Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công tin tưởng, với sự đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, logistics phục vụ nông nghiệp, ĐBSCL trong những năm tới sẽ có diện mạo rất khác.
>>[TRỰC TIẾP] Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long
Phát biểu khai mạc Diễn đàn “Hoàn thiện chuỗi dịch vụ Logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND TP Cần Thơ chỉ đạo, VCCI Cần Thơ, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức ngày 26/5/2022, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tổ chức ngày 22/4 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh những lợi thế của vùng.
Đây là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước, đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước...
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), hằng năm Đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn hàng hóa. Tuy nhiên, vùng còn thiếu các trung tâm Logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho và các cảng hệ thống cảng biển còn thiếu, nhất là các cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Do đó, hàng hóa nói chung và hàng nông sản nói riêng phải vận chuyển qua nhiều địa điểm và đưa lên TP. Hồ Chí Minh để xuất đi nơi khác, 70% lượng hàng hóa này phải truyền tải đến các cảng lớn ở TP Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép (Bà Rịa Vũng Tàu) khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10 - 40%, tùy theo từng chuyến, ảnh hưởng rất lớn đến sự cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.
“Bên cạnh đó, phần lớn các dịch vụ Logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ, chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải, nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao như phí dịch vụ lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng.
Có thể thấy rằng, Đồng bằng sông Cửu Long mặc dù là trung tâm lớn trong sản xuất nông nghiệp của cả nước, nhưng chuỗi dịch vụ Logistics cho nông sản đang là một nút thắt, cản trở sự tăng trưởng kinh tế của vùng, cần có những giải pháp kịp thời để cởi nút thắt này”, ông Phạm Tấn Công bày tỏ.
Chủ tịch VCCI cũng khẳng định, quán triệt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, để phát triển vùng và liên kết vùng nói chung, phát triển liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, VCCI với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đã tích cực chủ động phối hợp với các địa phương, các tổ chức quốc tế, tổ chức nhiều hoạt động hội nghị, hội thảo, diễn đàn phát triển liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Qua đó, để cộng đồng doanh nghiệp hiến kế, đóng góp cho các cơ quan Nhà nước ở trung ương và địa phương trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế vùng, mà Diễn đàn “Hoàn thiện chuỗi dịch vụ Logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long” ngày hôm nay cũng không ngoài mục đích đó.
>>Khơi thông “dòng chảy” nông sản đất Chín Rồng: Phát triển trung tâm đầu mối vùng
Hơn lúc nào hết, để phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển ngành nông nghiệp và các sản phẩm nông sản thế mạnh của vùng, việc tập trung tăng cường liên kết vùng, tạo điều kiện thông thương hàng hóa nông sản là vấn đề cấp bách để giúp kinh tế vùng phát triển nhanh hơn bằng lợi thế vốn có. Trong đó, cần sớm có phương án chính sách và mô hình hiệu quả, phát triển hệ thống hạ tầng Logistics; đồng bộ hệ thống kết cấu giao thông vận tải; đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế; kết nối chuỗi cung ứng toàn diện cho nông sản Việt Nam; tự sản xuất thu hoạch cho đến thông quan xuất khẩu; hướng tới tối ưu hóa chi phí Logistics, tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản, tạo đầu ra bền vững cho nông sản của vùng.
Toàn cảnh Diễn đàn “Hoàn thiện chuỗi dịch vụ Logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long”
“Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống hạ tầng giao thông vận tải đô thị, thuỷ lợi, phòng chống thiên tai, Logistics phục vụ nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm tới sẽ có diện mạo rất khác, “dòng chảy” nông sản đến thị trường sẽ nhanh hơn, chi phí sẽ giảm hơn, sức cạnh tranh hàng hóa sẽ cao hơn...
Mặt khác, tôi cũng xin kêu gọi các chuyên gia kinh tế, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp tham gia diễn đàn sẽ có những đánh giá tổng quan thực tế về Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời cho ý kiến về chiến lược phát triển nông nghiệp, cơ chế thu hút đầu tư, giải pháp đẩy mạnh kết nối và phát triển chuỗi Logistics cho nông sản.
Các ý kiến tại Diễn đàn hôm nay sẽ được VCCI tổng hợp ,kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền, hướng tới đóng góp sáng kiến cùng các cơ quan chuyên môn trong định hướng xây dựng và vận hành thị trường, góp phần hoàn thiện dịch vụ chuỗi Logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo tính liên kết ổn định và giảm chi phí, giúp tận dụng được các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do ở Việt Nam đang tham gia”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Chủ tịch VCCI cũng trân trọng gửi lời cảm ơn tới UBND thành phố Cần Thơ, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đã phối hợp tổ chức diễn đàn quan trọng này. Đặc biệt cảm ơn đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cùng các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các nhà báo và toàn thể mọi người đã tham dự Diễn đàn.
Có thể bạn quan tâm
08:15, 26/05/2022
05:00, 26/05/2022
08:50, 24/05/2022
06:28, 23/05/2022
04:15, 22/05/2022