LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Cần cơ chế đột phá thu hút đầu tư

Diendandoanhnghiep.vn PGS. TS. Hồ Thị Thu Hoà – Viện trưởng viện nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam đề xuất 4 nhóm giải pháp để thu hút vốn đầu tư phát triển logistics ĐBSCL.

>> LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Bảy đề xuất phát triển toàn diện và liên kết vùng

Phát biểu tại Diễn đàn “Hoàn thiện chuỗi dịch vụ Logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND TP Cần Thơ chỉ đạo, VCCI Cần Thơ, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức ngày 26/5/2022, PGS. TS Hồ Thị Thu Hoà cho biết việc xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics tại ÐBSCL trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu là rất cần thiết, nhằm kết nối vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ nhanh nhất, chi phí thấp hơn. Các trung tâm logistics hoạt động tốt sẽ giảm thiểu chi phí đầu vào nhằm tăng giá trị hàng hóa đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của vùng ÐBSCL. 

Điểm nghẽn hạ tầng

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, đánh giá tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị chỉ rõ, hạ tầng giao thông vận tải vẫn là điểm nghẽn của nền kinh tế và trong đó có vùng ĐBSCL.

Nguyên nhân chủ yếu do đặc điểm của vùng ĐBSCL địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nền địa chất yếu, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do đó, suất đầu tư xây dựng cao so với các khu vực khác trên cả nước. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm bố trí nguồn lực không nhỏ cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nhưng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn được rất ít công trình. Ví dụ làm một con đường nhưng mất rất nhiều kinh phí để xử lý nền đất yếu. Do đó, số lượng km đường hay công trình giao thông như cầu cống…ít hơn so với khu vực khác. Vì thế, việc đi lại, lưu thông của vùng ĐBSCL vẫn rất khó khăn.

PGS. TS. Hồ Thị Thu Hoà – Viện trưởng viện nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam tại Diễn đàn

PGS. TS. Hồ Thị Thu Hoà – Viện trưởng viện nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Hoàn thiện chuỗi dịch vụ Logistics cho nông sản ĐBSCL.

Bà Hoà cho biết, đường bộ còn nhỏ hẹp, nhiều tuyến mới chỉ được láng nhựa, vì thế chưa đáp ứng nhu cầu vận tải, đặc biệt là đòi hỏi về vận tải hành khách, hàng hóa với thời gian nhanh, chất lượng cao, đường bộ cao tốc trong vùng đến thời điểm này mới có gần 100 km. Vùng chưa có cảng biển nước sâu để có thể làm đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa đi các nước trong khu vực và đi các tuyến biển xa…; chưa phát huy được lợi thế tự nhiên của hệ thống đường thủy nội địa, tính kết nối giữa các phương thức vận tải còn hạn chế…

Cụ thể, với đường bộ, theo Bộ GTVT, hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ tại ĐBSCL chiếm đến 80%, chủ yếu đến các cảng khu vực TP. HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu để xuất khẩu. Nhưng trong những năm qua, hạ tầng đường bộ được xem là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của vùng và nhận được sự quan tâm đầu tư quyết liệt của cơ quan Nhà nước.

Với đường thuỷ, theo nhận định của Ngân hàng thế giới (WB), giao thông đường thủy nội địa đóng vai trò then chốt nhưng thiếu đầu tư trầm trọng. Ngân sách đầu tư cho đường thủy nội địa giảm từ 2 -3% tổng ngân sách đầu tư giao thông trong giai đoạn 2011 – 2015 xuống còn 1,2% trong giai đoạn 2016 – 2020. Do đó, dù ĐBSCL có nhiều lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển giao thông đường thủy với hệ thống sông ngòi chằng chịt, với tổng chiều dài gần 28,000 km nhưng hiện nay vận tải thủy nội địa chỉ đóng vai trò tập kết, thu gom hàng hóa với quy mô còn rất hạn chế. 

Với đường sắt, dự án đường sắt tốc độ cao TP. HCM – Cần Thơ dù đã có quyết định phê duyệt quy hoạch từ năm 2013 nhưng sau nhiều lần điều chỉnh vẫn chưa bắt đầu triển khai.

Với đường hàng không, khu vực ĐBSCL hiện có 4 sân bay với 2 sân bay dân dụng nội địa là sân bay Rạch Giá (Kiên Giang) và sân bay Cà Mau, 2 sân bay quốc tế là sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) và sân bay Cần Thơ. Đặc điểm chung của các sân bay này là chủ yếu phục vụ vận tải hành khách và chưa có đóng góp nổi bật vào nền kinh tế vùng.

Các đại biểu, doanh nghiệp tại diễn đàn

Các đại biểu, doanh nghiệp tham dự Diễn đàn.

