi trường nếu chỉ xuất khẩu thô. Theo các chuyên gia, cần 100 tấn quặng thô để lấy được 2,7 tấn titan thương phẩm.

Như vậy giá trị thương phẩm theo dự báo chỉ đạt 3,7 triệu USD, trong đó lợi nhuận đạt được chỉ 17%. Nếu khai thác nửa tỷ tấn titan ròng trong vòng 50 năm thì lợi nhuận bình quân là 1,3 triệu USD/năm, tính xong thuế thu nhập 25% thì mỗi năm ngân sách thu được chỉ vài trăm nghìn USD.

Đổi môi trường lấy kinh tế đã đành nhưng con số tính toán cho thấy lợi bất cập hại, người dân sẽ hưởng được những gì ngoài hậu quả dai dẳng. Nguồn lợi có đủ bù đắp kinh phí xử lý khủng hoảng môi trường và “mua” được sự an yên trong lòng dân chúng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khai thác titan và cuộc đấu chưa hồi kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO