Một trong những nguyên nhân khiến ngành logistics Quảng Ninh trì trệ là do địa phương này chưa thức tỉnh được “gã khổng lồ” của ngành vận tải, đó là đường sắt.
Từng được kỳ vọng là một trong những tuyến động lực trên của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Dự án Xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Hơn 7 năm đợi chờ để tìm lối thoát, dự án dường sắt này vẫn rơi vào vô vọng. Hàng núi cấu kiện sắt thép đường ray, tà vẹt... vẫn nằm rỉ sét nắng, mưa mỗi ngày. Đây là một dự án điển hình cho sự trì trệ của đường sắt Quảng Ninh.
Chưa tương xứng với tiềm năng
Quảng Ninh hiện có 5 khu bến, bến cảng và 19 kho, bãi, song cơ sở hạ tầng của các bến, bãi, cảng lại chưa được đầu tư đồng bộ, năng lực hạn chế, nằm phân tán trong khu vực dân cư. Điển hình là cảng Cái Lân (TP Hạ Long), đến nay vẫn chưa quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe chờ vào cảng làm hàng; hạ tầng giao thông kết nối với cảng như tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long, đoạn 600m từ cảng ra QL18, cầu vượt qua KCN vào cảng đến nay chưa được hoàn thiện, khu vực cảng dễ bị ô nhiễm bởi khói bụi…
Cùng với đó, toàn tỉnh hiện có 194 doanh nghiệp dịch vụ bốc xếp hàng hoá, kho bãi và lưu giữ hàng hóa, 4.520 doanh nghiệp vận tải hàng hóa, 6 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính. Các doanh nghiệp logistics hiện nay tuy có sự phát triển khá nhanh về số lượng, quy mô, chất lượng nhưng đa số chỉ cung cấp được các dịch vụ logistics ở một số dịch vụ đơn lẻ như vận tải, hải quan, thanh toán theo yêu cầu của chủ hàng.
Nếu đường sắt được kết nối tốt sẽ giúp thuận lợi hơn cho cảng trong việc thu hút hàng hóa, đặc biệt việc vận chuyển hàng hóa sẽ gia tăng đáng kể.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics chủ yếu là quy mô nhỏ, chưa chủ động được khâu vận chuyển hàng hải vì phụ thuộc vào các hãng vận tải nước ngoài. Thêm vào đó, các doanh nghiệp chủ yếu làm dịch vụ thương mại buôn bán, gia công hàng hoá, cho thuê kho, bãi, vận chuyển hàng hoá, làm dịch vụ hải quan.
Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến ngành logistics Quảng Ninh trì trệ là do chưa thức tỉnh được “gã khổng lồ” của ngành vận tải, đó là đường sắt. Mặc dù trước đó, Bộ GTVT đã triển khai tuyến đường sắt được cho là hiện đại nhất cả nước và được kỳ vọng là “cung đường vàng” trong mạng lưới vận tải của Quảng Ninh, đường sắt Hạ Long – Hà Nội.
Thất vọng đường sắt?
Được đầu tư 7.000 tỷ đồng với chiều dài 113 km có khổ ray 1,435m và 1,067m, có 6 đường ray chờ, với công suất đón tiễn đạt 12 chuyến/ngày. Sứ mệnh tuyến đường sắt này trong kế hoạch xây dựng của Bộ GTVT là rất hoành tráng: Đảm nhiệm việc chuyên chở hàng hóa từ cảng Cái Lân đi các tỉnh và chuyên chở hành khách mà chủ yếu là khách du lịch, giảm tải cho đường bộ, đẩy nhanh đồng bộ hóa trong vận tải cho quá trình phát triển toàn diện của tỉnh Quảng Ninh. Theo kế hoạch đề ra trong dự án, tuyến đường sắt này khi hoàn tất đi vào hoạt động sẽ là một cú hích cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, tạo sự kết nối mạnh mẽ và thuận tiện cho Quảng Ninh đi các địa phương khác trong cả nước.
Có thể bạn quan tâm
11:38, 05/10/2018
04:28, 06/09/2018
06:00, 25/08/2018
07:00, 18/08/2018
Trái ngược với kỳ vọng ban đầu, dự án này hiện nay gần như không có hàng hóa và hành khách. Mỗi ngày, ga Hạ Long chỉ đón và tiễn duy nhất một đoàn tàu 4 toa, cũ kỹ được nhập của Trung Quốc từ những năm 60. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Đức Tân, Trưởng ga Hạ Long cho biết: Đường sắt ở đây chạy khổ 1,435m nên chỉ chạy lên được Yên Viên (Hà Nội) hoặc Kép (Bắc Giang). Muốn chuyên chở hàng hóa cũng khó vì toàn quốc đang sử dụng khổ ray 1,0m, phải mất thêm chi phí bốc xếp chuyển toa nên chẳng ai dại gì mà vận chuyển bằng đường sắt.
Nhưng ít nhất thì ga Hạ Long cũng thi thoảng có khách và vài cọng rau. Ga Cái Lân thì thê thảm hơn, vì nhiều năm nay bất động. Có mặt tại ga Cái Lân, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp giật mình trước khung cảnh hoành tráng với hàng nghìn tỷ đồng đầu tư nhưng lại ảm đạm và vắng ngắt. Tất cả các cánh cửa nhà ga đều đóng im lìm và phủ đầy bụi. Nhà ga này được xây dựng nằm trọn trong khu vực cảng biển Cái Lân, có tới 7 đường ray để chờ xếp hàng. Cùng đó, nhà ga được bố trí đầy đủ hệ thống nhà kho, bãi xếp container chuyên dụng. Nhưng đáng buồn là trong nhiều năm qua không hề được sử dụng và không có chuyến tàu nào vào làm hàng. “Chỉ tính toán sơ sơ thì mỗi một đoàn tàu có thể vận chuyển trên 20 container, mỗi ngày sẽ có 2 chuyến, như vậy số lượng 40 container sẽ được vận chuyển trong ngày, tất nhiên lượng hàng hóa này hoàn toàn có thể gia tăng hơn nhiều nếu tuyến đường sắt đi vào hoạt động và cơ quan chức năng có chiến lược hợp lý” ông Tân khẳng định.
Trước thực tế trên, tỉnh Quảng Ninh và các doanh nghiệp khai thác cảng rất tha thiết khơi thông lại dự án tuyến đường sắt Yên Viên (Hà Nội) - Cái Lân (Hạ Long) để thu hút hàng hóa vào cảng biển. Lãnh đạo tỉnh này khi làm việc với Bộ GTVT đã trực tiếp đề nghị khởi động lại dự án nhằm khơi dậy tiềm năng vận tải bằng đường sắt đi, đến Quảng Ninh.