Đối với hạ tầng trung tâm logistics, với vai trò là vựa lúa, vựa nông sản và vựa thủy sản lớn nhất cả nước, vùng ĐBSCL đang hình thành các kho lạnh chuyên dụng hiện đại phục vụ nhu cầu bảo quản các mặt hàng thế mạnh tại đây. Tính đến thời điểm hiện tại, vùng ĐBSCL sở hữu khoảng 30% số lượng kho lạnh của khu vực phía Nam, nhưng chủ yếu phân bố tại Long An, Cần Thơ và Hậu Giang, đóng vai trò như các kho vệ tinh nhằm vận chuyển lên khu vực TP. HCM phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

4 nhóm giải pháp đột phá 

>>>LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam

Để có cơ chế đột phá thu hút vốn đầu tư phát triển logistics tại ĐBSCL, PGS.TS. Hồ Thị Thu Hoài để xuất 4 nhóm giải pháp.

Nhóm giải pháp thứ nhất về cơ chế chính sách: Xây dựng cơ chế tài trợ vùng chính thức cho các cơ sở hạ tầng cấp vùng nhằm đầu tư phát triển hạ tầng logistics bao gồm hệ thống giao thông vận tải, kết nối liên kết vùng, hạ tầng kho bãi và trung tâm phân phối đặc biệt là hạ tầng logistics phục vụ cho nông thủy sản (cold chain logistics).

Bên cạnh đó, ban hành cơ chế thu hút đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước cho phát triển vùng ĐBSCL và thiết lập hệ thống theo dõi - đánh giá thực hiện quy hoạch đầu tư phát triển logistics. Ban hành cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức, cộng đồng, người dân tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, phát triển các cụm ngành kinh tế nông nghiệp của vùng.

Đồng thời, tăng cường vai trò của hợp tác công tư (PPP) để tranh thủ thu hút nguồn vốn đầu tư của tư nhân và phát huy tính hiệu quả cao của dựa án. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đặc biệt là khung pháp lý, liên quan đến liên kết vùng ĐBSCL, trọng tâm là tăng cường phân cấp từ tập trung quốc gia sang các cấp vùng và tỉnh gắn với theo dõi và đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Diễn đàn “Hoàn thiện chuỗi dịch vụ Logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long”

Diễn đàn “Hoàn thiện chuỗi dịch vụ Logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long”

Nhóm giải pháp thứ hai về liên kết vùng

Theo bà Hoài, giải pháp đột phá thu hút vốn đầu tư phát triển logistics tại ĐBSCL cần gắn liền với quy hoạch liên kết vùng nhằm tăng tính hiệu quả của việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực của vùng, thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội toàn vùng.

Trước tiên để đảm bảo toàn bộ hệ thống vùng ĐBSCL hoạt động tốt, cần làm rõ vai trò, và trách nhiệm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban quản lý sông Mê Công Việt Nam trong việc đảm bảo khả năng kết nối tỉnh thành vùng ĐBSCL, cũng như việc quy hoạch phát triển vùng. 

Tăng cường liên kết vùng để sử dụng nguồn lực toàn vùng hiệu quả tránh đầu tư hạ tầng manh mún, thiếu quy hoạch một cách đồng bộ, gây lãng phí nguồn lực và không mang lại hiệu quả.

Đồng thời, cần đánh giá tiềm năng, thế mạnh, lựa chọn đối tác, mô hình cho liên kết vùng. Đây là nhóm giải pháp quan trọng nhằm xác định lĩnh vực, ngành cần liên kết; lĩnh vực, ngành vùng có khả năng tự thực hiện, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện liên kết, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, trùng lặp và lãng phí nguồn lực ở ĐBSCL.

Việc thực hiện xây dựng 8 trung tâm đầu mối (TTĐM): trong đó 1 TTĐM có chức năng tổng hợp ở Tp. Cần Thơ; 4 TTĐM cấp vùng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau; 3 TTĐM có chức năng chủ yếu liên quan đến logistics ở các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang và Sóc Trăng theo như Quy hoạch tích hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 không những sẽ góp đáng kể cải thiện năng lực phát triển kinh tế mà còn thúc đẩy phát triển bền vững của vùng ĐBSCL. Trong đó, ĐBSCL cần có chiến lược phát triển hệ thống các trung tâm TMĐT đầu mối về nông nghiệp, thủy sản gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị có vai trò là trung tâm cấp vùng, tiểu vùng và các đầu mối hạ tầng quốc gia, liên vùng; là nơi cung cấp các dịch vụ về logistics, nghiên cứu phát triển, đào tạo và chuyển giao công nghệ, thu gom, chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm thế mạnh của vùng.

Hơn nữa các trung tâm TMĐT ngoài việc hướng đến phục vụ nhu cầu cho TP.HCM cũng như vùng Đông Nam Bộ và nội địa, ĐBCSL cần có chiến lược chuẩn bị tốt cho sự phát triển của TMĐT xuyên biên giới vì đây là xu hướng mạnh mẽ trong thập kỷ gần đây.  Bên cạnh kênh xuất khẩu truyền thống, TMĐT xuyên biên giới sẽ là kênh phân phối hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường trong thời đại kinh tế số và ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Nhóm giải pháp thứ ba về năng lực quản trị vùng

Hoàn thiện thể chế điều phối vùng ĐBSCL theo hướng tăng cường vai trò của các địa phương trong Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL, thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và giới nghiên cứu vào việc đánh giá hiệu quả các hoạt động liên kết, xây dựng vùng. Nâng cao tính hiệu quả của Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL trong thực tiễn để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện quy hoạch vùng, việc sử dụng nguồn lực, phân bổ nguồn lực, xây dựng danh mục dự án có tính lan tỏa, động lực, các dự án đường ven biển của Vùng.

Diễn đàn thu hút đông đảo khách mời tới tham dự.

Diễn đàn thu hút đông đảo khách mời tới tham dự.

Hoàn thiện và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về tài nguyên và môi trường, tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) và các hoạt động ứng phó với BĐKH của Vùng và các địa phương khác. Tạo cơ sở dữ liệu quy hoạch vùng một cách tập trung để quản lý và thu hút đầu tư, điều phối liên kết phát triển vùng một cách hiệu quả. Hướng đến xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dự liệu cho vùng ĐBSCL nhằm phục vụ đánh giá hiệu quả phát triển kinh tế trên các chỉ số kinh tế – xã hội và cho phép nghiên cứu khoa học phục vụ cho sự phát triển kinh tế vùng.

Nâng cao năng lực của cán bộ quản lý, giám sát trong công tác triển khai quy hoạch vùng. Đồng thời đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng xử lý tình huống trong lãnh đạo, quản lý ở địa phương, cơ sở, kỹ năng về quản trị điện tử, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin ...

Thực hiện công tác luân chuyển cán bộ để tăng khả năng thích ứng và thử thách năng lực bản thân đối với đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã ở khu vực ĐBSCL. Với đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã và những người được quy hoạch vào vị trí chức danh này ở khu vực ĐBSCL, cần chú trọng làm tốt công tác luân chuyển, tạo điều kiện để họ có cơ hội trưởng thành trong thực tiễn. Với những môi trường, điều kiện làm việc khác nhau ở cơ sở sẽ là điều kiện giúp cho họ phát huy được năng lực, sức sáng tạo của bản thân; đồng thời, cũng tránh được tình trạng xa rời thực tiễn.

Nhóm giải pháp thứ tư về phát triển nguồn nhân lực logistics

Yếu tố con người luôn giữ vai trò quan trọng quyết định đối với sự phát triển của một quốc gia hay một vùng kinh tế, do đó để có sự đột phá trong thu hút đầu tư phát triển logistics tại ĐBSCL, nhân lực logistics là một trong những nhân tố quan trọng trong việc phát triển chuỗi cung ứng bền vững ở vùng ĐBSCL. Do đó, những giải pháp về phát triển nhân lực logistics được đưa ra là: 

Trong vấn đề đào tạo nhân sự logistics, cần thay đổi định hướng về hệ thống giáo dục đào tạo đặc thù của vùng, tăng tính thực tế, đào tạo ngành nghề mũi nhọn cho vùng, đặc biệt trong các lĩnh vực được xác định là các cụm ngành có tiềm năng hay có lợi thế.

Chú trọng mô hình đào tạo nghề với sự tham gia của doanh nghiệp – hình thức đào tạo kép. Kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường để có thể xây dựng được chương trình đào tạo có tính thực tiễn cao. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu, đưa vào giảng dạy các chương trình đào tạo ngắn hạn như: Fiata Diploma In International Freight Management hoặc FIATA Higher Diploma in Supply Chain Management hay các chương trình đào tạo của AFFA, ...

Bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức chuyên sâu cho các cán bộ quản lý nhà nước và giảng viên ngành logistics. 

Phát triển nguồn nhân lực chung của vùng trong công tác đào tạo nhân lực logistics theo hướng cung cấp dịch vụ logistics phù hợp phục vụ phát triển các ngành lợi thế của vùng và bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người trong vùng trong bối cảnh BĐKH. Nâng cao nhận thức cho nguồn nhân lực về các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. 

Khuyến khích áp dụng ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý, khai thác dịch vụ logistics. 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Cần cơ chế đột phá thu hút đầu tư tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714103520 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714103520 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10